Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hội nghị triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Ngày cập nhật 14/08/2015

Thực hiện Nghị quyết số 972/NQ-UBTVQH13 ngày 13/7/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 14/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), ngày 14 tháng 8 năm 2015, Ủy ban nhân dân huyện A Lưới đã tổ chức Hội nghị triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì.

Tham dự Hội nghị có đại diện Thường vụ Huyện ủy; Thường trực HĐND huyện; Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện; đại diện lãnh đạo Văn phòng Huyện ủy và các Ban của Huyện ủy; đại diện lãnh đạo các phòng, ban,đơn vị, các ngành, đoàn thể cấp huyện; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Tỉnh đóng trên địa bàn huyện; đại diện lãnh đạo UBND và công chức Tư pháp - Hộ tịch, già làng hoặc người có uy tín các xã, thị trấn.

Bộ luật Hình sự năm 1999 được Quốc hội khóa X thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực từ ngày 01/07/2000. Từ khi ra đời đến nay, Bộ luật Hình sự là công cụ sắc bén của Nhà nước trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và của công dân, góp phần trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, sau gần 14 năm thi hành, tình hình đất nước ta đã có những thay đổi lớn về mọi mặt. Đặc biệt, việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà nội dung cơ bản là ghi nhận và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã mang lại những chuyển biến lớn, tích cực về kinh tế, xã hội và đối ngoại. Điều này đã làm cho Bộ luật Hình sự hiện hành trở nên bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Từ sau năm 2000, Nhà nước ta thực hiện chủ trương cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lầng thứ X của Đảng và các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Trong các nghị quyết này Đảng ta chỉ rõ cần phải “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội”. Đồng thời, “xử lý nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác”. Đây là những định hướng quan trọng cho việc nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự nhằm thể chế hóa quan điểm mới về chính sách hình sự trên của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình hiện nay.

Cùng với các luật khác trong hệ thống pháp luật nước ta, Bộ luật Hình sự phải thể hiện đúng vai trò là công cụ hữu hiệu để bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 1999, nhìn chung vẫn là sản phẩm mang đậm dấu ấn của thời kỳ đầu của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do vậy, nó chưa thực sự là công cụ hữu hiệu để bảo vệ và thúc đẩy các nhân tố của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển một cách lành mạnh.

Sự phát triển của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân thể hiện sự đổi mới nhận thức trong việc ghi nhận và đảm bảo thực hiện các quyền này của người dân trên thực tế. Sự phát triển, bổ sung và đề cao quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp 2013 đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành để làm cho các quyền này của người dân được thực hiện trên thực tế. Theo đó, một mặt, Bộ luật Hình sự phải xử lý nghiêm các hành vi xâm hại các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; mặt khác cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi hệ thống hình phạt theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội.

Xu thế chủ động hội nhập quốc tế đã trở thành nhu cầu nội tại của Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực và đã trở thành thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương, trong đó có các công ước về phòng chống tội phạm. Điều này, đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự để nội luật hóa các quy định hình sự trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của quốc gia thành viên, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc chủ động và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là hết sức cần thiết và quan trọng. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) để toàn thể nhân dân đóng góp ý kiến.

 

Toàn cảnh Hội nghị

Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng - PCT UBND huyện phát biểu khai mạc Hội nghị

TDNQ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.442.409
Truy câp hiện tại 63.753