Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người chế tạo thành công 5 loại nhạc cụ dân tộc
Ngày cập nhật 18/11/2010
Anh Pi Ke Dơ.

Pi Ke Dơ (37 tuổi, dân tộc Pakoh), xã Hồng Kim, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) là người biết chơi và chế tạo thành công 5 loại nhạc cụ của 5 dân tộc anh em gồm: Pakoh, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều và Pa Hi, Mọi người phong cho anh là "vua nhạc cụ".

Khác với đám trẻ con cùng trang lứa khác, cậu bé Pi Ke Dơ ngày đó nghe say sưa mà không chỉ để cho vui tai, cậu còn như cái máy nghe là nhớ, để mày mò và tìm cho ra được cái quy luật chơi nhạc đó, rồi thể hiện nó. "Cái thằng thế mới tài, nó nghe tui chơi rồi lại xin chơi thử chứ không như mấy đứa khác. Rồi nó cũng biết chơi như người lớn rứa đó", già làng Võ Lang vui kể lại.

Rồi các lễ hội của dân tộc: Lễ Acha Aza, lễ Ariêu Car, hội Ariêu Piing… được tổ chức là cơ hội cho Pi Ke Dơ có cơ hội được tiếp xúc với nhiều loại nhạc cụ khác mới lạ hơn của dân tộc mình và các dân tộc anh em. "Mình nghe ai là cao niên mà ngày xưa chơi nhạc giỏi là tìm gặp để được chỉ dạy những làn điệu và những kiểu chơi mà bị mai một trong dân tộc. Khi đó mình đã đi lên Nam Đông ra Quảng Trị, vào Quảng Nam để xin được học đó" - Pi Ke Dơ chia sẻ.

Biết chơi nhiều loại nhạc cụ, biết nhiều bản nhạc ngây ngất đất trời nhưng đam mê vẫn chưa dừng lại ở đó và chưa chịu nghỉ ngơi. Anh lại mày mò tìm cách chế tạo lại những bộ nhạc cụ quý ngày xưa đã ngày một thất lạc trong dân gian. "Mua thì nhiều tiền, mà mình nghĩ là nhạc cụ dân tộc đều được chế tạo từ cây rừng thiên nhiên thì tội chi mình không tự làm lấy” - Pi Ke Dơ tâm sự.

Pi Ke Dơ từ một người chơi nhạc cụ giỏi, thành thạo của cả bản làng, Pi Ke Dơ cũng trở thành một người chế tác nhạc cụ xuất sắc và tinh xảo nhất. Với hàng chục loại nhạc cụ được anh tự tay làm ra, anh cũng là "cha đẻ" cây đàn toong với âm sắc độc đáo. Với cây đàn toong không phải chế tạo được nó trong một sớm một chiều mà nó là cả một quá trình suy nghĩ, tìm tòi và nhiều lần không thành công mới có được.

Khi biết chơi nhạc, biết chế tạo nhạc cụ, anh lại tìm tòi trong dân gian những vần nhạc, vần thơ để có thể sáng tác truyền lại cho những người yêu nhạc, đặc biệt là lớp thanh niên trong bản. Khi thấy các lớp cao tuổi yếu đi, là nỗi lo của cả dân tộc, anh đã nảy ra ý định: dạy nhạc cho lớp trai làng để sau này kế nghiệp các loại âm nhạc của dân tộc mình.

Pi Ke Dơ xin phép các cụ mở các buổi sinh hoạt thanh niên bản để dạy đánh cồng chiêng, chơi đàn, thổi sáo. "Mình dạy thanh niên chơi nhạc để chúng có thể tự tin và chơi được nhạc cụ trước mắt là giúp chúng sang các vùng khác giao lưu và tìm… vợ. Rồi điều đó làm lớp thanh niên ham học hơn để có thể lấy lòng các cô gái. Tiếp đến là giữ cho âm nhạc của cả dân tộc" - Pi Ke Dơ vui vẻ nói.

Lớp học luôn thu hút đám đông thanh niên trong thôn tới để học nhạc, đám thanh niên cũng rất thích thú với những loại âm nhạc này. Nhưng do giá mua cao nên "thầy Pi Ke Dơ đã phải mày mò tìm ra cách chế tạo nhạc cho chúng chơi, rồi dạy chúng cách chế tạo tự làm cho mình một bộ nhạc cụ ưng ý.

Ông Lê Dừa, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện A Lưới vui vẻ khi nói về Dơ: "Pi Ke Dơ là "hồn" đội văn nghệ của bản, của xã Hồng Kim, của huyện A Lưới, và của bà con dân tộc Pakoh, Tà Ôi, Cơ Tu, Pơ Hi, Vân Kiều bao năm qua. Anh Dơ cũng là người đã định hướng và dẫn dắt đông đảo trai bản được tiếp thêm nhiệt huyết về âm nhạc truyền thống".

Tập tin đính kèm:
Theo Tân Nghệ - Báo CAND
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.331.123
Truy câp hiện tại 42.945