Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Từ ngày 1/1/2013, một số chính sách mới có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội sẽ bắt đầu có hiệu lực
Ngày cập nhật 14/01/2013

Chính thức áp dụng Luật Giá 2012, Luật Quảng cáo 2012; áp dụng biểu thuế xuất nhập khẩu mới; bắt đầu áp dụng việc thu phí sử dụng đường bộ đối với các loại phương tiện;... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 01/2013.

 Chính thức áp dụng Luật Giá 2012, Luật Quảng cáo 2012 từ 01/1/2013

Chính thức áp dụng Luật Giá 2012, thay thế cho Pháp lệnh Giá. Theo đó, nhà nước sẽ không còn thực hiện việc áp đặt giá đối với các mặt hàng trên thị trường mà sẽ để cho doanh nghiệp tự định đoạt. Tuy nhiên, đối với các mặt hàng thiết yếu với đời sống (điện, xăng, dầu...), khi có biến động lớn về giá, nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn để hạn chế những ảnh hưởng xấu đến xã hội. Ba biện pháp bình ổn giá sẽ được áp dụng là: điều tiết hàng hóa; lập quỹ bình ổn giá; các biện pháp tiền tệ, tài chính.

Một nội dung khác cũng cần quan tâm đến là việc bình ổn giá từ ngày này sẽ chỉ còn áp dụng đối với các mặt hàng thật sự thiết yếu với đời sống như sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, thóc, gạo tẻ bình thường… (trước đây nhà nước quản lý về giá với mọi loại sữa, thóc, gạo tẻ).

Đối với vấn đề quảng cáo, Luật Quảng cáo 2012 thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo, sẽ thắt chặt về việc quản lý nội dung quảng cáo. Ngoại trừ thuốc lá, sẽ có thêm nhiều loại hàng hóa bị cấm quảng cáo như: rượu trên 15 độ, sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, các loại thuốc bị hạn chế sử dụng, các mặt hàng có tính kích dục, kích động bạo lực…

Sẽ chính thức áp dụng biểu thuế xuất nhập khẩu mới từ 1/1/2013

Ngày 1/1/2013 sẽ chính thức áp dụng biểu thuế xuất nhập khẩu mới, ban hành trong Thông tư  193/2012/TT-BTC. Theo đó, sẽ có một số thay đổi trong mức thuế suất như: tăng thuế xuất khẩu một số loại quặng từ 20 lên 30%, tăng thuế nhập khẩu một số loại đường từ 15% lên 25-40%.

 Đối với việc nhập khẩu một số loại linh kiện máy bay, ô tô, xe tải… sẽ được miễn thủ tục quyết toán việc nhập khẩu và sử dụng hàng hóa.

Cũng liên quan tới xuất nhập khẩu, từ năm 2013, nhà nước sẽ siết chặt quản lý đối với việc nhập khẩu các loại phế liệu. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số  34/2012/TTLT-BCT-BTNMT, từ 1/1 chỉ cho phép Thương nhân trực tiếp sản xuất từ phế liệu hoặc thương nhân được ủy thác nhập khẩu thực hiện việc nhập khẩu các loại phế liệu. Không cho phép thực hiện việc nhập khẩu phế liệu để phân phối lại cho người sản xuất.

Từ 1/1/2013 sẽ bắt đầu áp dụng việc thu phí sử dụng đường bộ đối với các loại phương tiện

Từ 1/1/2013 sẽ bắt đầu áp dụng việc thu phí sử dụng đường bộ đối với các loại phương tiện, bảng phí cụ thể được quy định tại Thông tư  197/2012/TT-BTC. Theo đó mức phí đối với xe ô tô, xe tải từ 1,56 đến 12,48 triệu đồng/năm, mức phí đối với xe máy là từ 50 đến 150 nghìn đồng/năm. Một điều cần lưu ý rằng, đối với các hành vi trốn phí, ngoài việc bị truy thu sẽ còn bị phạt với mức phạt khá cao: xe máy từ 800 nghìn – 1,2 triệu đồng; xe ô tô từ 6 – 10 triệu đồng.

