Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Một số điểm mới của Luật Giao dịch điện tử
Ngày cập nhật 03/01/2024

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 22 tháng 6 năm 2023, gồm 8 chương, 53 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. So với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có một số điểm mới, như sau:

 

Thứ nhất, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã sửa đổi trường hợp áp dụng Luật Giao dịch điện tử, cụ thể tại khoản 3 Điều 1 Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung một số khái niệm trong giao dịch điện tử

Theo đó tại Điều 3 Luật Giao dịch điện tử 2023 sửa đổi, bổ sung một số khái niệm như chữ ký điện tử, chữ ký số, dấu thời gian, hợp đồng điện tử, dữ liệu số, dữ liệu chủ, môi trường điện tử, chứng thư điện tử, dịch vụ chứng thực chữ ký số, người trung gia …,đơn cử như sau:

- Chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu.

- Chữ ký số là chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra chữ ký số. Chữ ký số bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ nhưng không bảo đảm tính bí mật của thông điệp dữ liệu.

- Dấu thời gian là dữ liệu điện tử gắn với thông điệp dữ liệu cho phép xác định thời gian của thông điệp dữ liệu đó tồn tại ở một thời điểm cụ thể;…

Thứ ba, sửa đổi các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử. Các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử được quy định tại Điều 6 Luật Giao dịch điện tử 2023 bao gồm:

- Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

- Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.

- Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.

- Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

- Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.

- Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.

- Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

Thứ  tư, sửa đổi, bổ sung điều kiện chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu. Căn cứ vào Điều 12 Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định về chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu như sau:

Văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

- Thông tin trong văn bản giấy được bảo đảm toàn vẹn như thông điệp dữ liệu;

- Có thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu gốc để tra cứu;

- Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;

- Trường hợp thông điệp dữ liệu là chứng thư điện tử thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử 2023 và phải có chữ ký, con dấu (nếu có) của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy.

Thứ năm, các yêu cầu để chữ ký số là chữ ký điện tử: Theo khoản 3 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định chữ ký số là chữ ký điện tử đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

- Xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu;

- Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ gắn duy nhất với nội dung của thông điệp dữ liệu được chấp thuận;

- Dữ liệu tạo chữ ký số chỉ thuộc sự kiểm soát của chủ thể ký tại thời điểm ký;

- Mọi thay đổi đối với thông điệp dữ liệu sau thời điểm ký đều có thể bị phát hiện;

- Phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số. Trường hợp chữ ký số chuyên dùng công vụ phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Trường hợp chữ ký số công cộng phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;

- Phương tiện tạo chữ ký số phải bảo đảm dữ liệu tạo chữ ký số không bị tiết lộ, thu thập, sử dụng cho mục đích giả mạo chữ ký; bảo đảm dữ liệu được dùng để tạo chữ ký số chỉ có thể sử dụng một lần duy nhất; không làm thay đổi dữ liệu cần ký.

Thứ sáu, giá trị pháp lý của chứng thư điện tử: Theo Điều 19 Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định giá trị pháp lý của chứng thư điện tử như sau:

- Thông tin trong chứng thư điện tử có giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

+ Chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức phát hành theo quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023;

+ Thông tin trong chứng thư điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh;

+ Trường hợp pháp luật yêu cầu chỉ ra thời gian liên quan đến chứng thư điện tử thì chứng thư điện tử phải có dấu thời gian.

- Chứng thư điện tử do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ bảy, bổ sung dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử. Dịch vụ tin cậy được quy định tại Điều 28 Luật Giao dịch điện tử 2023 như sau:

- Dịch vụ tin cậy bao gồm:

+ Dịch vụ cấp dấu thời gian;

+ Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu;

+ Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

- Dịch vụ tin cậy là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

- Tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, trừ dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại. Tổ chức được quyền đăng ký một hoặc các dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Giao dịch điện tử 2023. Thời hạn của giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy là 10 năm.

Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại phải đáp ứng điều kiện hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử và điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy theo quy định tại Điều 29 của Luật Giao dịch điện tử 2023.

- Chính phủ quy định chi tiết hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy; quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, gia hạn, thay đổi, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy và các nội dung khác quy định tại Điều 28 Luật Giao dịch điện tử 2023./.

Nguồn:stp.thuathienhue.gov.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.373.734
Truy câp hiện tại 3.310