Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan của tập thể, cá nhân đơn vị. Bên cạnh đó, một số Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người đứng đầu trong công tác an toàn, phòng cháy, chữa cháy và đảm bảo an ninh cơ quan; chưa nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong phòng, chống cháy nổ; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng chống cháy nổ và an toàn, an ninh cơ quan chưa được quan tâm đúng mức; chưa tạo được ý thức thường trực về phòng ngừa cháy, nổ, đảm bảo an ninh cơ quan trong cán bộ, công chức và người lao động của cơ quan, đơn vị; các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ quan, đơn vị còn phổ biến; lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng bảo vệ cơ quan, đơn vị còn chưa chủ động, yếu về kỹ năng; công cụ, trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy, đảm bảo an ninh cơ quan chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác an toàn, phòng, chống cháy, nổ, các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau, cụ thể:
Một là, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh và phòng, chống cháy, nổ tại cơ quan và các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Hai là, tăng cường công tác quán triệt, phổ biến kiến thức, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, các quy định về an toàn, an ninh cơ quan. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai ngay công tác kiểm tra, tự kiểm tra an toàn thiết bị, phương tiện phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, đơn vị; khắc phục kịp thời các tồn tại, thiếu sót, vi phạm về an toàn phòng cháy và chữa cháy. Đồng thời, thực hiện ngay việc rà soát, hoàn thành thủ tục liên quan để đảm bảo đầy đủ hồ sơ, giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy đối với trụ sở làm việc, kho tàng... do cấp thẩm quyền cấp theo quy định. Đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, dư án cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc, kho tàng, cơ sở đào tạo phải đảm bảo thiết kế phòng cháy và chữa cháy được cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thẩm quyền duyệt theo quy định.
Bên cạnh đó, tổ chức và kiện toàn Ban Chỉ huy phòng cháy và chữa cháy của đơn vị, duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng bảo vệ của đơn vị theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo ứng trực kịp thời làm nhiệm vụ khi có sự cố cháy, nổ hoặc nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn, an ninh cơ quan. Khẩn trương tổ chức công tác tập huấn, diễn tập chữa cháy tại cơ quan, đơn vị đối với lực lượng PCCC cơ sở; chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn xử lý kịp thời ngay từ đầu khi có sự cố cháy, nổ hoặc tình huống có thể gây mất an toàn, an ninh cơ quan. Chú trọng các biện pháp phòng ngừa và kỹ năng xử lý thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; đặc biệt công tác đảm bảo an ninh, an toàn cơ quan trong mọi trường hợp.
Ba là, chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý xây dựng, triển khai phương án bảo vệ an ninh, an toàn trụ sở, kho tàng và tài sản, trang thiết bị của cơ quan; phương án phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng địa phương tăng cường bảo vệ các mục tiêu, trụ sở cơ quan; kịp thời ngăn chặn, giải quyết sự cố xảy ra. Bố trí đủ lực lượng bảo vệ có đầy đủ trang thiết bị theo quy định, có khả năng ứng phó, ngăn chặn và giải quyết sự cố kịp thời.
Bốn là, thực hiện ngay việc rà soát, xây dựng và hoàn chỉnh nội quy, quy chế quản lý hoạt động trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, địa bàn địa phương nơi đơn vị đóng trụ sở. Phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị tuân thủ, chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, các quy định về văn minh công sở, vệ sinh môi trường làm việc, an toàn phòng, chống cháy nổ trụ sở cơ quan
Ngoài tài sản, trang thiết bị và phương tiện làm việc được cơ quan trang bị theo tiêu chuẩn quy định, tuyệt đối không mang tài sản, thiết bị cá nhân, nhất là các thiết bị điện vào sử dụng tại trụ sở làm việc; mọi trường hợp đưa tài sản, thiết bị cá nhân vào sử dụng phải được chấn chỉnh và yêu cầu di chuyển ngay ra khỏi trụ sở làm việc. Nghiêm cấm việc thắp hương, đốt nến, đun nấu trong các phòng làm việc, các khu vực cấm trong trụ sở làm việc để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ.
Tổ chức và thực hiện phân luồng, chỉ dẫn giao thông trong khuôn viên trụ sở làm việc, kho tàng... đảm bảo phù hợp và thuận tiện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và khách đến giao dịch, liên hệ công tác; thực hiện dừng, đỗ, để phương tiện đi lại đúng khu vực quy định; không dừng, đỗ phương tiện đi lại lấn chiếm, vi phạm hành lang chữa cháy, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành và tuân thủ nội quy, quy chế quản lý hoạt động của đơn vị; thực hiện đúng các quy định về phòng, chống cháy, nổ và an toàn, an ninh cơ quan; các quy định về văn minh công sở, vệ sinh môi trường làm việc.