Bồi dưỡng 1% lương tối thiểu/tiết giảng thực hành cho giáo viên công lập

Ngày 16/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 51/2012/QĐ-TTg quy định chế độ bồi dưỡng và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao.

Theo đó, từ ngày 01/01/2013, giáo viên, giảng viên tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, ngoại trừ các cơ sở giáo dục thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng được chi trả bằng tiền và được tính bằng 1% mức lương tối thiểu chung cho 01 tiết giảng thực hành.

Riêng đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao, ngoài chế độ bồi dưỡng còn được áp dụng chế độ trang phục, cụ thể: Đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao dạy chuyên trách sẽ được cấp 02 bộ quần áo thể thao dài tay/năm; 02 đôi giầy thể thao/năm; 04 đôi tất thể thao/năm; 04 áo thể thao ngắn tay/năm; đối với giáo viên, giảng viên kiêm nhiệm thêm môn thể dục, thể thao, số lượng trang phục được cấp bằng ½ số lượng trang phục của giáo viên chuyên trách.

Thủ tướng cũng quy định rõ chế độ bồi dưỡng bằng tiền được chi trả cùng thời điểm trả lương hằng tháng còn chế độ trang phục được cấp 01 lần/năm vào thời điểm đầu năm học.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Hỗ trợ việc làm ở nước ngoài cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp

Ngày 16/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp.

Theo đó, từ ngày 01/01/2013, người lao động thuộc các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, có hộ khẩu thường trú tại hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi, trong độ tuổi lao động và có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài, sẽ được hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo mức quy định của pháp luật; hỗ trợ tiền ăn hàng ngày trong thời gian đi học; hỗ trợ tiền đi lại 01 lượt đi và về từ nơi cư trú đến nơi học đối với các học viên ở cách địa điểm học trên 15 km và được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chi trả các chi phí cần thiết để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Ngoài ra, người lao động bị thu hồi đất còn được hỗ trợ đào tạo nghề; tư vấn học nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại các Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và được ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật…

Người lao động được hưởng các chính sách hỗ trợ nêu trên trong thời hạn 03 năm kể từ sau khi có quyết định thu hồi đất.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Cấp tối đa 1 GPKD bán lẻ rượu/1000 dân tại quận, huyện

Ngày 12/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về sản xuất kinh doanh rượu nhằm kiểm soát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu trong nước, trong đó tiêu biểu là các quy định về kiểm soát số lượng giấy phép kinh doanh (GPKD) rượu.

Theo đó, Chính phủ quy định số lượng GPKD bán lẻ sản phẩm rượu tại cửa hàng bán lẻ trên địa bàn một quận, huyện, thị xã được xác định theo nguyên tắc không quá 01 giấy phép/1.000 dân và phù hợp theo quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu; số lượng GPKD bán buôn sản phẩm rượu được xác định trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc không quá 01 GPKD/100.000 dân; còn số lượng GPKD phân phối sản phẩm rượu được xác định theo số dân cả nước theo nguyên tắc không quá 01 GPKD/400.000 dân.

Hàng năm, căn cứ vào tình hình biến động dân số từng thời kỳ, cơ quan có thẩm quyền phải công bố số lượng GPKD đang còn hiệu lực và số lượng còn lại chưa được cấp (nếu có).

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu kể từ ngày 01/01/2014, tất cả sản phẩm rượu sản xuất và nhập khẩu để tiêu thụ trong nước phải dán tem trên bao bì sản phẩm theo quy định của Bộ Tài chính (trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu chế biến lại rượu). Tem sản phẩm rượu chỉ được cấp cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu, GPKD phân phối sản phẩm rượu.

