Bác Hồ luôn ở trong tim
Hầu như ở nhà gia đình nào mang họ Hồ ở huyện A Lưới, cũng có một bàn thờ Bác Hồ. Mỗi năm, người trong gia đình vẫn tổ chức cúng Bác như thờ cúng cha mẹ, tổ tiên mình.
Ông Hồ Văn Rai, già làng A Đeeng Par Leeng 1, xã Bắc Sơn vẫn nhớ cuộc sống của người Tà Ôi những ngày chưa đi theo Đảng và Bác Hồ. Các bản làng sống tách biệt với nhau, ít tiếp xúc với bên ngoài, cuộc sống gian khổ, thường xuyên thiếu đói. Rồi những năm tháng chiến tranh gian khổ, nhà cửa, làng mạc của bà con bị phá nát. “Những năm 1962 – 1965, Đảng và Bác Hồ đã gửi muối ăn, cuốc, rựa để bà con lao động chống đói, rét. Bà con ai cũng cảm động và biết ơn. Đến năm 1969, nghe tin Bác mất, bà con các dân tộc ở A Lưới thương tiếc vô cùng, làm lễ truy điệu 7 ngày, đồng thời tình nguyện đổi sang họ Hồ để thể hiện tình cảm thiêng liêng đối với Bác” – già Hồ Văn Rai kể.
Già làng Hồ Hoài Nam, làng Pa ring, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới vẫn miệt mài truyền lại vốn quý cho con cháu. ảnh: L.S
Nhắc tới việc được mang họ Hồ, bà Hồ Thị Thanh Xuân, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy A Lưới xúc động kể: “Từ năm 13 tuổi, tôi đã đi làm giao liên. Khi làm lý lịch, tôi được các anh, các chú bộ đội hỏi họ gì. Lúc đấy, ai cũng chỉ gọi theo tên, không có họ nên các cô, chú đã đặt cho tôi họ Hồ. Tôi cảm thấy tự hào lắm. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc đó”.
"Người Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hi, Cơ Tu mang họ Hồ đều ý thức được mình là con cháu Bác Hồ. Việc cùng mang họ Hồ là sự đột phá vượt qua khuôn khổ của luật tục, bổ sung những điều khoản mới thiêng liêng vào hệ thống di sản văn hóa các DTTS huyện A Lưới”. Ông Hồ Hoài Nam
Mỗi năm, ở các bản, làng người Tà Ôi, Pa Kô, Cơ Tu... đều tổ chức nghi lễ đặt tên họ Hồ. Cả dân làng tụ họp dưới chân dung Bác Hồ, người già ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc cũng như của người dân miền Tây Thừa Thiên - Huế, sau đó mọi người nắm chặt tay đưa lên đầu cùng hô vang: “Xin nguyện mang họ Hồ”...
Sống và làm theo lời Bác
Giờ đây, những thế hệ người già như nghệ nhân Hồ Hoài Nam, làng Pa Ring, xã Hồng Hạ vẫn miệt mài truyền dạy những bài hát, cách sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình cho con cháu. “Cuộc sống thay đổi, thế hệ trẻ nhiều người không còn gắn bó với bản sắc văn hóa của dân tộc nên những nghệ nhân như chúng tôi phải cố gắng làm sao gìn giữ, khơi dậy niềm đam mê văn hóa dân tộc ở con cháu. Mỗi năm, tôi đều phối hợp với xã mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, múa, hát dân ca” – ông Nam chia sẻ.
Người già giữ gìn văn hóa, còn những người trẻ như chị Hồ Thị Hiền – Chủ tịch Hội ND huyện A Lưới lo giúp bà con làm ăn, xóa đói giảm nghèo. Là một người con dân tộc Pa Kô ở xã Hồng Hạ, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm, chị Hiền về làm việc tại UBND thị trấn rồi được bầu làm Phó Chủ tịch UBND thị trấn. Chị thường xuyên hướng dẫn, thuyết phục bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, từ đó đã có nhiều gương nông dân sản xuất giỏi xuất hiện trên địa bàn. Tháng 8.2010, chị Hiền được điều về làm Phó Chủ tịch Hội ND huyện A Lưới và 4 tháng sau được bầu làm Chủ tịch Hội ND huyện, là một trong những thủ lĩnh nông dân huyện trẻ nhất ở Thừa Thiên - Huế. Qua 6 năm công tác, chị Hiền vẫn là một trong những “đầu tàu” xông xáo trong việc phát triển kinh tế ở địa phương.