Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đổi thay trên quê hương những người mang họ Bác Hồ - Bài cuối
Ngày cập nhật 11/07/2016

Cùng với sự đi lên của đất nước, con em đồng bào các dân tộc ở A Lưới vốn trước đây chỉ biết lên nương, rẫy, nay đã được học hành đầy đủ; những cử nhân đại học, kỹ sư nông nghiệp người Pa Cô, Tà Ôi... nay không còn hiếm.

Đến nay, đã có 12 Phó Chủ tịch UBND xã ở huyện A Lưới là người dân tộc. Họ đang từng ngày, từng giờ phấn đấu, cùng với bà con đem lại sự đổi thay trên mảnh đất A Lưới. Điển hình là chị Kê Sửu, người dân tộc đầu tiên ở A Lưới bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, hiện là Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ

Ông Võ Văn Dự, nguyên Chủ tịch UBND huyện A Lưới (nay là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế) khi được luân chuyển lên làm Chủ tịch UBND huyện A Lưới vào năm 2004 đã từng tâm sự: "Xây dựng chính quyền cơ sở ở miền núi cao phải bắt đầu từ khâu yếu nhất là công tác cán bộ". Ngày đó, khi ông Võ Văn Dự được điều động từ tỉnh về làm Chủ tịch UBND huyện A Lưới trong bộn bề khó khăn của một huyện miền núi vùng cao biên giới, ông nhận ra thách thức lớn nhất ở đây là đội ngũ cán bộ vừa thiếu lại vừa yếu, trong khi rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ra không có việc làm. Ông mạnh dạn bàn với lãnh đạo huyện giới thiệu 10 kỹ sư nông lâm (trong đó có 2 nữ) là con em đồng bào dân tộc thiểu số để Hội đồng nhân dân các xã biên giới bầu giữ các chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn phụ trách các lĩnh vực kinh tế.

Người dân xã Hồng Bắc, huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) truy cập Internet.

Để tăng cường năng lực cho cán bộ cơ sở, ông cùng với tập thể lãnh đạo huyện bàn với các xã vận động cán bộ lớn tuổi hoặc có trình độ năng lực hạn chế tự nguyện xin nghỉ việc trước tuổi để dành chỗ cho cán bộ trẻ có điều kiện cống hiến xây dựng quê hương. Trong một thời gian ngắn, A Lưới đã vận động được 48 cán bộ nghỉ việc trước tuổi, đồng thời bố trí 51 cán bộ có trình độ cao đẳng và trung học chuyên nghiệp làm công chức cấp xã. Lực lượng cán bộ trẻ đã góp phần tăng năng lực cho chính quyền cơ sở, đảm đương tốt nhiệm vụ. Đối với cấp huyện, ông cũng đề xuất 4 cán bộ trẻ có tuổi đời dưới 35, có trình độ đại học trở lên, bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; đề bạt 10 cán bộ trẻ khác đã qua đào tạo và thực tiễn, sắp xếp lại 7 phòng chuyên môn cấp huyện..., góp phần nâng cao năng lực điều hành và hiệu quả công tác quản lý hành chính.

Ông Hồ Xuân Trăng, Bí thư Huyện ủy huyện A Lưới cho biết: Hầu hết lứa cán bộ ngày ấy đến nay đều phát huy hết năng lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Một số đồng chí hiện đảm đương chức vụ Chủ tịch xã, trong đó có chị Hồ Thị Hiền, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn A Lưới, nay làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện và chị Hồ Thị Muôn, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Trung vừa được bầu làm Chủ tịch UBND xã, đây là nữ Chủ tịch xã đầu tiên ở A Lưới.

Ngày càng được đầu tư

Công tác dân tộc và chính sách chăm lo đời sống của người dân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được A Lưới đặt lên hàng đầu. Nổi bật, huyện A Lưới thực hiện có kết quả phong trào xóa 100% nhà tạm cho đồng bào nghèo theo cách "nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ". Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 2.400 nhà, bình quân mỗi nhà có giá trị từ 15 - 20 triệu đồng. Hầu hết các nhà tình thương đều gắn với mảnh vườn để bà con có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, từ bỏ cuộc sống du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy. Nhiều vùng đã tạo điều kiện cho bà con nhận đất trồng rừng, nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng. Chỉ chưa đầy 2 năm trở lại đây, nhân dân trong vùng đã tự trồng và hưởng lợi trên 1.500 ha rừng tập trung...

A Lưới đã đạt được các tiến bộ vượt bậc trong xây dựng nông thôn mới, trong đó Hương Phong - xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với điểm xuất phát thấp, Hương Phong đã huy động được trên 36 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp hơn 13 tỷ đồng (chủ yếu là sửa chữa xây dựng nhà ở và đầu tư phát triển sản xuất) để tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong 3 năm gần đây, xã đã tập trung đẩy mạnh và nhân rộng mô hình kinh tế vườn, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, đưa thu nhập bình quân đầu người từ 10,5 triệu đồng năm 2010, đến nay đạt 25,5 triệu đồng; đặc biệt, toàn xã hiện chỉ còn 1 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,57%), 100 nhà ở đạt tiêu chuẩn.

Trong định hướng phát triển, trước mắt, huyện A Lưới tập trung thực hiện quy hoạch, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư mở rộng kết cấu hạ tầng, phấn đấu trở thành một đô thị động lực phía tây của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đô thị A Lưới sẽ kéo dài từ thị trấn A Lưới đến thị tứ A Ngo, đây cũng được xác định là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của huyện A Lưới.

Tại A Lưới đang triển khai nhiều công trình trọng điểm như khu kinh tế cửa khẩu A Đớt, Hồng Vân, dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 49, các tuyến đường 74, 71 nối liền với huyện Nam Đông, Phong Điền... Cùng với các đô thị vệ tinh Tứ Hạ, Phú Bài, Thuận An..., huyện A Lưới đang tập trung thực hiện quy hoạch mở rộng đô thị, có quy mô diện tích đất mở rộng là 3.645,8 ha, tổng quy mô dân số đô thị mở rộng 14.673 người. Khu vực đô thị mở rộng của A Lưới và các vùng phụ cận được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tiểu thủ công nghiệp, công trình đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông như đường Hồ Chí Minh, đường nội thị A Lưới, nâng cấp hệ thống lưới điện quốc gia, điện chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước, mạng lưới bưu chính viễn thông và các công trình phúc lợi khác đang được đầu tư. Đây chính là nguồn lực và cũng là cơ hội để A Lưới phấn đấu trở thành một trong những vùng phát triển năng động phía tây của tỉnh Thừa Thiên - Huế...

Theo Baomoi.com
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.266.505
Truy câp hiện tại 18.236