Nghị đinh này thay thế Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 07/04/2008, và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Từ 01/01/2013, cấm bán thuốc điều trị nghiện thay thế ra thị trường

Ngày 15/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2012/NĐ-CP quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, trong đó, đáng chú ý là quy định cấm bán ra thị trường hoặc cung cấp thuốc điều trị thay thế cho cơ sở không được phép điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định này, cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bao gồm cơ sở điều trị thay thế và cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế muốn hoạt động phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị và nhân sự như: Có nhân viên y tế được phép khám bệnh, chữa bệnh, kê đơn thuốc gây nghiện; có nhân viên y tế hỗ trợ công tác khám bệnh, chữa bệnh, xét nghiệm, tư vấn; số lượng nhân viên làm việc toàn thời gian phải đạt tỷ lệ từ 75% trở lên trên tổng số nhân viên của cơ sở điều trị thay thế; có nơi tiếp đón, phòng hành chính; phòng cấp phát thuốc; các phòng trong cơ sở điều trị phải có diện tích từ 10m2 trở lên… và các điều kiện cụ thể khác theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Tổ chức tôn giáo được công nhận phải sinh hoạt tôn giáo tối thiểu 23 năm

Ngày 08/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo đó, Chính phủ quy định tổ chức muốn được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo phải có đủ các điều kiện như: Có sinh hoạt tôn giáo ổn định từ 20 năm trở lên kể từ ngày UBND cấp xã chấp nhận sinh hoạt tôn giáo, không vi phạm các quy định về tín ngưỡng, tôn giáo; có giáo lý, giáo luật, lễ nghi, đường hướng hành đạo và hoạt động gắn bó với dân tộc; không thuộc hoặc trùng tên tổ chức tôn giáo đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận; có người đại diện là công dân Việt Nam…

Đồng thời, Nghị định cũng quy định thời hạn để công nhận tổ chức tôn giáo là 03 năm kể từ ngày được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo mà không vi phạm các quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức tôn giáo vi phạm quy định về an ninh quốc gia, trật tự công cộng, tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác… thì sẽ không được xét công nhận mà phải đăng ký lại và xin xét công nhận sau 01 năm tiếp theo.

Như vậy, thời gian sinh hoạt tôn giáo tối thiểu của tổ chức tôn giáo muốn được công nhận phải là 23 năm. Chủ thể có thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo là Thủ tướng Chính phủ đối với tổ chức có phạm vi hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố; chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với tổ chức có phạm vi hoạt động chủ yếu ở một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cũng theo Nghị định này, Chính phủ yêu cầu người đại diện hoặc ban quản lý các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm gửi bản đăng ký hoạt động tôn giáo diễn ra vào năm sau đến UBND cấp xã trước ngày 15/10 hàng năm.

Nghị định này thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/03/2005 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Quy định 13 lĩnh vực thuộc thẩm quyền của thanh tra nội vụ 

Ngày 05/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2012/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nội vụ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của các cơ quan, cá nhân thực hiện chức năng thanh tra ngành Nội vụ.

Theo đó, Chính phủ quy định 13 lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Thanh tra Nội vụ; trong đó, Thanh tra Bộ Nội vụ có thẩm quyền thanh tra chuyên ngành trong 11 lĩnh vực bao gồm: Thanh tra hành chính; tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp, quản lý biên chế Nhà nước; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; tiền lương; tổ chức hội và các tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ Nhà nước; công tác thanh niên… Riêng lĩnh vực thi đua, khen thưởng và tôn giáo thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở Nội vụ.

Cũng theo Nghị định, bên cạnh các quyền hạn, nhiệm vụ theo quy định tại Điều 18 Luật Thanh tra, Thanh tra Bộ Nội vụ còn thực hiện các quyền hạn, nhiệm vụ như: Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra viên, người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nội vụ; tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ Nội vụ thực hiện các quy định pháp luật về thanh tra…

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về thời hạn thanh tra, trong đó, cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ

Nội vụ, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nội vụ tiến hành không được quá 45 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày; còn do Thanh tra Sở Nội vụ tiến hành không được quá 30 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Miễn tiền sử dụng đất hộ gia đình vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long 

Ngày 01/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/2012/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 204/2005/QĐ-TTg ngày 15/08/2005 của Thủ tướng Chính phủ, quyết định miễn tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ phải nộp vào ngân sách Nhà nước đối với phần diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở để bố trí tái định cư hoặc giao cho các hộ gia đình, cá nhân trong các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long. Riêng đối với phần diện tích đất được giao vượt hạn mức (nếu có), phải nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật.

