Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Dân quân A Lưới với ký ức trận đánh đồi A Bia
Ngày cập nhật 03/05/2019

A lưới, một huyện miền núi phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, là căn cứ địa cách mạng của tỉnh và của cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. A Lưới được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những chiến công vang dội của quân và dân A Lưới đã góp phần vào trang sử chói lọi trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân nơi đây đã phải đương đầu với 3 Sư đoàn thiện chiến nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ: Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn Kỵ binh bay số 01, Sư đoàn Dù 101.

 

Đồng  bào A Lưới đã đóng góp hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm, hàng chục ngàn dân công hỏa tuyến, hàng triệu ngày công phục vụ hỏa tuyến. Nơi đây cũng đã cống hiến cho Tổ quốc 577 liệt sỹ, 1086 thương binh, 12 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 19 tập thể và 09 cá nhân anh hùng như Anh hùng liệt sỹ A Vầu, Anh hùng liệt sỹ Cu Lối, Anh hùng Cu Tríp, Hồ Vai, Kăn Lịch, Kăn Đơm, Bùi Hồ Dục, Hồ A  Nun, Kăn Tréc… Tháng 5 năm 1969- tháng 5 năm 2019, tròn 50 năm trận đánh đồi A Bia lịch sử, chúng ta cùng trở lại một thời anh dũng kiên cường của quân và dân A Lưới  qua “ Kí ức của Quân và Dân A Lưới và trận đánh đồi A Bia” để ôn lại một góc lịch sử hào hùng, tinh thần quật cường của quân và dân A Lưới, góp phần cho chiến thắng A Bia lẫy lừng.

A Bia ( A Biêyh) là cái tên gọi, thân quen của đồng bào các dân tộc  A Lưới, Thừa Thiên Huế. Nơi đây  năm 1969 đã từng diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và lính Mỹ xâm lược. Là trận đánh khốc liệt và thương vong nhiều nhất của lính Mỹ tại miền Tây Thừa Thiên Huế. A Bia có 3 mỏm đồi thế chân kiềng cao nhất của vùng A lưới được 2 xã Hồng Quảng, Hồng Bắc bao bọc. Là nơi đường Trường Sơn từ Bắc vào Nam chạy qua. Là nơi hậu cứ đóng quân tập trung của các Trung đoàn Bộ đội chủ lực.. Nơi kho lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường, như kho: 34, 31, 61, 62. Nơi bệnh viện cứu thương an dưỡng cho thương binh từ chiến trường trở về như: 64, 68, 82. Nơi đặt Tổng đài lớn nhất của Quân khu 4. Đồi A Bia cao, đứng trên đỉnh đồi có thể nhìn bao quát được thung lũng A Lưới. Với tầm quan trọng và lợi thế như vậy. Quân lính Mỹ rất muốn chiếm đồi A Bia để làm căn cứ. Với mục tiêu chính là lấy A Bia làm mốc ngăn đường Trường Sơn, cản trở việc vận chuyển lương thực, vũ khí và hành quân của bộ đội ta từ Bắc vào Nam chiến đấu, phá tan các  cơ quan, quân đội đóng tại nơi đây, đẩy lùi nhân dân A Lưới sang đất bạn Lào. Biết được âm mưu của quân Mỹ, nhân dân ta, Bộ đội ta, đặc biệt là Bội đội địa phương, dân quân du kích ở đây tăng cường bám sát A Bia, theo dõi từng bước đi của chúng, kết hợp với Bộ đội chủ lực để sẳn sàng chiến đấu không cho quân Mỹ chiếm đồi A Bia.Trận Đồi thịt băm là tên gọi của trận chiến giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vói quân đội Mỹ từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 20 tháng 5 năm 1969 ở miền tây Thừa Thiên (nay thuộc địa bàn xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Trận chiến diễn ra khi Hoa Kỳ tập trung lực lượng gần 2.000 quân, với sự yểm trợ mạnh của hỏa lực phi pháo để đánh chiếm quả đồi A Bia (phía Mỹ gọi là cao điểm 937) do 2 Tiểu đoàn Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chiếm giữ. Nhớ đoàn quân hối hả tiến chiến trận, lửa căm thù sùng sục ngút đỉnh đồi, quyết đánh quân thù cho hồn lìa tan xác, A Bia đất mẹ chiến thắng ắt về ta.

