Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: “Trong nhiều năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng. Trong đó, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động, giáo dục cho cán bộ và nhân dân các xã biên giới nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, nhiệm vụ công tác biên phòng. Đồng thời vạch rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới Tổ quốc. Chúng tôi cũng chú trọng đổi mới công tác vận động quần chúng, tuyên truyền đặc biệt với phương châm “Gần dân, hiểu dân, học dân”, thực hiện “ba bám, bốn cùng” (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Cán bộ Đồn BPCK Hồng Vân tuyên truyền pháp luật cho nhân dân ở khu vực biên giới A Lưới.
Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo đó, các đơn vị BĐBP đóng quân trên địa bàn 2 tuyến biên biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền 33 xã biên giới và các lực lượng chức năng về việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP còn tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới” và giúp dân xóa đói, giảm nghèo bền vững bằng các việc làm cụ thể. Nhiều mô hình, chương trình đã được BĐBP tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao cuộc sống cho người dân biên giới.
Điển hình là mô hình “Hỗ trợ con giống” triển khai tại xã Hồng Vân, huyện A Lưới. Đến nay, đã có 20 gia đình khó khăn trên địa bàn được hỗ trợ 20 con dê và 10 con bò giúp người dân xóa nghèo. Thực hiện mô hình “Liên vườn, liên cây, liên con, liên chuồng”, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân đã hỗ trợ, giúp đỡ 20 hộ dân tham gia chuỗi liên kết liên chuồng nuôi hơn 1.000 con gà thả vườn; 20 hộ dân tham gia liên vườn trồng hơn 1.000 gốc chuối, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao cho thu nhập ổn định, từng bước giúp dân xóa đói giảm nghèo.
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế còn tích cực kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí; cán bộ, chiến sĩ các đơn vị ủng hộ ngày công lao động để xây dựng 10 ngôi nhà Tình thương cho giáo dân nghèo, trị giá mỗi căn nhà trên 70 triệu đồng. Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, các đơn vị BĐBP trong tỉnh đã nhận đỡ đầu 92 em học sinh nghèo, trên địa bàn 2 tuyến biên giới.
Cán bộ BĐBP Thừa Thiên Huế thường xuyên trao đổi với già làng, người có uy tín trên địa bàn để tiến hành công tác dân vận.
Các đơn vị cũng tự nguyện tiết kiệm gạo từ khẩu phần ăn của mình thực hiện mô hình “Hũ gạo tình thương” trợ cấp cho 10 gia đình thiếu ăn, mỗi hộ 25kg gạo/tháng; tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng 49 Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới với 1.456 người tham gia và 93 Tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển với 1.140 người tham gia. Những việc làm ý nghĩa trên c?a BĐBP tỉnh góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân. Quân và dân cùng đồng lòng quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới đất liền và vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Nói chuyện về việc thực hiện nhiệm vụ ở vùng cao A Lưới, Đại úy Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn BPCK Hồng Vân cho biết: “Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng cơ động chiến đấu, bảo vệ biên giới, chúng tôi còn tích cực tham gia giúp nhân dân phát triển sản xuất, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đều có ý thức giúp các địa phương và nhân dân thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với bảo vệ biên cương làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương ngày thêm khởi sắc”.
Nhờ những cách làm hay, mô hình sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở địa bàn hai tuyến biên giới vững mạnh, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, những vướng mắc trong nhân dân. Trong nhiều năm, trên địa bàn biên giới Thừa Thiên Huế không xảy ra “điểm nóng”, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những điều đó góp phần tạo thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
(Theo www.bienphong.com.vn)