Ngoài tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ được miễn nêu trên, các chi phí giải phóng mặt bằng, tôn nền, đắp bờ ao, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng và chi phí đầu tư xây dựng nhà không được miễn và tiếp tục thực hiện trả chậm theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Quyết định này, các hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở được miễn tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ theo Quyết định này chỉ được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau 10 năm kể từ ngày bàn giao đất, nhà để ở. Khi chuyển nhượng, hộ gia đình, cá nhân đó phải nộp 50% tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ theo quy định tại thời điểm chuyển nhượng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Được lựa chọn hình thức nộp lệ phí khi khai hải quan điện tử 

Ngày 23/10/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử (HQĐT) đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại, cho phép người khai HQĐT được lựa chọn hình thức nộp lệ phí hải quan và các loại phí do cơ quan hải quan thu hộ các hiệp hội, tổ chức (nếu có) cho từng tờ khai hải quan hoặc nộp gộp theo tháng.

Ngoài quyền nêu trên, Nghị định còn cho phép người khai HQĐT được ưu tiên thực hiện trước so với trường hợp đăng ký hồ sơ hải quan bằng giấy khi cơ quan hải quan xác định phải kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa; được thực hiện khai HQĐT 24 giờ/ngày, 07 ngày/tuần và nhận được thông tin phản hồi của cơ quan hải quan trực tiếp qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; được cơ quan hải quan cung cấp thông tin về quá trình xử lý hồ sơ hải quan điện tử thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan…

Cũng theo Nghị định này, khi thực hiện thủ tục HQĐT, người khai hải quan phải sử dụng chữ ký số đã đăng ký với cơ quan hải quan. Trong giai đoạn chưa có chữ ký số thì được sử dụng tài khoản truy nhập hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để thực hiện thủ tục HQĐT. Người khai hải quan có trách nhiệm bảo mật tài khoản để sử dụng khi giao dịch với cơ quan hải quan thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và chịu trách nhiệm về các giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Từ 01/01/2013, quy định dải số gửi tin nhắn quảng cáo 

Ngày 05/10/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/08/2008 của Chính phủ về chống thư rác.

Theo đó, từ ngày 01/01/2013, ngoài những nội dung quản lý trước đây như: Tổng hợp, phổ biến danh sách các nguồn phát tán thư rác; tiếp nhận hồ sơ đăng ký và cấp mã số quản lý cho nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn…, nội dung quản lý Nhà nước về chống thư rác còn bao gồm việc ban hành quy định về dải số dành cho việc gửi tin nhắn quảng cáo và cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn, quy định về cấp tên địa danh; quy định liên quan cước nhắn tin quảng cáo; tiếp nhận hồ sơ đăng ký và cấp tên địa danh cho nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng tin nhắn, nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ các hành vi cấm trong dịch vụ trao đổi thư điện tử và tin

nhắn tại Việt Nam. Cụ thể, cấm trao đổi, mua bán danh sách địa chỉ điện tử mà không có sự đồng ý của người sở hữu địa chỉ điện tử; cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn không đúng với yêu cầu của người sử dụng; che giấu tên, địa chỉ điện tử của mình hoặc giả mạo tên, địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn; cấm thu cước sử dụng dịch vụ mà không thông báo với người sử dụng dịch vụ.

