Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chỉ thị về việc phát triển kinh tế vườn giai đoạn 2020-2025
Ngày cập nhật 06/03/2020

A Lưới là huyện miền núi, có tổng diện tích tự nhiên là 122.521,2 ha, có trên 80% dân số sống bằng nghề nông nghiệp, có 5.973,9 ha là đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, có khoảng 900 ha đất vườn. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của huyện đã định hình và từng bước đi vào ổn định với một số cây trồng chính như lúa, ngô, sắn công nghiệp, cây cao su, trồng rừng kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số cây trồng có tiềm năng thế mạnh chưa được khai thác như cây dược liệu, bơ, bưởi da xanh, măng cụt, cây sầu riêng; về chăn nuôi có tiềm năng thế mạnh như nuôi bò, dê, gà thả đồi.

Hiện trạng diện tích vườn đồi trên địa bàn huyện còn bỏ trống nhiều và nhiều vườn tạp không hiệu quả. Để xóa vườn tạp, phát triển kinh tế vườn bền vững với những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, bảo vệ môi trường sinh thái, các sản phẩm được sản xuất tập trung, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, tăng thu nhập cho người sản xuất nông lâm nghiệp, Uỷ ban nhân dân huyện yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung như sau:

1. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn:

Xây dựng Đề án phát triển kinh tế vườn trong giai đoạn 2020 - 2025. Xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển kinh tế vườn theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi là lợi thế của địa phương; tăng cường phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác chỉ đạo, phát triển sản xuất; áp dụng, lồng ghép tốt các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp.

Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của huyện để khuyến khích đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa phương để thu hút vốn đầu tư, quan tâm phát triển vườn mẫu theo kế hoạch của huyện.

2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì, tham mưu triển khai thực hiện và hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế vườn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới của từng năm. Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm, báo cáo UBND huyện và các sở, ngành liên quan; đề xuất sửa đổi những hạng mục, những hoạt động khi cần thiết.

Liên kết tổ chức tập huấn áp dụng kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, tổ chức quản lý tốt chất lượng nông lâm thủy sản. Phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Huế về tư vấn khảo sát, đánh giá, xác định phát triển vùng trồng cây ăn quả. Tham mưu cho UBND huyện và phối hợp chỉ đạo chương trình vườn mẫu theo kế hoạch của huyện.

Tổ chức sơ kết, đánh giá hàng năm về phát triển kinh tế vườn theo kế hoạch của huyện.

3. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp:

Chuyển giao khoa học kỹ thuật đến tận hộ dân, xây dựng và triển khai các mô hình phát triển kinh tế vườn phù hợp với từng địa phương; đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong quá trình chỉ đạo thực hiện.

Lồng ghép nguồn kinh phí sự nghiệp khuyến nông, nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn sản xuất theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP để phát triển kinh tế vườn trên địa bàn huyện. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hàng năm.

Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi, tăng cường kiểm tra, giám sát, khống chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế vườn của các xã, thị trấn cho UBND huyện (qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

4. Phòng Tài chính - Kế hoạch:

Tham mưu, cân đối phân bổ nguồn ngân sách thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế vườn theo hướng tập trung, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư phân tán, dàn trải.

5. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện:

Triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn đã ban hành; tạo cơ chế thông thoáng về hồ sơ, thủ tục vay vốn để người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất kinh tế vườn.

6. Các phòng, ban, ngành liên quan:

Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao; phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tổ chức thực hiện kế hoạch; tham mưu cho UBND huyện về những vấn đề liên quan lĩnh vực ngành mình phụ trách quản lý, giải quyết tốt các vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch.

7. Đề nghị UBMTTQVN huyện và các tổ chức chính trị - xã hội:

Tham gia thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất trong phát triển kinh tế vườn, bảo vệ lợi ích của hội viên trong quá trình ký kết và thực hiện các hợp đồng liên kết.

Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Thủ trưởng các đơn vị liên quan có kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện. Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi và tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân huyện./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.247.163
Truy câp hiện tại 7.870