Đường Hồ Chí Minh được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là tuyến đường huyết mạch nối liền Bắc Nam để cung cấp binh lực, lương thực, vũ khí, khí tài cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn huyện A Lưới có chiều dài hơn 100 km. Hiện nay, toàn huyện có khoảng trên 70 di tích nằm dọc 2 bên đường Đường Hồ Chí Minh, trong đó:
- 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là đường mòn Hồ Chí Minh đi qua địa phận huyện A Lưới.
- 09 di tích được xếp hạng cấp quốc gia gồm địa đạo Động So - A Túc, Động Tiên Công, khu chứng tích chiến tranh hóa học của quân đội Mỹ tại sân bay A So, Di tích Dốc Mèo, Di tích Đồi Con Cọp, Di tích Ngã ba Đường 71, 72, 73, 74; Chỉ huy Sở Binh trạm 42.
- 02 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là Di tích lịch sử Đồi A Biah, Địa đạo A Đon và nhiều di tích đang đề nghị xếp hạng.
Khánh thành Nhà trưng bày chứng tích chiến tranh hóa học của quân đội Mỹ tại sân bay A So, xã Đông Sơn
Thời gian qua, công tác bảo tồn giá trị hệ thống Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện A Lưới được các cấp, các ngành quan tâm, song trải qua các biến cố lịch sử, xã hội, sự bào mòn thiên nhiên nên phần lớn di tích đã xuống cấp. Một số di tích chưa được khoanh vùng cụ thể, nên một số hộ gia đình lấn đất xâm phạm đến di tích.
Với hơn 50 năm tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt, nhu cầu phát triển kinh tế dân sinh ngay tại vùng đất trọng điểm năm xưa, đặc biệt là hệ thống đường đất, đường ống, hầm hào, lán trại nay đã nằm trong đất canh tác... đang biến dạng, cảnh quan bị phá vỡ. Tuy nhiên, còn nhiều di tích như đường đèo, hang đá (những nơi được dùng làm sở chỉ huy các binh trạm, bệnh xá, kho hàng… của bộ đội Trường Sơn) vẫn còn nguyên trạng và được bảo vệ tương đối tốt.
Ngày 30/7/2007, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 123/2007/QĐ-TTG về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh – Đông Trường Sơn. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh đoàn 12 triển khai các dự án hoàn thiện hệ thống bi dia tích đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện A Lưới: Di tích Km0 đường B.45A, Di tích Km0 đường B71, Di tích Cụm địa đạo Chỉ huy Sở Binh trạm 42, Di tích Dốc Con Mèo. Hiện nay các khu vực được chính quyền xã Hồng Vân quản lý tốt, không có hiện tượng xâm phạm đến di tích. Khu vực hang tại Dốc Con Mèo – Đường B45A còn tương đối nguyên vẹn và được bảo quản tốt. Hiện trạng Di tích Km0 đường B.45A, Di tích Km0 đường B71 còn khá tốt nhưng chưa được khoanh vùng cụ thể, nền đường mỗi đoạn khoảng 2km còn nguyên vẹn, người dân vẫn thường ngày đi làm nương rẫy.
Công tác quản lý, tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa được huyện A Lưới quan tâm, phát huy tính hiệu quả, đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện các quy định của nhà nước như: Các nghị định, Thông tư về quản lý di tích lịch các xã có di tích lịch sử. Đã thành lập Ban quản lý di tích nhằm phát huy ý thức tự quản của nhân dân trong việc bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa. Năm 2013, huyện đã chủ trương cho lắp đặt các bảng chỉ dẫn tại các điểm di tích lịch sử cho du khách tham quan.
Khánh thành nhà trưng bày Di tích lịch sử Đồi A Biah, xã Hồng Bắc
Bia tưởng niệm tại Đồi A Biah
Tuyên truyền, giới thiệu các tour du lịch đồng thời quảng bá giá trị ý nghĩa lịch sử của di tích đến sâu rộng trong quần chúng nhân dân và du khách trong, ngoài nước. Đặc biệt, huyện nhà luôn tạo điều kiện để Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện, các trường học tổ chức các họat động về nguồn cho các em học sinh tham quan, học hỏi, ý nghĩa giá trị các di tích lịch sử, khơi dậy lòng biết ơn và trân trọng những hy sinh của thế hệ cha anh, góp phần bảo tồn, trân trọng các giá trị của các di tích lịch sử.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích còn có một số hạn chế như: Đội ngũ cán bộ tại địa phương còn hạn chế trong việc nắm bắt kịp thời các văn bản, hướng dẫn của nhà nước về quản lý tại các khu di tích; việc đầu tư của nhà nước cho di tích còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến duy trì, bảo tồn, tôn tạo tại các di tích. Các di tích lịch sử quân sự chưa có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia về lịch sử quân sự nên việc trùng tu, tôn tạo chưa sát với tính nguyên gốc. Chưa có cơ chế thống nhất trong việc quản lý các di tích lịch sử quân sự.
Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế khảo sát thực địa địa đạo An Hô và hệ thống hầm hào chiến đấu trên dãy An Hô, xã Hương Nguyên
Vì thế thời gian qua Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Ngã ba đường 72 – 14B, 73 – 14B là di tích lịch sử quốc gia cấp đặc biệt và khảo sát thực địa địa đạo An Hô và hệ thống hầm hào chiến đấu trên dãy An Hô, xã Hương Nguyên để lập hồ sơ đề nghị công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Mong rằng trong thời gian sắp tới công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện nhà có nhiều khởi sắc.