Việc gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo nêu trên phải đáp ứng một số nguyên tắc như: Phải có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận; phải chấm dứt việc gửi thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận; chỉ được phép gửi từ địa chỉ điện tử và hệ thống theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Cấm phát hành vé biểu diễn nghệ thuật quá số ghế

Không được phát hành vé quá số ghế hoặc quá sức chứa nơi tổ chức biểu diễn nhằm bảo đảm chất lượng chương trình là một trong những trách nhiệm của chủ địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Ngoài việc đảm bảo chất lượng chương trình biểu diễn nêu trên, chủ địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu còn có trách nhiệm bảo đảm âm thanh biểu diễn không vượt quá quy định về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép; bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ theo quy định; có nội quy, quy định niêm yết tại địa điểm; đề nghị cấp giấy phép theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức biểu diễn sau 12 giờ đêm đến 08 giờ sáng, chủ địa điểm tổ chức còn phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương nơi tổ chức biểu diễn cho phép.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định các trường hợp cấm đối với tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu; tổ chức, cá nhân lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc… Cụ thể như: Cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn; cấm thực hiện hành vi thiếu văn hóa hoặc hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; nhân bản bản ghi âm, ghi hình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền; phổ biến tác phẩm nghệ thuật có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

Bổ sung đối tượng được tuyển thẳng vào Đại học

Ngày 19/11/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25/11/2011.

Trong đó, đáng chú ý là quy định bổ sung đối tượng được tuyển thẳng vào các trường đại học. Cụ thể, ngoài những đối tượng như học sinh là thành viên đội tuyển Olympic và khu vực; học sinh đoạt giải ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào các trường đại học theo nguyện vọng đăng ký và các trường đại học, cao đẳng theo đúng nhóm ngành do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cho từng môn thi…, học sinh tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế do Bộ GD&ĐT tổ chức cũng được tuyển thẳng vào các trường đại học theo nguyện vọng đăng ký từ ngày 04/01/2013.

Cũng theo Thông tư này, các thí sinh được tham dự kỳ thi chọn vào đội tuyển Opympic không chỉ là những học sinh được Bộ GD&ĐT tuyển chọn trong số các học sinh đã đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm, mà còn bao gồm những học sinh dù không tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm nhưng đã tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế trong năm trước đó. Số lượng thí sinh dự thi kỳ thi chọn đội tuyển Olympic mỗi môn do Bộ GD&ĐT quyết định theo từng năm, không ấn định tối đa là 12 thí sinh như trước đây.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 04/01/2013.

Miễn học giáo dục quốc phòng với sinh viên có chứng nhận sĩ quan dự bị

Ngày 19/11/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 40/2012/TT-BGDĐT ban hành Quy định tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN).

Theo đó, từ ngày 04/01/2013, ngoài các đối tượng như: Sinh viên tốt nghiệp sĩ quan quân đội; học sinh, sinh viên là người nước ngoài; học sinh, sinh viên đào tạo văn bằng 2, trình độ trung cấp chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng theo quy định cũ, các đối tượng miễn học môn GDQP-AN còn bao gồm các sinh viên có giấy chứng nhận sĩ quan dự bị hoặc bằng tốt nghiệp học viện, trường công an.

Riêng với đối tượng được miễn học, miễn thi các học phần; miễn học, miễn thi thực hành kỹ năng quân sự và tạm hoãn học vẫn được áp dụng theo quy định cũ. Cụ thể như: Tạm hoãn học GDQP-AN đối với học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài hoặc đang hoạc tập tại các trường của nước ngoài, trường liên doanh, liên kết với nước ngoài tại Việt Nam; học sinh, sinh viên bị ốm đau, tai nạn, thiên tai…

Cũng theo Thông tư này, việc dạy, học GDQP-AN phải bảo đảm sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa dạy học lý thuyết với dạy học thực hành, phù hợp với quy chế tổ chức đào tạo của từng trình độ; giáo dục tại trường, tại trung tâm GDQP-AN phải gắn kết với giáo dục thực tế tại các đơn vị quân đội, quân binh chủng và bảo tàng lịch sử; giáo viên, giảng viên dạy học đúng chuyên ngành được đào tạo; khi giảng dạy tại giảng đường hoặc thực hành trên thao trường phải mang mặc trang phục theo quy định...

Thông tư này thay thế Quyết định số 69/2007/QĐ-BGDĐT ngày 14/11/2007 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/01/2013.