Trận đánh diễn ra chủ yếu bằng Bộ binh: Quân Mỹ leo lên đồi cao tấn công đối phương. Các đơn vị Quân Giải phóng miền nam Việt Nam cũng ra sức cố thủ dựa vào địa hình hiểm trở cùng thời tiết khắc nghiệt. Dù được yểm trợ mạnh bởi pháo binh và không quân, các cuộc tấn công của quân Mỹ đều bị đẩy lùi bỏi sự phòng ngự có hiểu quả của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngọn đồi này sau trận đánh đã được lính Mỹ gọi là “Đồi thịt băm” – Hamburg Hill, như một cách thể hiện độ khốc liệt và thương vong cao của lính Mỹ. Trong cuộc chiến tàn khốc, quyết liệt, đối mặt với kẻ thù năm ấy, thì những bát nước chè xanh đậm đà tình quân dân của các mẹ, các chị cho các anh bộ đội Cụ Hồ đỡ cơn khát giữa mưa bom bão đạn cháy bỏng, như nhẹ nâng bước các anh chiến sĩ xông lên chiến trận A Bia đối mặt với kẻ thù dành dật từng tấc của quê hương đất nước. Dân quân A Lưới ngày đêm thức trắng để tự tạo những vũ khí thô sơ nhưng đầy dũng khí sắc bén làm cho quân thù phải khiếp sợ nổi tiếng như: Tâm bóc ( Chông) Prung ( Bẫy sập) Pâr lo bul (Bẫy đá) Tu ho (Bẫy phóng ) A Dul diel (Bẫy đẩy)…những vũ khí này đã góp phần tiêu hao hàng trăm kẻ địch xâm lược. Địa đạo Nam Sơn nằm dưới chân đồi A Biah lịch sử, nơi tập trung huấn luyện cán bộ chỉ huy cho các trung đoàn, tiểu đoàn của mặt trận các hướng, phối hợp với các lực lượng binh chủng bảo vệ kho 61 và khống chế thung lũng A Lưới. - Nam Sơn còn mãi thời gian. Chiến công hiển hách vọng ngàn năm sau.

Để bảo đảm tuyệt mật chiến đấu với quân giặc. Quân đội đã có 03 quân lệnh “ Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng ” dưới chân đồi A Bia dấu tích của căn bếp Hoàng cầm phục vụ chiến trường… Vẫn còn đây bếp Hoàng cầm đỏ lửa, nấu cơm thơm nhưng không để khói tỏa, nắm tay anh chỉ cơm vắt ruốc bông. Lòng ấm lòng tình cá nước quân dân.

Với khẩu hiệu “ Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” Trong trận chiến A Bia lịch sử, nhân dân A Lưới đã đóng góp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm và được người dân bí mật chuyển tập kết tại các kho mang số hiệu 34,31,61,62. Trong vận tải lương thực đạn dược A Lưới nổi tiếng xứng cánh chim đầu đàn như: vị anh hùng LLVT nhân dân Hồ A Nun xung phong gùi hàng nặng từ 150kg -173kg. Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Dục xung phong vác gần 100kg hàng nặng và hàng trăm hàng ngàn tấm gương dân công khác gồng mình tải hàng để góp sức cho trận đánh đồi A Bia cũng như các chiến trận khác trên mảnh đất khói lửa Trị Thiên năm xưa. Quân y trong thời chiến là lực lượng vô cùng quan trọng, phải chịu nhiều gian khổ trong suốt thời gian chiến dịch diễn ra. Hồi đó, các chiến sĩ quân y dường như phải có mặt 24/24 ở bệnh viện dã chiến được dựng lên bên bờ suối A Sóc làng A Ning xã Hồng Bắc. Ngoài việc điều trị vết thương, các anh, các chị quân y       chính là chỗ dựa, ngày đêm túc trực bên cạnh để động viên cho các thương binh bị chấn thương, cả thể xác lẫn tinh thần. Anh ở đâu trong trái tim người lính. Trái tim của người chiến sỹ áo trắng năm nào. Nhớ về anh  những đêm dài lo lắng. Năm canh thâu chăm đồng đội quên  mình. Tuổi 20  anh chẳng một mối tình. Miệt mài đêm khuya bên những trang y sử. Lặng lẽ xuyên rừng cùng vào sinh ra tử. Đêm màn trời, cùng người lính áo xanh.

