Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chuyện kể trong thung lũng A Võ
Ngày cập nhật 05/08/2014
Già Quỳnh Nhất vui vầy bên lớp con cháu

Con đường dẫn vào thung lũng A Võ (bản A Bung) thuộc xã Nhâm (huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế) mùa này rất nhiều xe cộ vào chở nông sản. Con suối Hê Lơ chảy vắt men theo triền đồi, bản làng A Bung hiện ra với màu xanh bạt ngàn của cà phê, chuối. Về chuyện lập làng, khai canh, già Quỳnh Nhất nói rằng, chuyện qua cũng đã lâu rồi. Quan trọng giờ bà con ai cũng ổn định, có của ăn của để. Nhưng người dân A Bung thì không quên chuyện già làng Quỳnh Nhất (64 tuổi, dân tộc Tà Ôi), người đã đưa dân bản đến thung lũng này, hết phận du cư...

Đường đến A Võ

Câu chuyện dắt dân đi từ rừng hoang đến thung lũng A Võ của già Nhất dài như rừng thẳm. Trước kia, người dân bản làng A Bung ở sát biên giới Việt- Lào, gần con sông A Sáp. Nhưng dân bản vẫn du canh du cư, cứ vùng đất này bạc màu thì đi kiếm nơi khác trồng trọt, dọc theo bờ sông. Một bộ phận bà con đã chọn vùng đất bên nước bạn Lào sinh sống, hơn 30 hộ dân còn lại thì về Việt Nam. Những tháng ngày chọn vùng đất mới định cư, ông Quỳnh Nhất cứ trăn trở mãi. Phải chọn đất mà định cư định canh mới hết đói, cứ nay đây mai đó thì dân mình còn khốn khổ mãi. Sau nhiều năm đi các nơi tìm đất, năm 1995, già Nhất dừng chân ở thung lũng A Võ, gần suối Hê Lơ. Đây là vùng đất khá bằng phẳng, có nguồn nước tưới. Từ đó, ý tưởng về những cây ngô, cây sắn, cây lúa nước hình thành trong già Quỳnh Nhất. Sau đó là việc tổ chức vận động bà con chuyển về nơi ở mới. Ngày về thung lũng A Võ, người dân thôn A Bung đã lập bàn thờ Bác Hồ, báo cáo với Bác bà con đã về vùng đất mới.

Nói về những khó nhọc trong buổi đầu khai canh, thật không kể xiết. Những nhát cuốc đầu tiên người dân toát mồ hôi khi phát hiện quá nhiều bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. A Lưới- vùng đất vốn gánh chịu nhiều đau thương trong chiến tranh, đất và người nơi đây một thời hào hùng nhưng cũng đầy khổ đau mất mát. Già Nhất nhớ lại: "Hồi mới về, trong bản có nhiều người bị thương do bom mìn, chất độc da cam do người dân không có kinh nghiệm khai hoang. Vì thế nhiều người nản lắm, muốn bỏ về lại vùng đất cũ, tuy xa xôi nhưng canh tác đã quen.  Già nhớ mãi câu chuyện ông Quỳnh Thư, bị bom nổ mất cánh tay trái khi khai hoang, từ đó sinh giận, nằng nặc đòi dắt díu vợ con bỏ về vùng đất cũ. Già Nhất họp dân làng, bảo giờ khổ nhưng mai này sẽ sướng, chỉ "xin” dân tin mình một lần này thôi. Nói rồi, già chạy xuống dưới hiên bếp, lấy cái chét (nông cụ nhỏ hơn cái cuốc) lên giải thích: "Mình đã nghĩ ra cách nếu dùng cuốc, xà beng thì rất dễ gây tai nạn, nhưng dùng chét thì nhẹ nhàng hơn mà bom mìn cũng dễ tháo gỡ. Bao năm mình đi bộ đội, cũng có ít kiến thức về những thứ bom này”. Rồi nhiều ngày sau đó, già đến từng hộ  động viên, hướng dẫn dân bản. Những trái bom sau nhiều năm ngủ vùi trong lòng đất, lần lượt được tháo gỡ an toàn. Huyện, xã về cho dân giống lúa, ngô mới để gieo trồng.

