Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

A Lưới đưa thổ cẩm Zèng vào thời trang hiện đại
Ngày cập nhật 04/03/2020

Bằng những cách làm sáng tạo, huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa sản phẩm Zèng đến với thời trang hiện đại.

Trong khi tại nhiều huyện miền núi, vùng cao trong cả nước, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ mai một, thì tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, chính quyền và người dân nơi đây đã có nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ nghề dệt Zèng truyền thống.

Sản phầm dệt Zèng được đưa vào thời trang hiện đại

Một trong những cách làm thiết thực đó là tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, học sinh mặc trang phục bằng vải Zèng vào ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần. Trang phục thổ cẩm cũng được các cơ sở dệt may cải tiến theo hướng hiện đại nhưng vẫn không làm mất đi nét truyền thống vốn có của đồng bào Tà Ôi.

Đã thành thông lệ, cứ đến thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, thầy cô giáo và các em học sinh trường Trung học phổ thông A Lưới lại mặc bộ trang phục thổ cẩm Zèng đến trường, đến lớp. Trong khi các bạn nữ mặc áo dài hoặc váy thì các bạn nam mặc sơ mi, khoác áo ngoài bằng vải Zèng. Áo dài của bạn nữ hay những chiếc áo sơ mi của bạn nam đều được may cách tân, hiện đại từ những tấm vải Zèng được dệt với màu sắc, hoa văn đẹp mắt.

Em Việt Đàm Linh Đan, học sinh lớp 12B1, trường Trung học phổ thông A Lưới chia sẻ: mặc dù vải Zèng hơi cứng và dày nhưng gần đây đã được cải tiến, cách may cũng theo hướng hiện đại nên mặc rất đẹp và thoải mái.

"Bản thân em là một người Tà Ôi, khi được khoác lên mình bộ đồ do chính tay người mẹ, người chị của mình dệt nên thì em rất tự hào. Vì vậy, lúc đến trường, em rất thích mặc bộ trang phục của dân tộc mình. Ngoài thứ 2 và thứ 6 hàng tuần thì các buổi hoạt động ngoại khóa của nhà trường, em và bạn bè cũng rủ nhau mặc trang phục truyền thống để tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc mình", em Linh Đan chia sẻ.

Nữ sinh trung học trong trang phục thổ cẩm Zèng

Bà Đàm Thị Hoa, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông A Lưới cho biết, nhiều năm nay nhà trường đã đưa trang phục truyền thống vào trường học. Chủ trương này được thầy cô giáo và các em học sinh hưởng ứng tích cực, vừa tạo nét đẹp văn hóa học đường, vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ nghề dệt Zèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi.

"Thực hiện chủ trương của UBND huyện A Lưới về việc xây dựng văn hóa công sở cũng như nét đẹp văn hóa học đường, trường THPT A Lưới đã triển khai rộng và kịp thời việc mặc trang phục truyền thống cho đội ngũ, cán bộ, giáo viên và các em học sinh. Đối với nhà trường thì trang phục truyền thống được học sinh và thầy cô giáo mặc vào thứ 2, thứ 6 hàng tuần, các lễ hội lớn, các ngày kỷ niệm, tổng kết năm học. Đó là một trong những việc để giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao A Lưới", Bà Đàm Thị Hoa, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông A Lưới cho hay.

Không riêng các trường học mà ở tất cả các cơ quan, công sở trên địa bàn huyện A Lưới, cán bộ, công chức, viên chức toàn huyện cũng hưởng ứng chủ trương mặc trang phục dân tộc thiểu số vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần. Nhiều chị em làm việc ở các văn phòng cùng đặt may những bộ đồng phục áo dài hoặc váy cách tân, kết hợp giữa vải thường và hoa văn Zèng, tạo những điểm nhấn đẹp mắt cho trang phục.

Bà Mai Thị Hợp, Giám đốc Hợp tác xã dệt Dzèng- Thổ cẩm thị trấn A Lưới cho biết: "Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, các Hợp tác xã dệt Zèng ở A Lưới đã mua sắm máy móc, cải tiến chất liệu, mẫu mã, dệt nên những tấm Zèng màu sắc ấn tượng, hoa văn hiện đại, mặc ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè: "Bản thân tôi cũng như các chị em khác đều mong muốn làm thế nào trong và ngoài nước biết đến nghề dệt Zèng của người Tà Ôi. Bản thân phải luôn cố gắng thay đổi mẫu mã, không bỏ truyền thống. Truyền thống và hiện đại phải luôn đi đôi với nhau".

Phụ nữ Tà ôi với nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Hiện nay tại A Lưới, thổ cẩm Zèng ngoài việc dùng để may váy, áo, người phụ nữ Tà Ôi còn tạo ra nhiều sản phẩm khác như: khăn quàng, túi xách, ví, cà vạt, mũ, giày, dép… Mẫu mã, màu sắc các sản phẩm này thường xuyên được thay đổi phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Chủ trương đưa thổ cẩm Zèng vào mặc trong công sở, trường học góp phần bảo tồn và gìn giữ nghề dệt Zèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi, Pa Cô: "Để bảo tồn nghề dệt Zèng, đồng thời phát huy nét đẹp trong trang phục đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã phát động toàn thể cán bộ, công chức, người lao động và học sinh trên địa bàn mặc trang phục Zèng. Đến nay, không chỉ thứ 2 và thứ 6 mà trang phục Zèng đã được mặc thường xuyên, đặc biệt là trong những ngày lễ , kỷ niệm ngày truyền thồng... Chúng tôi cũng đa dạng các loại sản phẩm từ Zèng, thiết kế các loại trang phục phù hợp với điều kiện của từng công việc, chú trọng thiết kế theo hướng lao động, sản xuất hay làm việc, học tập đều mặc đẹp và thoải mái".

Nghề dệt Zèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế, huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa sản phẩm Zèng đến với thời trang hiện đại, vươn ra nhiều địa phương trên cả nước và thế giới./.

(Theo www.vov.vn)

T.T
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.482.414
Truy câp hiện tại 98.882