Cách làm đơn giản
Trở lại xã Hồng Quảng sau hơn hai năm, chúng tôi nhận thấy sự đổi thay lớn ở mảnh đất vùng cao này. Đặt vấn đề, bà Lê Thị Khin, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) xã Hồng Quảng cho biết, sự thay đổi một phần nhờ hiệu quả của mô hình tiết kiệm tự nguyện.
Tháng 4/2013, trước mong muốn phát triển kinh tế nhưng hạn chế về nguồn kinh phí, nhiều phụ nữ ở địa phương bàn bạc và quyết định thành lập mô hình tiết kiệm tự nguyện, hằng tháng góp mỗi người 100.000 đồng, cho từng hội viên nhận theo hình thức xoay vốn liên tục. Mô hình được triển khai thành 2 tổ ở thôn 2 và thôn 4 có tổ trưởng quản lý và HLHPN xã hướng dẫn, tập huấn cách sử dụng vốn và quản lý sổ sách. Đến nay, số hội viên ở 2 tổ đã tăng lên gần 30 phụ nữ, nhiều người khác cũng đang có nhu cầu đăng kí.
Chị Hồ Thị Hồng, trú tại thôn 2, xã Hồng Quảng – hội viên của mô hình tiết kiệm tự nguyện phấn khởi: “Mô hình ni đơn giản nhưng được việc. Bỏ ra một số tiền lớn để mở rộng sản xuất, chăn nuôi khó, nhưng mỗi tháng góp 100.000 đồng rồi đến lượt mình nhận lại hơn cả triệu thì có vốn để làm ăn. Cứ nghĩ đó là một khoản nợ phải trả, mỗi ngày mình cố gắng tự góp một ít từ bán rau, chuối để dành cuối tháng là có tiền đóng. Có mô hình như vậy dễ góp và có động lực cố gắng chứ mình tự dành dụm thì khó hơn”.
Hiệu quả
Đều đặn mỗi tháng một lần, căn nhà của các tổ trưởng quản lý mô hình trở thành nơi sinh hoạt của các chị em hội viên. Đa phần các phụ nữ tập trung nguồn vốn vào phát triển chăn nuôi nên khi sinh hoạt, đó cũng cơ hội để trao đổi cách làm ăn, chăn nuôi hiệu quả. Chị Hồ Thị Tanh, Phó Chủ tịch HLHPN xã Hồng Quảng, cũng là hội viên của mô hình tiết kiệm tự nguyện chia sẻ, nhờ số vốn từ mô hình, chị đem phát triển đàn gà giống, vừa có cái để ăn, nhưng cũng có gà bán kiếm thêm thu nhập.
“Từ khi mô hình này hoạt động, chị em có kinh phí mua gà, lợn, phân bón… để phát triển sản xuất. Bây giờ hầu hết phụ nữ ở hai tổ xoay vốn đã thoát nghèo, cuộc sống gia đình thoải mái hơn. Phụ nữ bây giờ được cầm tiền, quản lý chi tiêu trong gia đình, nhờ đó giảm được tình trạng bạo lực gia đình”, chị Tanh kể.
Tiêu biểu như chị Lê Thị Phước, tổ trưởng tổ xoay vốn thôn 4, nhờ nguồn vốn của mô hình tiết kiệm tự nguyện, chị đầu tư mua lừ, lái bắt cá ở sông suối, thu nhập có ngày lên đến 300.000 đồng. Chị tâm sự: “Trước đây thích nuôi con chi, trồng cây chi cũng chịu vì không có tiền. Từ ngày mô hình mở ra, chị em phụ nữ ở đây có vốn để tạo ra việc làm, có thêm thu nhập. Nhiều hộ tuy không giàu nhưng cũng đủ ăn, khá hơn lúc trước rất nhiều”.
Hai năm tổng kết, Hội LHPN xã đánh giá đây là mô hình hoạt động hiệu quả, các hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, nhờ đó đem lại nhiều khởi sắc ở quê hương. Theo chị Tanh, xã Hồng Quảng có 6 thôn với tổng số 395 hội viên phụ nữ. Từ hiệu quả mô hình tiết kiệm tự nguyện này, HLHPN xã Hồng Quảng sẽ vận động để nhân rộng mô hình sang các thôn khác, góp phần tạo nguồn vốn để các gia đình phát triển kinh tế, đưa cuộc sống đi lên.
Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Phó Chủ tịch HLHPN huyện A Lưới đánh giá: “Xã Hồng Quảng là địa phương có nhiều mô hình của phụ nữ hoạt động hiệu quả và nhiều gương phụ nữ tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Nhờ đó đã cải thiện chất lượng của sống của người dân”.