Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Cần nhiều giải pháp để phát triển ngành du lịch A Lưới
Ngày cập nhật 25/03/2013
Thị trấn A Lưới hôm nay

Thu hút khách du lịch trong nước, đặc biệt là khách nước ngoài đến với A Lưới đang là vấn đề được lãnh đạo huyện A Lưới và lãnh đạo các ban, ngành cấp huyện rất quan tâm. Bởi những nỗ lực của ngành chủ quản (Văn hóa và Thông tin) và các địa phương trong huyện đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả, chưa thu hút được du khách tham quan tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có của huyện nhà.

Làm gì để thu hút du khách đến với A Lưới?.  Đó là câu hỏi lớn được lãnh đạo huyện đặt ra trong suốt thời gian dài và được đồng chí Hồ Xuân Trăng – Chủ tịch UBND huyện nhắc lại trong một cuộc họp thông qua dự thảo Quy chế phối hợp tổ chức hoạt động các điểm du lịch tại khu vực biên giới huyện A Lưới gần đây.

A Lưới được đánh giá là vùng đất có tiềm năng du lịch. Với các lợi thế về du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…Hiện tại, trên địa bàn huyện có hơn 10 điểm du lịch đang có nhiều lợi thế để phát triển, thu hút khách tham quan. Tuy nhiên, các điểm du lịch này hầu hết lại nằm tại các xã vùng biên giới. Du khách vào tham quan tại các địa điểm này, nhất là khách nước ngoài phải có đầy đủ các thủ tục cần thiết và sự giám sát của cơ quan chức năng (công an, quân đội, biên phòng) và tuân thủ theo các quy định trong quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Nghị định 34/2000/NĐ-CP ngày 18/8/2000 của Chính phủ. Vì vậy, những năm qua, hoạt động du lịch ở các điểm này gặp không ít khó khăn.

 

Đ/c Hồ Xuân Trăng - Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp thông qua dự thảo quy chế hoạt động du lịch trên địa bàn huyện

 

Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin trực tiếp tham mưu Quy chế phối hợp tổ chức hoạt động các điểm du lịch tại khu vực biên giới huyện A Lưới để quy định nội dung và biện pháp phối hợp công tác giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan nhằm bảo đảm an ninh, trật tự theo đúng các điều khoản quy định tại Nghị định 34/200/NĐ-CP và đảm bảo tính hiệu quả cao trong hoạt động du lịch trên địa bàn, nhất là ở các điểm du lịch như đồi A Bia (xã Hồng Bắc), thác A Nôr (xã Hồng Kim), sân bay A So (xã Đông Sơn), mô hình du lịch cộng đồng làng A Hưa (xã Nhâm) và làng A Ka, A Chi (xã A Roàng).

Tại cuộc họp, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đánh giá và phân tích nguyên nhân du khách còn “e ngại” với du lịch A Lưới, đồng thời chỉ ra một số khó khăn cần tháo gỡ, cụ thể: thủ tục để tham quan tại các điểm du lịch vùng biên giới, nhất là đi dạo, thăm quan khu vực rừng nguyên sinh…quá phức tạp; dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch chưa phát triển; các điểm du lịch chưa được đầu tư tương xứng;  hiện đang thiếu nhiều hướng dẫn viên được đào tạo bài bản, thông thạo tiếng bản ngữ và biết ngoại ngữ; công tác liên kết du lịch còn hạn chế vv…

 

Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo, trao đổi về các giải pháp phát triển du lịch

 

Trao đổi về các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hạn chế của du lịch A Lưới trong thời gian tới nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch từ các vùng miền, quốc tế. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng:

A Lưới, nơi có đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất toàn tỉnh, đồng thời cũng là vùng có nhiều thành phần dân tộc. Tính đa dạng văn hóa, tính đa dạng tự nhiên, chứng tích lịch sử cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ… chính là nguồn lực để liên kết phát triển du lịch, giải quyết vấn đề đói nghèo, tăng trưởng kinh tế.

Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, ngành Văn hóa và Thông tin phải tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, tham mưu UBND huyện xây dựng hoàn thiện Quy chế phối hợp tổ chức hoạt động các điểm du lịch tại khu vực biên giới huyện A Lưới. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo an ninh biên giới, quốc gia, nhưng cũng cần làm hài lòng khách du lịch khi đến tham quan tại các điểm du lịch thuộc xã biên giới này.

Bên cạnh đó, phải xây dựng được cơ chế liên kết hiệu quả (có Ban chỉ đạo, nguồn kinh phí, phương hướng, dự án, đề án phát triển du lịch chung cho cả giai đoạn và từng năm, có bộ máy chuyên trách hoạt động du lịch chuyên nghiệp, có sự liên kết chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp lữ hành…). Đồng thời, phải nghiên cứu xây dựng các thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc các dân tộc A Lưới, đa dạng hóa các sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Coi trọng vấn đề quảng bá, xúc tiến du lịch. Đầu tư, nghiên cứu quy hoạch vùng và quy hoạch các điểm, tuyến du lịch của huyện.

Với thế mạnh về tiềm năng đã có, chúng ta tưởng chừng như việc thu hút khách du lịch đến với A Lưới  là không mấy khó khăn. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng Văn hóa và Thông tin, hằng năm, mới chỉ đón khoảng 25 tour khách  (chưa kể khách vãng lai...), thời gian lưu trú cũng không lâu. Rõ ràng, kết quả kể trên là không tương xứng, không phản ánh đúng tiềm năng du lịch của A Lưới và sự quan tâm của khách du lịch quốc tế nói riêng, khách du lịch nói chung đến vùng đất này.

Hi vọng nếu được sự quan tâm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều điểm sáng mới đưa du lịch A Lưới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở vùng cao còn nhiều khó khăn này.

Phạm Thị Liễu
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.482.246
Truy câp hiện tại 98.757