Hiệu trưởng trường tiểu học phải có ít nhất 04 năm dạy học

Đây là tiêu chuẩn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số  42/2012/TT-BGDĐT ngày 23/11/2012 ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Theo đó, đối với mỗi cơ sở giáo dục, Bộ GDĐT đề ra 05 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bao gồm: Tiêu chuẩn về tổ chức và quản lý nhà trường; về cán bộ quản lý, nhân viên và học sinh; về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học…

Riêng với tiêu chuẩn về năng lực cán bộ quản lý trường tiểu học, Bộ GDĐT quy định hiệu trưởng phải có số năm dạy học từ 4 năm trở lên, phó hiệu trưởng từ 2 năm trở lên, không kể thời gian tập sự (quy định cũ đối với hiệu trưởng là 03 năm); đồng thời trong đánh giá hằng năm, phải đạt loại khá trở lên theo Quy định Chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học...

Đối với tiêu chuẩn về trình độ giáo viên đảm bảo để dạy các môn bắt buộc trong trường tiểu học, Bộ quy định 100% giáo viên phải đạt trình độ chuẩn, trong đó trên chuẩn 20% trở lên đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và 40% trở lên đối với các vùng khác.

Ngoài ra, Bộ cũng quy định chi tiết về quy trình, chu trình kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục. Cụ thể, quy trình kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục sẽ bao gồm 04 bước, được tiến hành theo chu trình 05 năm, tính từ thời gian ký quyết định cấp Giấy chứng nhận chất lượng giáo dục…

Thông tư này thay thế các Quyết định số 04/2008/QĐ-BGDĐT; 80/2008/QĐ-BGDĐT; 12/2009/TT-BGDĐT; 83/2008/QĐ-BGDĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/01/2013.

Quyết định công nhận trường đạt chuẩn quốc gia có thời hạn 05 năm

Ngày 07/12/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ra Thông tư số 47/2012/TT-BGDĐT ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia.

Theo đó, căn cứ vào tiêu chuẩn quy định, các trường trung học đạt danh hiệu tiên tiến năm liền kề với năm đề nghị công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia thực hiện việc tự đánh giá và đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia. Quyết định công nhận này có thời hạn là 5 năm kể từ ngày ký.

Đồng thời, trong thời hạn 5 năm kể từ khi được công nhận đạt chuẩn quốc gia, phòng GDĐT (đối với trường trung học cơ sở), Sở GDĐT (đối với trường trung học phổ thông) thực hiện việc kiểm tra định kỳ (1lần/2,5 năm) đối với các trường trung học đã được công nhận và có thể tham mưu với cấp có thẩm quyền đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh xóa tên trong danh sách trường trung học đạt chuẩn quốc gia nếu không giữ vững và phát huy được kết quả. Hết thời hạn 5 năm kể từ ngày ký quyết định, các trường trung học làm thủ tục đề nghị các cấp quản lý kiểm tra công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chuẩn về tổ chức, quản lý nhà trường; về giáo viên, nhân viên; chất lượng giáo dục của trường trung học đạt chuẩn quốc gia như: Tối đa không quá 45 lớp với 45 học sinh/lớp; tỷ lệ học sinh bỏ học và lưu ban hàng năm không quá 5%, trong đó tỷ lệ bỏ học không quá 1%...

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2013 và thay thế Thông tư số 06/2010/TT-BGDĐT ngày 26/02/2010.

Hỗ trợ đến 500.000 đồng/ha/năm cho người trồng lúa

Nội dung này được quy định tại Thông tư số 205/2012/TT-BTC ngày 23/11/2012 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/05/2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Theo Thông tư này, từ ngày 10/01/2013, căn cứ vào diện tích đất trồng lúa, ngân sách Nhà nước sẽ được trích hỗ trợ cho người sản xuất lúa với mức hỗ trợ hàng năm là: 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước và 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác. Riêng đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng sẽ không được nhận được khoản hỗ trợ này.

