Từ xưa đến nay, người thiếu nữ Tà Ôi từ 12- 13 tuổi đã được mẹ, chị truyền dạy cho cách dệt Dèng. Trong quan niệm của người Tà Ôi xưa, kỹ thuật dệt Dèng được xem là thước đo chuẩn mực để cộng đồng đánh giá sự khéo léo, đảm đang của người con gái trước khi lập gia đình. Ðối với người Tà Ôi, vải Dèng được xem là sản phẩm văn hóa tiêu biểu. Có một thời, nghề truyền thống này bị xem là phương thức sản xuất lạc hậu, chỉ phục vụ cho nhu cầu may mặc của người dân địa phương, không được khuyến khích và chú ý bảo tồn. Một bộ phận người dân A Lưới vẫn giữ phong tục sử dụng sản phẩm dệt Dèng như áo, khố, khăn, tấm treo, gùi... nhưng chỉ phục vụ cho bản thân và gia đình.
Du khách nước ngoài thích thú với sản phẩm Dèng truyền thống
Đặc biệt, từ khi huyện A Lưới thông qua Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020”đã góp phần bảo tồn nghề dệt Dèng truyền thống và vận động các nghệ nhân trao truyền, phát triển nghề này sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đồng thời đã có nhiều chương trình, dự án khôi phục nghề dệt Dèng ở các xã A Ðớt, Nhâm, thị trấn A Lưới và A Roàng. Ngoài ra, dự án phát triển du lịch Mê Công tại Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Công ty Ella Viet tiến hành các hoạt động tư vấn thiết kế mẫu theo nhu cầu thị trường, hướng dẫn thợ dệt tiếp cận với các chất liệu, kỹ thuật để nâng cao tính ứng dụng của sản phẩm. Kể từ đó, nghề dệt Dèng được bảo tồn, khôi phục và ngày càng phát triển. Sản phẩm Dèng được các vùng lân cận biết tới và mua Dèng của người Tà Ôi và khách du lịch cũng đã biết đến, tìm mua thông qua Hợp tác xã dệt Dèng. Vì vậy, các sản phẩm Dèng trở thành hàng hóa với việc trao đổi bằng tiền mặt chứ không còn dùng các đồ vật ngang giá như trước nữa. Cho nên nhiều người phụ nữ ở đây đã bắt đầu coi dệt Dèng là công việc chính của mình bởi nó đã tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Và để sản phẩm Dèng gần hơn với thị hiếu của khách hàng, đã có thêm rất nhiều mẫu mã mới như túi xách, ví, thắt lưng, túi đựng điện thoại, mũ… và các hoa văn, họa tiết, màu sắc có sự biến đổi thêm để tạo ra một sản phẩm đẹp.
Dèng trong Lễ tái hiện mang họ bác Hồ của đồng bào Pa Cô huyện A Lưới
Dèng trong Lễ cưới truyền thống của đồng bào Pa Cô huyện A Lưới
Bà Lê Thị Thêm – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cho hay: “Cùng với việc "thổi" niềm đam mê, làm cho bà con các dân tộc hiểu được những giá trị của nghề truyền thống, địa phương còn tổ chức nhiều chương trình tập huấn hỗ trợ người dân về kỹ thuật, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, phát triển nghề dệt Dèng trở thành một nét văn hóa đặc trưng, thu hút khách du lịch đến với A Lưới. Đồng thời, huyện nhà cũng thường xuyên tham gia giới thiệu và trình diễn nghề dệt Dèng truyền thống tại các Liên hoan, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại địa phương và ngoài tỉnh, giới thiệu sản phẩm trong các dịp Festival hằng năm, đồng thời nghề dệt Dèng luôn được du khách quan tâm thích thú tại Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam”
Trang phục Dèng được đồng bào Pa Cô sử dụng trong tái hiện Lễ A Da tại Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam - Đồng Mô
Vừa qua, nhãn hiệu tập thể sản phẩm vải Dèng A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được công nhận, góp phần thiết lập và áp dụng mô hình quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể Vải Dèng A Lưới nhằm bảo đảm việc quản lý nhãn hiệu, kiểm soát chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể. Đồng thời góp phần nâng cao giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa của sản phẩm Vải Dèng A Lưới đối với người dân địa phương và đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.
Du khách chụp hình lưu niệm cùng với sản phẩm Dèng và nhãn hiệu tập thể Dèng A Lưới
Người Tà Ôi có quan niệm độc đáo chính là những cô gái nào dệt càng được nhiều Dèng, dệt đẹp, sẽ dễ dàng được các chàng trai, các gia đình chung quanh để ý, và ngược lại, những thiếu nữ không khéo tay, không dệt được nhiều Dèng sẽ không được các chàng trai đánh giá cao… Vì vậy, dù cuộc sống hôm nay có nhiều đổi khác thì văn hóa dệt Dèng của người Tà Ôi vẫn được tiếp nối một cách có ý thức và ngày càng phát triển. Việc làm này của đồng bào các dân tộc ở A Lưới vừa phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc, vừa giúp một bộ phận người dân có việc làm ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự phát triển của đời sống xã hội, nghề dệt Dèng của người Tà Ôi vẫn tồn tại đến ngày nay, góp phần đưa nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng phát triển.
Người Tà Ôi trao truyền và hướng dẫn thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống dệt Dèng