Du lịch huyện A Lưới được chú trọng phát triển từ năm 2012. Khi nhận thấy tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện nhà, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU ngày 30/10/2012 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện (khóa X) về xây dựng và phát triển Văn hóa, Du lịch huyện A Lưới giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Chương trình phát triển văn hóa, du lịch huyện A Lưới giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết 04-NQ/HU ngày 29/7/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XII về phát triển du lịch huyện A Lưới giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong những năm qua, UBND huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch. Ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch, các phương án hỗ trợ phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái và du lịch cộng đồng…Phát triển homestay, nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa kết hợp phát triển du lịch. Xây dựng quy chế phối hợp tổ chức hoạt động các điểm du lịch tại khu vực biên giới. Tăng cường phối hợp với các công ty, doanh nghiệp lữ hành. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức và tạo động lực, khuyến khích bà con làm du lịch…Từ đó tạo đà cho du lịch A Lưới từng bước phát triển, thu hút du khách đến tham quan.
Thị trấn A Lưới nhìn từ trên cao
Đến năm 2016, Du lịch A Lưới bước đầu phát triển. Du khách biết đến Thác A Nor, suối Par Le, nước nóng A Roàng, suối A Lin, đồi A Bia, sân bay A So…ngày càng nhiều hơn. Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư xây dựng. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng. Những sản vật nông sản từ núi rừng, những sản phẩm thủ công truyền thống từ các làng nghề dệt Dèng thổ cẩm, đan lát mây tre, làm chổi đót… ngày càng được du khách ưa chuộng. Chuối già lùn đạt tiêu chuẩn VietGAP và chất lượng OCOP 3 sao. Việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực như chuối, hoa Tulip, hoa Ly, rau sạch, cá Tầm, sâm Bố Chính… đã tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, tạo cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình, góp phần vào chương trình giảm nghèo bền vững.
Với tiềm năng sẵn có và nỗ lực của nhân dân, chính quyền địa phương, nhiều di tích lịch sử, văn hóa lễ hội trên địa bàn huyện được xếp hạng: Sân bay A So được cấp bằng chứng nhận Di tích cấp quốc gia (năm 2013). Dệt Dèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (năm 2016). Lễ hội A Da Koonh (mừng lúa mới) của đồng bào dân tộc Pa Cô ở được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (năm 2019). “Địa điểm chiến thắng đồi A Bia” được xếp di tích lịch sử Quốc gia (năm 2021)
Hiện nay, các loại hình kinh doanh dịch vụ trên địa bàn khá đa dạng, phong phú như: dịch vụ lưu trú (24 homestay, 09 nhà nghỉ, khách sạn), 05 làng văn hoá du lịch cộng đồng; dịch vụ du lịch trải nghiệm, trekking, dịch vụ mua bán các mặt hàng lưu niệm, sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương và các dịch vụ giải trí, tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật, chợ phiên vùng cao… Làng du lịch cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim) là sản phẩm OCOP 3 sao của A Lưới, trở thành điểm du lịch cấp tỉnh và năm 2019 được chọn là một trong ba làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam.
Thác A Nor
Theo thống kê của phòng Văn hóa và Thông tin, lượng khách du lịch đến A Lưới tăng dần qua từng năm. Riêng năm 2023 lượt khách đến A Lưới đạt hơn 72.000 lượt, doanh thu ướt đạt 37 tỷ đồng.
Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đã giúp xây dựng thương hiệu điểm đến đối với du lịch A Lưới, đồng thời tạo dựng niềm tin đối với khách hàng sử dụng, trải nghiệm các sản phẩm và dịch vụ của địa phương. Từ đó, đưa thương hiệu Du lịch A Lưới vươn tầm quốc gia, quốc tế, trở thành điểm nhấn, dễ dàng nhận diện và vươn ra thị trường.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện cho biết. Thời gian tới, huyện A Lưới sẽ tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh quảng bá, duy trì, bảo vệ danh tiếng nhãn hiệu “Du lịch A Lưới”. Quản lý và sử dụng nhãn hiệu đối với các tổ chức, cá nhân đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên nguồn lực tập trung phát triển du lịch. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ, tăng cường quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch trên địa bàn. Tiếp tục bảo tồn tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và đảm bảo an ninh, an toàn khách du lịch.