Ngoài ra, ngân sách Nhà nước cũng chi hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp người sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, cụ thể:

Với diện tích gieo cấy trong phạm vi 45 ngày, hỗ trợ 1,75 triệu đồng nếu bị thiệt hại từ 30 - 70% và 2,5 triệu đồng nếu bị thiệt hại trên 70%; với diện tích gieo cấy trên 45 ngày, hỗ trợ 3,5 triệu đồng nếu bị thiệt hại từ 30 - 70% và 5 triệu đồng nếu bị thiệt hại trên 70%.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng quy định mức hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa, trong đó: Hỗ trợ 70% chi phí khai hoang, cải tạo đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa hoặc cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước; 100% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất trồng lúa mới khai hoang và 70% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất lúa khác được cải tạo thành đất chuyên trồng lúa nước.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/01/2013.

Từ năm 2015, tiêu thụ xăng E5 trên toàn quốc

Đây là chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.

Theo đó, xăng E5 sẽ được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ áp dụng trên địa bàn 07 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 01/12/2014 và sẽ được sử dụng trên toàn quốc từ ngày 01/12/2015.

Riêng với xăng E10, Thủ tướng yêu cầu sử dụng trên địa bản các tỉnh, thành phố nêu trên kể từ ngày 01/12/2016 và trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/12/2017.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng quy định các mức tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, cụ thể: Xăng E5 là hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 4 - 5% theo thể tích, xăng E10 là có hàm lượng ethanol từ 9 - 10% theo thể tích; đi-ê-zen B5 là hỗn hợp của nhiên liệu đi-ê-zen và nhiên liệu đi-ê-zen sinh học gốc với hàm lượng este metyl axit béo (FAME) từ 4 - 5% theo thể tích còn đi-ê-zen B10 có hàm lượng FAME từ 9 - 10% theo thể tích.

Lộ trình này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế, phân phối và kinh doanh xăng, dầu tại Việt Nam cho động cơ xăng và động cơ diezel của các phương tiện cơ giới đường bộ, trừ các loại xăng, dầu đặc chủng của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ

Quốc phòng và Bộ Công an quy định.

Trong thời gian chưa thực hiện áp dụng tỷ lệ phối trộn theo lộ trình, các tổ chức, cá nhân được khuyến khích sản xuất, phối chế và kinh doanh xăng E5, E10 và diezel B5 và B10.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2013.

Bắt buộc sử dụng vật liệu không nung trong xây dựng

Ngày 28/11/2012, Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư số 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng.

Theo Thông tư này, Bộ Xây dựng yêu cầu các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình, trong đó: Từ ngày 15/01/2013, phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung đối với công trình tại đô thị loại 3 trở lên và tối thiểu 50% tại các khu vực còn lại; sau năm 2015, tất cả các công trình xây dựng đều phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung.

Riêng các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây.

Đối với các công trình đã được cấp phép xây dựng hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án trước ngày 15/01/2013 thì thực hiện như giấy phép đã được cấp hoặc quyết định đã được phê duyệt nhưng Bộ Xây dựng vẫn khuyến khích chủ đầu tư thay đổi thiết kế để sử dụng vật liệu không nung.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2013.

Nâng thời hạn đăng ký thất nghiệp lên 3 tháng

Xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ngày 21/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHTN.

Theo Nghị định này, để đảm bảo thời gian hợp lý cho người lao động (NLĐ) thực hiện quyền lợi BHTN của mình, Chính phủ đã tăng thêm thời hạn đăng ký thất nghiệp cho NLĐ, cụ thể: Trong thời hạn 03 tháng (quy định cũ là 07 ngày làm việc), kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nếu NLĐ chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì NLĐ thực hiện đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ quy định khi nộp hồ sơ hưởng BHTN, ngoài đơn đề nghị hưởng BHTN, bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn... theo quy định cũ, NLĐ phải xuất trình Sổ bảo hiểm xã hội hoặc bản xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội về việc đóng BHTN.

Cũng theo Nghị định này, trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc tạm hoãn thực hiện giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, NLĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2013.