Đất không phụ lòng người, chẳng mấy chốc vùng đất chết đã được phủ xanh bạt ngàn lúa, ngô, sắn. Có nông sản đủ ăn, bà con còn dư giả để bán. Cũng nhờ chịu khó khai hoang, giờ đây, già Nhất có cả một trang trại gồm 2 ha cà phê, 4.000 cây quế, 1.000 gốc chuối tiêu hồng và 10 sào ruộng lúa nước. Đó là cả một niềm mơ ước trước khi già Nhất cùng bà con về thung lũng A Võ định cư!

Đường hẹp, ô tô không vào được, hàng nông dân của dân ứ đọng. Già Nhất lại huy động thanh niên, nhà hảo tâm góp kinh phí mở rộng đường dẫn vào bản A Bung. Đường mở rộng gần 5m, ô tô, xe máy bon bon vào tận bản. Giống chuối tiêu cũng được già mang về hướng dẫn dân bản trồng. Giờ cả xã Nhâm có gần 400 ha chuối với hàng trăm hộ dân tham gia trồng cũng nhờ già Nhất mang lên cả.

Già Quỳnh Nhất với trang trại cà phê

Cây cà phê ở miền ngược gió

Dân bản A Bung biết ơn già Nhất không chỉ là người lập làng, đưa thôn dân từ tăm tối của những ngày du canh đến vùng đất mới đầy hứa hẹn, mà ông còn là người đầu tiên mang cây cà phê- cây trồng chủ lực kinh tế của xã Nhâm lên với miền "ngược gió” A Bung.

Đó là vào năm 1997, huyện A Lưới hỗ trợ giống cà phê. Già Nhất nhận giống cà phê về, dân bản lũ lượt tới xem, xem xong rồi lại lắc đầu bỏ về nhà. Chị Kim Thị Lũ, một người dân bản A Bung nhớ lại: "Cây cà phê tưởng  có quả ăn như cây chuối, cây bắp. Lúc đầu nghe già Nhất nói trồng để bán quả, chứ không ăn được thì dân bản ai cũng nản”. 

Nhận cái lắc đầu từ người dân, già Nhất không nao núng. Già nghĩ không ai trồng thì mình trồng, mình tin xã, huyện. Từ đó già bắt tay vào làm, nhận 200 cây cà phê về trồng thử xen canh với cây sắn. Là cây công nghiệp lâu năm, quá trình ươm, trồng, chăm sóc không đơn giản như những cây ngắn ngày khác. Để có kiến thức, già xuống phòng nông nghiệp, xin chép tài liệu về đọc. Đọc biết, hiểu rồi, nói như già Nhất, là mang cái kiến thức sơ đẳng đó phổ biến cho bà con. Những mùa vụ cà phê đầu tiên, cứ bình quân một ha bà con thu từ 10-12 tấn, lãi 50 triệu đồng. Đó là số tiền chưa phải là lớn nhưng lại là vô giá với người dân bản A Bung.

Cũng có lúc cà phê chết do mưa kéo dài gây ngập úng, già Nhất đã phải chạy vạy về huyện mời cán bộ lên hướng dẫn, cứu cây cà phê. Dân bản phải nâng gốc cây cà phê ở những vùng thấp lên cao. Nhiều cây chết, dân bản không có giống cây mới để trồng, già Nhất bán bò của nhà mua giống cà phê cấp cho người dân. Ông Hồ Văn Xê (60 tuổi), một hộ dân ở A Bung nói như tri ân: "Hồi đó, con bò là cả một cơ nghiệp. Già Nhất tình nguyện làm, dân bản vừa tin, vừa phục. Bà con có được như ngày hôm nay là có công đóng góp rất lớn của già”.

Trước khi chia tay, già Quỳnh Nhất tâm sự: "Mình có may mắn, đi bộ đội học được đôi chữ. Giúp dân bản chừng bào hay chừng đó. Mình có mong muốn sau này, lớp con em trong bản A Bung, được học hành, có thêm kiến thức, xây dựng bản làng giàu đẹp là hạnh phúc lắm rồi!”.

Theo http://daidoanket.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.324.343
Truy câp hiện tại 36.890