Tai nạn, thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu, mỗi ngày trên thế giới, hàng nghìn gia đình có trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích; ở Việt Nam theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày có khoảng 580 trẻ em bị tai nạn thương tích các loại như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng, động vật cắn, ngộ độc thực phẩm. Mỗi ngày có hàng chục gia đình chịu mất mát, đau thương vì sự ra đi mãi mãi của các con, em do tai nạn, thương tích. Tai nạn, thương tích cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nên khuyết tật cho trẻ em và có thể kéo dài suốt cuộc đời.
Tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông là những tai nạn thương tích thường gặp nhất ở trẻ em
Trong những năm gần đây, cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được các cấp ủy đảng, chính quyền huyện, các cơ quan chức năng, gia đình và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Các điều kiện để trẻ em được học tập, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn. Công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em được tăng cường hơn, song tình trạng tai nạn thương tích đối với trẻ em vẫn chưa giảm. Theo thống kê, 2 năm trở lại đây huyện A Lưới đã có 194 vụ tai nạn trẻ em, trong đó có 04 trường hợp tử vong do đuối nước. Điều đáng nói là tình trạng đuối nước không chỉ xảy ra ở các vùng sông, suối, hồ mà còn xảy ra ngay tại gia đình…
Thực tế cho thấy, nguy cơ gây tai nạn thương tích đang hàng ngày hàng giờ rình rập đã cướp đi biết bao sinh mạng trẻ em, đang làm nhiều trẻ em bị tàn tật, bao gia đình phải đau khổ và trở nên nghèo khó vì có người bị tai nạn thương tích...Nhiều địa phương chưa thực sự coi trọng việc phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em trong khi môi trường sống và môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Nhiều gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ và chưa trang bị kỹ năng phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em dẫn đến những trường hợp trẻ bị tử vong không đáng có.
Trong tháng cao điểm thực hiện các hoạt động vì trẻ em năm 2016, huyện A Lưới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ và chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích và xây dựng thí điểm các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” cho trẻ em. Tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, truyền thông lồng ghép nhằm nâng cao nhận thức cho gia đình và cộng đồng về kiến thức phòng chống tai nạn thương tích (nhất là tai nạn giao thông và đuối nước), đồng thời tuyên truyền cho các em học sinh để các em hiểu, thực hiện, tự bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình.
Trẻ em vui chơi trong ngày hè không có sự quản lý của gia đình, nhà trường, trẻ em không được trang bị kiến thức tự bảo vệ bản thân sẽ rất dễ gặp tai nạn
Thực hiện tốt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05/02/2016) với mục tiêu kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội. Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các địa phương trong huyện chủ động phối hợp tuyên truyền, triển khai thực hiện nhiều giải pháp, nhiều mô hình phòng ngừa, giảm thiểu, can thiệp sớm tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích.
Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, gia đình và cộng đồng về các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh. Chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh về ý thức phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; đưa nội dung giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước vào các hoạt động của trường, lớp, Đoàn, Đội; khuyến cáo học sinh không tắm, bơi ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh; sông, suối, thác, ghềnh hiểm trở và những nơi nguy hiểm khác. Tổ chức các hoạt động hè vui tươi, lành mạnh và an toàn cho học sinh.
Tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện có hiệu quả chương trình hành động quốc gia về trẻ em, lãnh chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch xây dựng xã, thị trấn phù hợp với trẻ em tại cộng đồng. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình, đặc biệt là cha mẹ trong việc quản lý, giáo dục con cái.