Văn hóa công sở được Thủ tướng chính phủ quy định tại Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 về ban hành quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Sau đó, Bộ Nội vụ cũng đã có Chỉ thị số 01/2007/CT-BNV ngày 08 tháng 10 năm 2007 về việc triển khai thực hiện quy chế văn hóa công sở tại cơ quan hành chính Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Nội vụ. Đến năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”. Liên quan đến văn hóa công sở, cải cách hành chính, thực hiện nghĩa vụ của công chức...UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 317/QĐ-UBND ngày 01/3/2012 về ban hành kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2015, Quyết định số 2834/QĐ-UBND ngày 25/12/2013 về việc ban hành kế hoạch thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015. Theo đó, UBND huyện A Lưới cũng đã có Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 06/02/2013 về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện A Lưới. Mặc dù vậy, việc thực hiện các quy chế văn hóa công sở chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác cải cách chế độ công vụ, công chức trong tình hình mới.
Trụ sở HĐND và UBND huyện A Lưới
Văn hóa công sở là một phạm trù rất rộng. Theo Quy chế văn hóa công sở do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì nó bao gồm: Trang phục; giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; việc bài trí công sở; bài trí khuôn viên công sở.
Nói đến công sở là nói đến văn minh công sở, là nói đến nếp sống, ý thức và bản lĩnh sống của mỗi người. “Công sở - là chỗ để mọi người cùng lao động, suy nghĩ để hoàn thành chức năng, công việc được giao”. Do vậy, yêu cầu tối thượng đặt ra đối với mỗi thành viên trong cộng đồng ấy là lòng tự trọng, ý thức tự giác, phục tùng kỷ luật, tôn trọng lẫn nhau để mỗi cá nhân phát huy hết được năng lực sáng tạo, tính độc lập, tự chủ trong công việc, giúp cho công việc cơ quan đạt chất lượng cao nhất.
Một công sở đạt tiêu chuẩn phải là nơi có môi trường tốt về ngoại cảnh, về cơ sở vật chất bên trong. Đặc biệt, đó phải là môi trường văn hoá được đề cao; mỗi thành viên sống, làm việc trên tinh thần tự giác chấp hành quy định của cơ quan, sống có văn hóa, có kỷ cương, tôn trọng pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề văn minh công sở ở nhiều nơi còn bị xem nhẹ. Có những công sở để cỏ mọc đầy cả lối đi, bồn hoa cây cảnh cỏ dại mọc um tùm; lại có nơi công việc chung lẫn lộn với việc riêng, người thì cắm cúi làm việc, người lại đi uống cafe. Có những phòng họp ngổn ngang bàn ghế, bằng khen, giấy khen chỉ treo lên cho có, không đảm bảo thẩm mỹ; cờ lưu niệm mốc meo, bốc mùi vì ẩm ướt.... Rồi thì có những CBCC,VC thiếu ý thức tôn trọng tập thể, sống theo kiểu tự do cho cá nhân nên mạnh ai nấy sống, gặp dồng nghiệp, nhân dân chẳng chào, đi trễ về sớm không báo cáo người có trách nhiệm đơn vị....
Bồn hoa, cửa sổ của một cơ quan công sở
Đã đến lúc cần có những quy định chặt chẽ về nếp sống, làm việc ở nơi công sở. Người chịu trách nhiệm duy trì và phát huy nề nếp tốt đẹp có văn hóa, không ai khác, chính là thủ trưởng cơ quan, là tập thể lãnh đạo cơ quan và tất cả công chức, viên chức trong cơ quan. Trong đó, lãnh đạo cơ quan phải là người gương mẫu, đi đầu để nhân viên học tập và thực hiện.
Và để có nếp sống văn minh, văn hóa trong công sở thì chúng ta cần trau dồi đạo đức tác phong làm việc và văn hóa giao tiếp, ứng xử. “Hành vi văn hóa không khoanh lại trong một môi trường nào, ở đâu có con người, có giao tiếp thì ở đấy có văn hóa. Văn hóa là chìa khóa để con người với con người, thủ trưởng và nhân viên, đồng nghiệp, người cán bộ công chức và nhân dân gần nhau hơn, hiểu nhau và thông cảm với nhau hơn trong công sở, trong công việc”. Đồng thời kiên quyết lọai trừ những hành vi thiếu ý thức tôn trọng kỷ luật, xem thường kỷ cương, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc và những hành vi quan liêu, hách dịch, coi thường dân... là đối tượng mà mình “có trách nhiệm phục vụ”.
Xuất phát từ thực tiễn Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Quy chế văn hóa công sở và nhân rộng các mô hình văn hóa công sở điển hình trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014 – 2020”. Hiện nay, dự thảo Đề án đang được gửi đến các cơ quan chuyên môn, các địa phương để tham gia góp ý kiến.
Huyện A Lưới chúng ta cũng đã chỉ đạo các cơ quan công sở thực hiện tốt phong trào xây dựng cơ quan văn hóa. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như bài trí, trồng bồn hoa, cây cảnh tại khuôn viên trụ sở cơ quan, tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Đặc biệt, lãnh đạo huyện cũng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBND về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện A Lưới.