Báo cáo với Đoàn công tác về Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã nhấn mạnh: Trong những năm qua, UBND huyện A Lưới đã quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên theo dõi, giám sát lộ trình xây dựng trường chuẩn của từng trường, từng đơn vị; gắn xây dựng trường chuẩn quốc gia vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; đồng thời phối hợp với các ban, ngành tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực, hoàn thiện mạng lưới trường, lớp, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị cho các trường học. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học; thực hiện tốt công tác xã hội hóa nhằm huy động sự đóng góp của nhân dân, phụ huynh, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong việc hiến đất xây trường, đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường chuẩn quốc gia. Nhờ đó, nhận thức về công tác xây dựng trường chuẩn của các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân được nâng lên, nguồn lực dành cho giáo dục luôn được ưu tiên hàng đầu.
Công tác nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên được quan tâm, trong 5 năm qua, đã tuyển dụng cho ngành Giáo dục và Đào tạo 204 CBCCVC. Vì vậy, đến nay đội ngũ giáo viên phổ thông trên địa bàn huyện đáp ứng nhu cầu dạy học và đảm bảo định biên theo quy định. Chất lượng giáo dục được nâng cao, chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy….Nhờ vậy, chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học ngày càng được nâng cao, tỷ lệ học sinh Yếu ngày càng giảm dần, tỷ lệ học sinh Khá - Giỏi năm sau cao hơn năm trước, chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi vào học mẫu giáo, 6 tuổi vào học lớp 1 đạt 100%. Huyện A Lưới đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ năm 2013. Hàng năm, tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành cấp học đạt 98-100%, tốt nghiệp THCS đạt trên 96%, tốt nghiệp THPT đạt trên 85%. Công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai rộng rãi, đã tuyên truyền vận động toàn thể CBCCVC và nhân dân huyện nhà cùng chung tay, góp sức xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục. Vận động nhân dân hiến đất để mở rộng diện tích khuôn viên và xây dựng trường học.
Trong 5 năm qua, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, UBND huyện A Lưới đặc biệt chú trọng công tác giáo dục - đào tạo, tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhất là quan tâm thực hiện kiên cố hoá trường, lớp và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nhờ đó, đã đạt được nhiều thành tựu về quy mô trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng như chất lượng dạy và học. Đến nay đã có 16/51 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 01 trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2 (TH Kim Đồng), nhiều trường học được đầu tư xây dựng khang trang, cảnh quan trường lớp xanh, sạch, đẹp và an toàn; chất lượng dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực.
Thực hiện Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2015, UBND huyện A Lưới đã chỉ đạo, các địa phương lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát đánh giá theo từng tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia. Ưu tiên những trường tiệm cận chuẩn, để tập trung đầu tư xây dựng một cách toàn diện, tiến đến đạt chuẩn quốc gia. Kết quả: Số trường đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn 2011 - 2015 là 12 trường, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện lên 16/51 trường đạt tỷ lệ: 31,4%. (vượt 5 trường so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ X).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại một số vấn đề như nguồn kinh phí đầu tư cho việc xây dựng trường chuẩn quốc gia hàng năm chưa đáp ứng nhu cầu theo lộ trình. Công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều khó khăn hạn chế, một số bộ phận cán bộ và nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Một bộ phận đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên còn thiếu tích cực trong việc đầu tư xây dựng trường chuẩn. Các trường có quy mô nhỏ, ít lớp (04 lớp), giáo viên phải dạy đủ 14 môn học cho nên chất lượng, hiệu quả dạy và học chưa cao (như trường TH-THCS Hồng Hạ, TH-THCS Hương Nguyên). Số trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện chưa đạt theo Kế hoạch số 51/KH-UBND của UBND tỉnh (đạt 50% kế hoạch).
Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn huyện có 35/51 trường ở các cấp học, bậc học đạt chuẩn quốc gia chiếm tỉ lệ 68,6%. Cụ thể:
+ Khối mầm non: Có 11/21 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ: 52,4%), trong đó có 01 trường đạt chuẩn mức độ 2.
+ Khối tiểu học: Có 16/18 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt tỷ lệ: 88,9%) trong đó có 02 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
+ Khối THCS: Có 06/9 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt tỷ lệ: 66,7%).
+ Khối THPT: có 02/03 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (đạt tỷ lệ: 66,7%).
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia của huyện A Lưới. Tuy là một huyện miền núi, kinh tế xã hội còn khó khăn, nhưng với sự phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà, đặc biệt là công tác tham mưu của ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đồng chí cũng đề nghị trong thời gian tới, ngành Giáo dục cần mạnh dạn hơn nữa trong công tác tham mưu cho UBND huyện triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt hơn nữa để hoàn thành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo chỉ tiêu đã đề ra.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc