Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

A Lưới đã hồi sinh
Ngày cập nhật 27/03/2011

Đến A Lưới (Thừa Thiên - Huế) bây giờ không nhận ra mảnh đất của một thời bị đạn bom cày xới, chất độc hóa học hủy diệt. Nơi đây đã trở thành phố núi sầm uất, nhà cửa cao tầng mọc lên san sát. Ở những bản làng xa xôi, bà con đã biết định canh, định cư để thoát nghèo. 

Từ vùng đất chi chít hố bom, chất điôxin ngày nào, 36 năm sau ngày giải phóng, A Lưới đã hồi sinh với ngút ngàn màu xanh của cây trái. Ít ai ngờ rằng, những hộ dân vốn quen với việc phát cốt, đốt, trỉa, phá rừng làm nương rẫy nay trở thành công nhân trồng và chăm sóc cây cà phê ở Nông trường cà phê A Lưới. Hiện trong vùng có khoảng 1.000 hộ nhận khoán chăm sóc 384 ha Cà phê ở A lưới. Riêng ở xã Nhâm, diện tích cà phê nông hộ toàn xã đạt khoảng 130 ha, đều đã đến thời kỳ thu hoạch, năng suất ước đạt khoảng 7-8 tấn/ha. Với giá hiện nay, bình quân mỗi kg cà phê tươi khoảng 4.000 đồng thì mỗi ha cho thu nhập gần 30 triệu đồng/vụ. Nhiều hộ xoá được nghèo và vươn lên có đời sống khá giả như hộ ông Quỳnh Nhật ở thôn A Bung, hộ Hồ Việt Bình ở thôn Nhâm 2…

Theo chủ trương của A Lưới, huyện sẽ mở rộng diện tích cà phê nông hộ trên địa bàn huyện lên khoảng 1.000 ha, nâng tổng diện tích cà phê toàn huyện lên khoảng 1.600 ha. Để thực hiện việc mở rộng số diện tích trên, huyện sẽ quy hoạch những diện tích đất chưa khai hoang, chưa sử dụng trên địa bàn 465 ha, còn lại là chuyển đổi từ nương rẫy và diện tích cây trồng cho hiệu quả thấp vào trồng cà phê. Huyện sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, phấn đấu năng suất đạt trên 10 tấn/ha.
Bên cạnh đó, người dân ở A Lưới còn tham gia làm công nhân ở Công trường Thủy điện A Lưới. Ngày chặn dòng, nhiều già làng, gái trai các bản làng vui như ngày hội, thức trắng đêm chứng kiến dòng sông A Sáp, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đại ngàn hùng vĩ phải khuất phục. Cán bộ và nhân dân A Lưới hiểu rằng, nay mai nguồn điện từ A Lưới sẽ thắp sáng ước mơ, biến vùng đất nghèo khó này cùng cả tỉnh Thừa Thiên - Huế đi lên. Chính điều đó lý giải vì sao có 1.066 hộ dân trong vùng lòng hồ phải di chuyển đến nơi ở mới để phục vụ cho việc thi công công trình, nhưng mọi việc diễn ra hết sức thuận lợi, bà con đều tự nguyện chuyển đến nơi ở mới, nhường chỗ cho công trình. Công trình Thủy điện A Lưới có tổng vốn đầu tư là 3.234 tỷ đồng, với công suất lắp máy 170MW (2x85MW), sản lượng điện bình quân sau khi đưa vào sử dụng đạt 686,5 triệu KWh/năm. Được khởi công từ tháng 6/2007, đến nay, Công trình Thủy điện A Lưới đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, phấn đấu đưa tổ máy số 1 vào phát điện vào tháng 12/2011. 

A Lưới đã có nhiều đổi thay, đồng bào ở đây, những người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước nhìn lại thành quả sau 36 năm qua không khỏi xúc động với sự thay đổi này. Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Hồ Ðức Vai (tức Cu Thời) tâm sự: Ngày trước đánh giặc là đường mòn, còn bây giờ là đường nhựa về tận thôn, bản, đồng bào mình đỡ vất vả, không còn phải thiếu thốn thực phẩm, không còn đói nghèo như trước. Mình tham gia làm cách mạng được Đảng, Bác Hồ dạy đoàn kết, gắng sức đánh giặc giải phóng quê hương, rồi lại hướng dẫn bà con trồng cây công nghiệp, làm lúa nước để tăng năng suất cây trồng... làm giàu cho quê hương. Trong sâu thẳm trái tim mình, anh hùng Hồ Ðức Vai bùi ngùi nhớ lại: Năm 1969, khi Bác mất, đồng bào dân tộc ở A Lưới đều đồng loạt mang họ Bác Hồ, thể hiện tâm nguyện sắt son của đồng bào các dân tộc một lòng đi theo con đường cách mạng mà Ðảng và Bác Hồ lựa chọn. Ðến nay, trên địa bàn huyện A Lưới có hơn 11.800 người tự nguyện mang họ Hồ của Bác. Khắc ghi lời Bác dạy, đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Cà Tu... ở A Lưới đã và đang cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương tích cực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Con em các dân tộc có khá nhiều người đã là tiến sĩ, cử nhân, kỹ sư tình nguyện về phục vụ quê hương. Thế hệ "con cháu Bác Hồ" hôm nay ở A Lưới đã phá bỏ nhiều hủ tục mê tín dị đoan, thoát được cảnh nghèo nàn, lạc hậu... đó là món quà vô cùng có ý nghĩa, dâng lên Đảng và Bác Hồ sau 36 năm giải phóng và xây dựng quê hương...

Chủ tịch UBND huyện A Lưới, Hồ Xuân Trăng cho biết: A Lưới đang phấn đấu xây dựng thị trấn A Lưới từ đô thị loại năm lên đô thị loại bốn, trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, đủ sức lan tỏa đến các vệ tinh trên địa bàn, tác động và tạo đà cho các địa phương vùng sâu, vùng xa phát triển, đưa A Lưới trở thành thị xã trong tương lai. Trong đó, trung tâm đô thị sẽ phát triển lĩnh vực dịch vụ, thương mại... và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện ở các vùng ngoại thị. A Lưới sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, xây dựng các điểm vệ tinh theo hướng hình thành một số vùng kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ như ở xã Nhâm, Ðông Sơn... để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, tăng dần lao động phi nông nghiệp, tạo tiền đề cho một đô thị năng động phía tây của Huế nay mai.  

Quốc Việt (Vietnam+)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.395.971
Truy câp hiện tại 22.795