Quên sao được khi cái hào hùng của một thời tuổi đôi mươi tay súng tay đàn, giữa khắc nghiệt của mưa bom bão đạn chiến trường A Bia năm nào, tiếng hát vẫn cất lên gửi gắm vào đó ước mơ ngày toàn thắng. Niềm khao khát ấy không chỉ của riêng những người văn công mà của cả dân tộc Việt Nam và thế giới yêu chuộng hòa bình. Văn công phục vụ chiến trường không chỉ là nghệ thuật phục vụ văn nghệ đơn thuần, mà hơn hết nghệ thuật đã đi cùng với nhiệm vụ cứu quốc của cả dân tộc. Ở đó mang cả thanh xuân, lòng nhiệt huyết tuổi trẻ của những người nghệ sĩ, chiến sĩ với đầy chiến tích lẫy lừng đáng tự hào nhưng cũng không kém phần gian khổ, mất mát. Với khẩu hiệu “ Tiếng hát át tiếng bom”

Non sông đất nước, lịch sử dân tộc Việt Nam và những ai đã từng trong quân ngũ, vượt Trường Sơn đi cứu nước sẽ mãi mãi không bao giờ quên được vùng đất A Lưới, A Bia, A So…lịch sử. Bởi vùng đất, người dân nơi này đã từng nuôi dưỡng, đùm bọc, che chở, rèn dũa họ trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nếu phía bên kia tiền chiến hiểu rõ về vùng đất này, hiểu rõ về người dân nơi đây chắc chắn họ sẽ có câu trả lời tại sao họ lại là kẻ thua cuộc, thua trong nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh, đặc biệt là trận đánh trên đồi A Bia, trận chiến mà người Mỹ gọi đó là Đồi Thịt băm, khi mà họ đã sử dụng tất cả sức mạnh hỏa lực của Không quân, Lục quân Hải quân và Pháo binh, trút xuống hàng vạn tấn bom đạn tưởng như không một sinh vật nào có thể còn sống sót. Với người Mỹ trong lịch sử chiến tranh Việt Nam có 5 trận đánh kinh điển đi vào sử sách mà họ không thể nào quên. Đó là trận chiến Ia Drăng, trận Đắc Tô, trận Khe Sanh, trận A Bia và trận trên Điểm cao 935 hay còn gọi là Ripcord. Sự tổn thất nặng nề trong trận chiến trên đồi A Bia đã làm cho Quốc hội Mỹ náo loạn, bất hòa, chia rẽ, buộc Lầu Năm Góc phải định hình lại cách chỉ đạo toàn bộ cuộc chiến tranh trên bộ của quân Mỹ ở Việt Nam. “ Quân đội hiểu phải theo đuổi cuộc chiến đấu sau trận chiến trên đồi A Bia là giảm thiểu tổn thất lính Mỹ còn quan trọng hơn so với việc đến gần kẻ địch. Đó là giá trị cực kỳ to lớn của trận chiến A Bia. Qua trận này, chiến lược gây áp lực tối đa cộng với việc sử dụng hỏa lực tối đa của Mỹ từ khi tham chiến ở Việt Nam đã chính thức thất bại”. Bà Kăn Đơm Anh hùng LLVT, nữ du kích thời đó kể rằng Có một chuyện mà nhiều người chưa biết về những gì lính Mỹ đã làm với chiến sĩ du kích Cu Lọi khi trận đánh trên ngọn đồi A Bia kết thúc. Anh Cu Lọi tham gia đánh căn cứ A Bia, nhận nhiệm vụ ở lại cản chân quân Mỹ để đồng đội rút lui. Cu Lọi hy sinh, nhưng lính Mỹ đã lấy xác anh, chặt đầu cắm lên cọc, băm thi thể anh ra từng mảnh vụn rải khắp ngọn đồi Bà nói tiếp: "Lính Mỹ làm vậy là để cho người Pa cô của mệ nhụt chí không còn dám theo Đảng và Bác Hồ đánh giặc nhưng chúng đã lầm. Từ đó, đồng bào Pa cô đã gọi đồi A Bia là đồi Băm (băm xác) để khắc ghi trong tim mình sự hy sinh anh dũng của anh Cu Lọi mà quyết tâm đánh giặc đến cùng

