Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tăng cường công tác quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện
Ngày cập nhật 27/09/2024

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện A Lưới; Huyện A Lưới đã có Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt công tác này trên địa bàn.

 

Thời gian qua, công tác quản lý, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào nuôi cá ở miền núi A Lưới phát triển khá mạnh. Đến nay, toàn huyện có đến 243ha nuôi cá với khoảng 400 hộ nuôi; sản lượng bình quân mỗi năm đạt trên 800 tấn (năng suất 3,3 tấn/ha); doanh thu mỗi năm 33 tỷ đồng. Hàng trăm hộ nuôi cá có thu nhập ổn định, bình quân mỗi năm từ vài chục triệu đến 70 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn lợi thủy sản còn gặp nhiều khó khăn: tình trạng đánh bắt, khai thác thủy sản bằng các phương tiện có tính tận diệt vẫn còn diễn ra; công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát giữa các cơ quan chức năng chưa thật sự chặt chẽ; một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản; vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị về yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt công tác này trên địa bàn.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện thăm mô hình nuôi cá của người dân

Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản và các Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, đặc biệt là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác thủy sản mang tính tận diệt nguồn lợi kéo dài như: xung điện, chất nổ, hóa chất độc hại. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển nguồn lợi thủy sản. Chỉ đạo và tham gia triển khai các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các lưu vực sông, hồ, trên lòng hồ thuỷ điện. Nâng cao và lan tỏa sâu rộng việc xã hội hóa hoạt động thả giống phát triển nguồn lợi thủy sản, chú trọng các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Hội đồng nhân dân huyện tăng cường chỉ đạo giám sát việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; xem xét thông qua một số chính sách phù hợp để bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư, Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 phù hợp với điều kiện thực tiễn của huyện.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thủy sản, nhất là các quy định về việc nghiêm cấm sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản. Vận động, khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Quản lý các hoạt động khai thác thủy sản có tính chất hủy diệt, tận diệt thời gian qua.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường công tác phối hợp của các ban, ngành và chính quyền các cấp trong quản lý, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh việc cấp quyền mặt nước, tiến tới xóa bỏ tình trạng buông lỏng quản lý mặt nước của chính quyền cơ sở.

Quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản hằng năm. Chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp ứng phó với thiên tai, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Đảng ủy Công an huyện chỉ đạo lực lượng nắm tình hình, tăng cường tuần tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, trong phạm vi do đơn vị quản lý. Tăng cường đấu tranh, làm rõ và cương quyết xử lý các hành vi tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân chiếm dụng mặt nước, sông A Sáp. Kiên quyết xử lý các hành vi xả thải không qua xử lý ra môi trường sông, hồ, theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với các, ngành liên quan, chính quyền các cấp xử lý nghiêm các hành vi và sử dụng các ngư cụ để khai thác thủy sản trái quy định pháp luật. Vận động, khuyến khích người dân chủ động báo tin, tố giác các hoạt động vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên, hội viên người dân ý nghĩa của việc quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tác hại, hậu quả của việc sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt nguồn lợi thủy sản, qua đó nâng cao ý thức, tự giác chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật của người dân.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy tăng cường định hướng, chỉ đạo các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng các chuyên mục phù hợp để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; kịp thời thông tin về những mô hình, cách làm hay, gương người tốt trong việc quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản, phê phán những hành vi vi phạm để cảnh báo, răn đe.

Bên cạnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên từ sông suối, hiện nay, có 7 hình thức nuôi trồng thủy sản được hình thành tại 10 nhóm trên địa bàn huyện, cụ thể: Nhóm sinh kế thôn A Đâng và Tu Vây – xã Hồng Thái lựa chọn mô hình nuôi cá trắm cỏ xen cá rô phi theo hình thức nuôi cá lồng trong khu vực lòng hồ thủy điện A Lưới, quy mô 2 lồng nuôi; Nhóm Căn Tôm – xã Hồng Thượng nuôi cá trắm, cá chép, rô phi và cá mè trong ao tại khe Pa Pé; Nhóm A Đen – xã Hồng Thượng với mô hình nuôi ếch trong bể, thời gian nuôi từ từ 3-4 tháng; Nhóm Căn Te – xã Hồng Thượng nuôi cá trắm, mè, diêu hồng trong lồng ở khu vực lòng hồ thủy điện, quy mô 2 lồng nuôi; HTX thôn Vinh Lợi lựa chọn mô hình nuôi cá trắm, cá mè hoa, cá chép, cá rô phi tại ao nuôi trên địa bàn xã với diện tích 10.000m2; Nhóm Pất Đuh – xã Quảng Nhâm lựa chọn mô hình nuôi cá trắm, cá chép, cá mè, cá rô phi trong lồng tại ao của thôn, quy mô 2 lồng nuôi; Nhóm Kleng A Bung – xã Quảng Nhâm với mô hình nuôi cá trắm, cá rô phi, mè hoa, mè trắng và cá chép ở khu vực ao nước chảy tại thôn; Nhóm Đụt 2 – xã Hồng Kim tiến hành nuôi cá trắm, cá mè, rô phi trong ao, diện tích ao 1.000m; Nhóm A Tia 2 – xã Hồng Kim lựa chọn mô hình nuôi ếch với 2 lồng nuôi, kết hợp nuôi các loại cá trắm, rô phi ở ao tại thôn.

Mô hình nuôi cá lồng bên dòng sông A Sáp

Mô hình nuôi thủy sản được trung tâm khuyến nông triển khai tại hai xã Hồng Kim và Trung Sơn với hai hộ tham gia, bình quân mỗi hộ nuôi 500m2. Các loại cá, ếch phát triển tốt, được xác định thích nghi với điều kiện nguồn nước tại các khe suối, ao hồ, môi trường tại các địa phương này. Một trang trại nuôi cá tầm siberi cạnh thác A Nor với giống cá xứ lạnh phát triển tốt những năm gần đây đã mở ra triển vọng cho một loài cá xứ lạnh, có giá trị kinh tế cao tại miền sơn cước.

Mô hình nuôi ếch của người dân

Việc bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thuỷ sản; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thuỷ sản với hoạt động khai thác thuỷ sản bền vững; nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản góp phần phát triển thuỷ sản bền vững giữ gìn tính đa dạng sinh học, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân.

Thiên Hà
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.239.743
Truy câp hiện tại 2.141