Cứ vào dịp đón mừng năm mới, không khí ở A Lưới lại sôi động, vang vọng âm hưởng truyền thống bởi Lễ hội A riêu Car đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Được biết, A riêu Car là ngày hội lớn nhất để cộng đồng người Pa Cô, Tà Ôi, Ca Tu, Pa Hi cùng các dân tộc anh em khác đang sinh sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ thể hiện tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Hồ Thị Lan Hương cho biết: Lễ hội nằm trong chương trình phát triển văn hóa du lịch, gắn liền chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện. Hàng chục nghìn du khách trong nước và ngoài nước đã đến với A Lưới trong ba ngày lễ. Nhiều du khách nhập cuộc, đằm mình trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống, nhất là các hoạt động trình diễn và trưng bày các sản phẩm đan lát, sản phẩm dệt Zèng thủ công truyền thống. Bà con các dân tộc nơi đây trình diễn các điệu múa, các làn điệu dân ca truyền thống. Có nhiều chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc truyền thống được tổ chức sôi động tại quảng trường và Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc của huyện...
Từ một vùng "đất chết", 40 năm sau ngày giải phóng, huyện A Lưới nay đã hồi sinh với những cánh rừng xanh bạt ngàn. Hệ thống giao thông liên thôn, bản, xã đã được kết nối bằng bê-tông hóa thuận tiện cho đồng bào giao thương hàng hóa giữa các vùng. Công tác dân tộc và chính sách dân tộc được A Lưới đặt lên hàng đầu. Nổi bật, huyện A Lưới thực hiện có kết quả phong trào xóa toàn bộ nhà tạm cho đồng bào nghèo theo cách "nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ". Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 2.400 nhà, bình quân mỗi nhà có giá trị từ 15 đến 20 triệu đồng. Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hồ Đàm Giang cho biết: "Với chủ trương của Trung ương, tỉnh, huyện đã tổ chức cho 1.423 hộ nghèo khai hoang hơn 258 ha đất sản xuất, với tổng mức hỗ trợ 1,288 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn hai với tổng số vốn đầu tư đạt hơn 24 tỷ đồng, xây dựng được 17 công trình đường giao thông nông thôn, 13 trường học, năm trạm y tế. Huyện cơ bản đã phủ xanh đất trống đồi trọc, với hơn 10 nghìn ha rừng kinh tế. Nơi đây nhiều trang trại đã hình thành... Nhiều vùng đã tạo điều kiện cho bà con nhận đất trồng rừng, nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng.
Trong khuôn khổ Dự án du lịch tiểu vùng sông Mê Công đang được triển khai tại A Lưới, việc hình thành một số mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp giới thiệu các sản phẩm truyền thống với tua, tuyến du lịch, đã trở thành điểm đến của khách du lịch trong nước và ngoài nước. Các điểm du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng từng bước được quan tâm đầu tư và thu hút du khách.
Hướng đến phát triển du lịch bền vững tại A Lưới, các đồng chí lãnh đạo huyện cho biết, nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Khu chứng tích sân bay A So được Nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua huyện đã được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia cấp đặc biệt; huyện A Lưới còn khai thác địa điểm du lịch sinh thái Pâr Le và đá tâm linh A Zoi ở xã Hồng Hạ. Ở đây, địa phương thí điểm xây dựng tám chòi, sạp, tuy khá đơn giản nhưng theo phương thức truyền thống để khách nghỉ ngơi; mở rộng đường vào suối; trang bị vợt, phao cứu hộ, phao bơi, dây bảo hiểm và các bảng quảng cáo; có dịch vụ ẩm thực truyền thống đáp ứng nhu cầu của du khách. Tuy mới bắt đầu đi vào hoạt động nhưng dịp hè vừa qua, mỗi tháng điểm du lịch này thu hút hơn hai nghìn lượt khách từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình và có cả khách quốc tế đến tham quan, tắm suối. Nhiều làng nghề truyền thống đã được bảo tồn, khôi phục và phát huy. Ngoài kinh tế vườn, rừng, hiện A Lưới còn đầu tư, thúc đẩy phát triển các nghề thủ công truyền thống để làm giàu. Đáng chú ý là nghề dệt Zèng của người Tà Ôi vốn là nghề có từ rất lâu, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nay đã và đang được khôi phục phát triển.
Đến nay, khu vực đô thị mở rộng của A Lưới và các vùng phụ cận được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tiểu thủ công nghiệp, công trình đô thị, nhất là hệ thống giao thông, điện lưới quốc gia, điện chiếu sáng, mạng lưới bưu chính viễn thông và các công trình phúc lợi khác. Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Đô thị A Lưới sẽ kéo dài từ thị trấn A Lưới đến thị tứ A Ngo, đây cũng được xác định là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của huyện A Lưới. Trong định hướng phát triển, trước mắt, huyện A Lưới tập trung thực hiện quy hoạch, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư mở rộng kết cấu hạ tầng, phấn đấu trở thành một đô thị động lực phía Tây của tỉnh Thừa Thiên - Huế...".