Áp lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương cao nhất

Quy định này được nêu tại Thông tư số 29/2012/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 10/12/2012 hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

Thông tư chỉ rõ, đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn liền nhau có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất. Tương tự, khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất đó cũng thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất…

Bên cạnh đó, trong trường hợp địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức

thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

Theo đó, từ ngày 01/01/2012, mức lương tối thiểu vùng mới sẽ được áp dụng đối với doanh nghiệp ở 04 vùng như sau: Vùng I là 2.350.000 đồng/tháng; vùng II là 2.100.000 đồng/tháng; vùng III là 1.800.000 đồng/tháng; vùng IV là 1.650.000 đồng/tháng (so với quy định cũ tại Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/08/2011 lần lượt là 2.000.000 - 1.780.000 - 1.550.000 - 1.400.000 đồng/tháng). Như vậy, mức lương tối thiểu đối với các vùng sẽ được tăng thêm từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng.

Đồng thời, Chính phủ cũng quy định mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất, làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường; cũng là căn cứ để các doanh nghiệp xây dựng và điều chỉnh thang, bảng lương, phụ cấp, các mức lương trong hợp đồng cho phù hợp. Riêng đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề), mức tiền lương thấp nhất phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đã quy định ở trên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2013, thay thế Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/08/2011.

Kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn về ATTP

Ngày 05/12/2012, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2012/TT-BYT quy định về điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Trong đó, đáng chú ý là quy định về tiêu chuẩn đối với người kinh doanh thức ăn đường phố. Cụ thể, người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP theo quy định; phải được khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định. Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm thì không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.

Đồng thời, Thông tư cũng quy định rõ, nguyên liệu dùng để chế biến thức ăn đường phố phải đảm bảo có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm ATTP; địa điểm kinh doanh phải có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; được trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm. Đặc biệt, khi tiếp xúc với thức ăn, đồ uống ăn ngay, người bán hàng phải đeo găng tay sử dụng 1 lần.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/01/2013 và bãi bỏ Quyết định số 41/2005/QĐ-BYT ngày 08/12/2005.

Kiểm ngư được xử lý các VPPL về thủy sản trên biển

Đây là nội dung được Chính phủ quy định tại Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012 về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư.

Theo Nghị định này, Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật (VPPL) và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.

Nhiệm vụ chính của Kiểm ngư là tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý VPPL về thủy sản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các hành vi VPPL thủy sản của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; đồng thời tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định, công chức được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm ngư viên sẽ được cấp Thẻ Kiểm ngư, trang phục, các thiết bị chuyên ngành và phải mặc trang phục, mang phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu Kiểm ngư theo quy định; được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý VPPL về thủy sản...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/01/2013.

Sân chơi cầu lông phải được bố trí trong nhà

Ngày 10/12/2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã ban hành Thông tư số 14/2012/TT-BVHTTDL quy định điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động cầu lông.

Thông tư quy định cụ thể như sau: Cơ sở thể thao khi tiến hành tổ chức hoạt động cầu lông phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất và trang thiết bị, dụng cụ tập luyện như: Sân cầu lông phải được bố trí trong nhà; bảo đảm ánh sáng đồng đều trên sân với độ rọi từ 500 lux trở lên, không bị chói, loá; chiều cao tối thiểu tính từ mặt sân đến trần nhà là 8m; khoảng cách giữa các sân, khoảng cách từ mép biên ngang, mép biên dọc đến tường bao quang tối thiểu là 1m...

Bên cạnh đó, người hướng dẫn có trình độ chuyên môn cầu lông tại cơ sở thể thao tổ chức hoạt động cầu lông cũng phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn: là huấn luyện viên, hướng dẫn viên thể thao hoặc vận động viên có đẳng cấp từ cấp II trở lên; có bằng cấp về chuyên ngành thể dục thể thao (TDTT) từ bậc trung cấp trở lên; có giấy chứng nhận chuyên môn do Liên đoàn thể thao quốc gia, Liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng cấp; có giấy chứng nhận được đào tạo chuyên môn do Sở TDTT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp.

Theo chinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.488.575
Truy câp hiện tại 104.090