Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chàng trai Pa Cô làm sống lại vùng đất chết
Ngày cập nhật 20/04/2015
Hồ Văn Tôi là 1 trong 35 gương mặt trẻ của tỉnh Thừa Thiên - Huế được Trung ương Đoàn tặng bằng khen

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau về vùng đất bị nhiễm dioxin tại "vùng đất chết” A So,huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) vẫn hiển hiện trong từng thớ đất, trong từng nét mặt người dân vùng chiến địa năm xưa. Có một chàng trai thuộc lớp "hậu bối” đã làm xanh lại những ký ức đau thương với cánh rừng tràm, keo bạt ngàn trên vùng đất ấy. Anh là Hồ Văn Tôi.

Hành lang "lửa” Đông Sơn

Có một khoảng thời gian, du khách phương Tây hay người dân Huế trở lại vùng đất A So không khỏi rùng mình bởi nghe trong hơi thở của gió ngàn, đá núi mùi hăng hắc xộc vào mũi. Cái chất độc chết người ấy đã thấm vào đất, từng thớ rễ, nơi "rốn” da cam ấy hiếm có thứ cây gì có thể mọc lên nổi chứ đừng nói đến sự sống của con người. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đông Sơn là hành lang của Đoàn vận tải 559 bộ đội Trường Sơn, nên Mỹ ngày đêm dùng hỏa lực ra sức tàn phá cung đường này nhằm ngăn chặn những chuyến hàng chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Từ tháng 8-1965 đến tháng 12-1970, quân đội Mỹ đã có 256 lần rải chất độc xuống nơi đây với 432.812 lít thuốc diệt cỏ (chứa 11kg dioxin)- cái thứ chất độc này đã hủy hoại nặng nề môi trường sống nơi đây.

Theo như nhiều nhà nghiên cứu, chất da cam ở Đông Sơn không chỉ tồn tại trong lòng đất, trong con người mà có ở trong cả gia súc, gia cầm với hàm lượng cao gấp nhiều lần so với sự sống. Bằng chứng rõ rệt và đau thương nhất là lớp trẻ con của những người cựu binh năm xưa tuy sinh ra trong thời bình lại không mang đủ hình hài! Có những nỗi đau chưa thành hình vẫn tồn tại, khuất lấp sau những bản làng. Những con người ấy là "bằng chứng” hiện thực nhất cho nỗi buồn thời hậu chiến.

Sau bao nỗ lực nhằm xanh hóa vùng đất chết, từ năm 2009, Trung tâm Hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên và Phát triển cộng đồng- Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức trồng 10.000 cây bồ kết ở sân bay A So. Với hình thức trồng cuốn chiếu, trồng đến đâu bảo vệ đến đó, tác hại của chất dioxin phần nào được hạn chế. Từ những nỗ lực không mệt mỏi của người dân, chính quyền, vùng đất chết từng ngày được chế ngự. Dù sâu thẳm trong lòng đất, trong từng ký ức của người dân A Lưới, chất độc kia vẫn hiển hiện trên cả nỗi đau của những người cựu binh và những đứa trẻ sống không đủ hình hài.

Khai hoang trên "rốn” da cam

Năm 1991, có 95 hộ dân đồng bào dân tộc Pa Cô sống quanh đèo PeKe và xã Hồng Thủy được chuyển về vùng đất này, thành lập xã Đông Sơn. Hồ Văn Tôi cũng nằm trong số những gia đình đến chinh phục vùng đất da cam ấy. Gặp người thanh niên dám bắt tay để khai hoang vùng đất chết với đôi bàn tay trắng, mới biết nghị lực phi phường của lớp hậu bối tiếp nối bước cha anh đến với vùng đất dữ. Quá giờ trưa, đến thôn Loa, xã Đông Sơn, hỏi đường đến nhà Hồ Văn Tôi, anh nông dân bỏ lỡ luống cày bên đường nhanh nhảu nói: "Hỏi thằng Tôi hả, giờ này chắc nó trên rẫy keo chứ không ở nhà đâu. Anh đi lên mạn rừng kia sẽ thấy.” Theo hướng chỉ tay người nông dân, trước mắt chúng tôi là cả một cánh rừng tràm, keo xanh mướt. Bên những rừng cây xanh bát ngát, Hồ Văn Tôi kể về chiến tích của mình: "Mình theo gia đình lên đây, hồi đó vùng đất này hoang vu lắm. Đất đai thì có sẵn đó nhưng không có cây gì mọc nổi, qua năm tháng đất cứ trơ ra, chai sần lại cứng như đá. Buổi đầu trở về bà con bắt tay vào làm ăn, vẫn chưa xác định được cây, con gì nuôi để duy trì sinh kế. Tình cờ mình xem trên tivi, thấy nhiều địa phương cũng là chiến khu cũ, người ta trồng được rừng, làm giàu từ rừng, không lẽ mình ở vùng núi lại không trồng được”. Nghĩ là thế nhưng tiền ở đâu ra mà mua giống, trồng cây gì phù hợp bây giờ? Với vốn liếng chữ nghĩa học được thời THPT, Hồ Văn Tôi lao vào nghiên cứu, tìm đọc các giống cây, miệt mài chọn các loại cây, con nuôi phù hợp. Năm 2004, anh bắt tay khai hoang "cánh đồng dioxin” để trồng rừng. Ròng rã suốt nhiều tháng liền tay vững tay cuốc khai khẩn, mặt cứ nhắm thẳng lên phía đồi mà chặt, phát, đốt.

Một buổi chiều ngồi nghỉ bên triền đồi, phóng tầm mắt xuống chặng đường sau lưng mình đã nhọc công đi qua, anh chợt ứa nước mắt vui mừng cả một vùng đất đã dọn dẹp xong, chờ ngày ươm cây giống xuống. Ngày anh đặt nhát cuốc đầu tiên, dân bản chẳng tin Hồ Văn Tôi làm nên được trò trống gì”. Họ bảo ai lại trồng rừng nơi chỗ này. Cả 7 thành viên trong gia đình anh đều ra sức can ngăn, hết nhỏ nhẹ lại quay sang nạt nộ, cấm đoán nhưng anh vẫn quyết tâm làm. 

Cuối cùng đất chẳng phụ lòng người, những mầm xanh đầu tiên giữa hoang hoải núi đồi đã mọc lên, cái màu xanh le lói đã xua đi màu xám cùng mùi hắc đến ngột thở của vùng đất chết! Năm 2005, 15 ha rừng tràm được anh trồng đã lên xanh tốt. Thấm thoát mười mấy năm trôi qua, biết bao giọt mồ môi, nước mắt anh đổ giữa rừng hoang. 50ha rừng keo, tràm hoa vàng của anh đã sinh trưởng tốt, được chính quyền cấp sổ đỏ. Màu xanh của nó đã thành màu xanh hy vọng.

Theo http://daidoanket.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.509.034
Truy câp hiện tại 121.383