 Chính trong quá trình khôi phục và phát triển lực lượng quân và dân tỉnh Thừa Thiên nói chung và huyện A Lưới  bắt đầu từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng đồi A Bia lịch sử. Chiến thắng đồi A Bia có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với quân dân, lực lượng vũ trang tỉnh nói riêng và đồng bào huyện A Lưới nói chung, đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội lực lượng vũ trang tỉnh và quân dân huyện nhà về trình độ tổ chức chỉ huy, hợp đồng tác chiến đồng bộ giữa bộ đội chủ lực và dân quân du kích địa phương còn non trẻ; quan trọng hơn là góp phần thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích ở địa phương ngày càng phát triển và lan rộng. Chiến thắng đồi A Bia mang ý nghĩa to lớn, củng cố niềm tin và cổ vũ mạnh mẽ khí thế nổi dậy đấu tranh của quần chúng nhân dân toàn bộ lực lượng vũ trang tỉnh vào đầu mùa xuân năm 1968. Chiến thắng đồi A Bia là đòn đánh mạnh vào ý chí ngụy quân, ngụy quyền tay sai khiến chúng hoang mang, lo sợ trước sự lớn mạnh nhanh chóng của lực lượng vũ trang cách mạng. Thắng lợi của trận đồi thịt Băm (đồi A Bia) đã gây chấn động trên toàn chiến trường Bắc Trung bộ.

Theo đánh giá của Trung tá Trần Văn Dụ, nguyên cán bộ Tuyên huấn Sư đoàn 324 nhận xét: Trận đánh đồi A Bia, đập tan cuộc hành quân càn quét quy mô lớn được Mỹ đặt tên là “Tuyết trên đỉnh núi A Pát” đã biến thành “ Máu rơi trên đỉnh núi A Pát” của Sư đoàn dù 101 Mỹ lên vùng ASo- ALưới diễn ra từ ngày 5-5-1969 đến 17-5-1969 là chiến thắng vang dội của quân và dân Trị Thiên  trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cũng là chiến thắng lịch sử của Sư Đoàn 324B. 50 năm trôi qua trận đánh đồi ABia lịch sử năm nào vẫn còn đọng mãi trong ký ức những người đã từng tham gia chiến trận. Trận đánh đồi A Bia cũng là bài học kinh nghiệm làm phong phú thêm kho tàng lý luận Quân Sự Việt Nam để vận dụng sáng tạo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc hôm nay.

Trở lại A Bia hôm nay sức sống mới đang hiện diện trước mắt bao du khách gần xa, của những Cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa tham quan du lịch. Hình ảnh tàn khốc của đồi “Thịt băm” cách đây 50 năm đã không còn, thay vào đó là ngọn đồi A Bia màu xanh ngút ngàn của rừng nguyên sinh bảo tồn di tích LSCM A Bia, màu xanh của vườn keo, tràm, lúa, ngô, chuối, sắn của chính những người dân quân, cựu chiến binh bất khuất anh dũng năm xưa tham gia trận đánh đồi A Bia lịch sử, săn sóc vun trồng, họ lại tiếp tục nêu gương tinh thần sáng ngời hình anh bộ đội Cụ Hồ trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu, quyết tâm góp sức chung tay xây dựng quê hương A Lưới mỗi ngày giàu đẹp hơn. Từ năm 2014 đến nay, di tích LSCM đồi A Bia đã đón trên 5 nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch. Đã xây dựng Nhà trưng bày hiện vật, kỉ vật chiến tranh đồi A Bia lịch sử.

Thanh Bình
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.260.972
Truy câp hiện tại 15.416