Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Huyện A Lưới: Phát triển nông – lâm – ngư nghiệp theo hướng bền vững
Ngày cập nhật 07/11/2024

A Lưới đặt mục tiêu xây dựng ngành nông nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển từng bước theo hướng toàn diện, bền vững góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới

 

Năm 2024, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt: 672,851 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với năm 2023; Các chỉ tiêu về diện tích cây hàng năm đạt 100,1% so với kế hoạch, tăng 1,9 ha so với năm 2023. Tổng sản lượng lương thực có hạt: 18.204,2 tấn đạt 100,5% so với kế hoạch tăng 121,3 tấn so với năm 2023. Tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt 95,2% 94,7% tăng 0,5% so với năm 2023; trong đó, người dân mua 92,8%, nguồn hỗ trợ 2,4% và nhiều chỉ tiêu khác đạt và vượt so với kế hoạch; cơ cấu cây trồng và vật nuôi có sự chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật mới như mô hình trồng cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi kết hợp, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện thăm động viên bà con sản xuất nông nghiệp

Công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm. Các chính sách quản lý bảo vệ và phát triển rừng đã giao cho cộng đồng quản lý đã phát huy hiệu quả. Nhờ thực hiện tốt chính sách này mà người dân đã có động lực trong công tác bảo vệ rừng, góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ hiệu quả diện tích rừng được giao. Phát triển rừng trồng kinh tế với diện tích hơn 11.200 ha. Trong đó diện tích khai thác và trồng lại mỗi năm khoảng 2.000 ha, cho giá trị thu nhập bình quân ước khoảng 50-55 triệu đồng/ha, phát triển rừng gỗ lớn với diện tích 2.129ha, trong đó rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC 1.537 ha (trong đó rừng trồng 594,65 ha, rừng tự nhiên 942,7 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 75,41%, vượt kế hoạch. 

Việc đầu tư công trình thuỷ lợi được quan tâm, đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sữa chữa 21 công trình. Chiều dài kênh mương 14,189 km; kè chống sạt lỡ  các bờ sông 3.534m, Công trình khắc phục thiên tai 6 công trình, đảm bảo phục vụ tưới cho hơn 1070 ha lúa nước. Công trình nước sinh hoạt  đã tu sữa, duy tu 11 công trình, với hơn  17.300m đường ống cấp nước.

Lãnh đạo huyện thăm động viên bà con sản xuất nông nghiệp

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; hình thành và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các gia trại, trang trại chăn nuôi thân thiện với môi trường. Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ngày càng được chú trọng. Nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới” được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể thịt bò vàng A Lưới”.

Hiện nay, toàn huyện có 22 Hợp tác xã và 07 Tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, Có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề, làng nghề truyền thống có giá trị khá cao bán ra thị trường ngoài huyện như các sản phẩm: Dệt Dèng, chổi đót, mộc mỹ nghệ, mây tre đan lát, rèn nông cụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện cũng đã triển khai xây dựng cửa hàng trưng bày và bán các nông sản đặc sản , sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, để quảng bá khách du lịch,  đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lich, cũng như bà con mua bán, tiêu thụ hàng hoá.

Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại Hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện: để tiếp tục duy trì và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, các cơ quan, đơn vị, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện A Lưới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”. Tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm chủ lực; nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông, lâm, thủy sản; đa dạng hóa sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn liền sản xuất với kết nối tiêu thụ. Nâng cao chất lượng rừng trồng, chú trọng mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, nhất là những địa bàn có nguy cơ cao xảy ra tình trạng lấn, chiếm, khai thác rừng trái pháp luật. Chú trọng phòng, chống dịch bệnh và dự trữ thức ăn cho gia súc trước mùa rét. Đối với các dự án hỗ trợ bò sinh sản của các Chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị các đơn vị chủ đầu tư quan tâm đảm bảo về chất lượng con giống để hỗ trợ cho người dân.

Thiên Hà
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.235.782
Truy câp hiện tại 70