Hiệu quả bước đầu
Huyện A Lưới, hiện có khoảng hơn 387 ha chuối, trong đó diện tích chuối già lùn 116 ha được trồng tập trung tại các xã Hồng Bắc, Hồng Vân, Hồng Thủy. Hiện nay, huyện cũng đang phát triển thêm tại xã Quảng Nhâm, Phú Vinh và một số địa phương khác trên địa bàn huyện; đặc biệt là dự án thanh niên khởi nghiệp của huyện với trên 2.000 gốc chuối già lùn cho các hộ gia đình thanh niên khởi nghiệp.
Để phát triển cây chuối Già lùn, những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp với trường đại học Nông lâm Huế và các đơn vị liên quan triển khai nhiều dự án áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như phòng trừ sâu bệnh trên cây chuối để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng và năng suất cao. Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, hiện nay năng suất Chuối già lùn đạt khoảng 280 tạ/ha, cho thu nhập bình quân trên dưới 100 triệu/1ha; nhờ trồng chuối mà đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện, đặc biệt có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây chuối già lùn này.
Ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho biết, việc tạo ra năng xuất, chất lượng sản phẩm nông sản Chuối già lùn đã khó, thì việc tạo ra sản phẩm hàng hóa và tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân không hề đơn giản, nếu muốn trồng và thu hoạch gần như quanh năm. Muốn làm được việc nêu trên, trước hết phải khắc phục tình trạng thoái hóa giống cũng như áp dụng tiến bộ khoa học để trồng theo hướng hữu cơ, sạch, không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu...và điều quan trọng không kém là phải xây dựng được thương hiệu Chuối già lùn A Lưới và quảng bá rộng rãi sản phẩm nông sản trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Để thực hiện, những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện A Lưới đã triển khai nhiều mô hình điểm sau đó nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa bằng giống cấy mô. Đồng thời, cử cán bộ khuyến nông xuống tận cơ sở, tập huấn, phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và bảo quản sản phẩm cho bà con nông dân. Việc làm này đã thực hiện với phương châm "cầm tay, chỉ việc" nhằm hướng dẫn đạt hiệu quả tốt nhất cho bà con nông dân nên sản phẩm Chuối già lùn đã cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn VIETGAP, buồng chuối to vừa phải, quả đều sáng và đẹp.
Chuối già lùn được trồng bằng giống cây mô phát triển đều, không sâu bệnh
Ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho hay, trồng giống Chuối già lùn cấy mô thì cây chuối khỏe mạnh, ít sâu bệnh, chất lượng cao hơn. Còn để phát triển thương hiệu Chuối già lùn, thì huyện đã có những chính sách như giao đất, hỗ trợ vốn vay, chuyển giao KHKT và vận động người dân cải tạo vườn đồi để hình thành vùng sản xuất chuối quy mô lớn và đảm bảo chất lượng sản phẩm, huyện cũng đã thành lập HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn do Hội Phụ nữ huyện đảm nhiệm; HTX này được đăng ký trang thông tin trên mạng Internet để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như cung cấp đầu mối thông tin để tìm kiếm thị trường tiêu thụ chuối cho bà con nông dân.
Từ việc áp dụng tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật từ trồng, chăm sóc, không sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh cũng như thực hiện khá tốt khâu bảo quản sản phẩm mà Chuối già lùn A Lưới được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Thừa Thiên Huế cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Điều đáng mừng là từ đầu năm 2019, sản phẩm Chuối già lùn A Lưới đã chính thức được đưa lên kệ hàng của siêu thị BigC với khoảng 15 tấn tiêu thụ mỗi tháng. Cùng với đó, Chuối già lùn cũng đã góp mặt tại nhiều Hội chợ thương mại, thị trường một số tỉnh phía Nam và được đưa lên bàn ăn của học sinh học bán trú trong tỉnh.
Buồng chuối già lùn to và đều quả do áp dụng kỹ thuật chăm sóc và bón phân hữu cơ
Phát triển bền vững gắn với duy trì thương hiệu
Từ kết quả bước đầu của sản phẩm nông sản Chuối già lùn A Lưới, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, sở dĩ, Chuối già lùn A Lưới nhanh chóng tạo dựng được thương hiệu và được người tiêu dùng lựa chọn vì quá trình sản xuất không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm không có chất bảo quản. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển bền vững cây Chuối già lùn trên địa bàn huyện vẫn còn gặp những khó khăn như diện tích trồng còn phân tán, manh mún; trình độ thâm canh của bà con đồng bào dân tộc còn chưa cao và đầu ra tiêu thụ sản phẩm chưa thật sự ổn định...
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhằm phát huy tiềm năng của vùng đất gò đồi, nhiều năm qua huyện đã phối hợp với các ngành liên quan để khảo sát làm sao chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, góp phần cho công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Có thể khẳng định rằng, Chuối già lùn A Lưới đã tạo ra sản phẩm hàng hóa và khẳng định được thương hiệu là bước đi đúng của huyện trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung và trong thực hiện chương trình OCOP của tỉnh.
Để phát triển bền vững các vùng trồng Chuối già lùn trên địa bàn huyện, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân, thời gian tới, huyện sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực cho ngành Nông nghiệp thực hiện và triển khai các dự án nhân rộng diện tích trồng chuối. Đặc biệt, tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, HTX để tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, tập trung cho công tác thông tin, quảng bá sản phẩm tại các siêu thị, hội chợ thương mại, nhất là trên sàn giao dịch điện tử hàng nông sản để thương hiệu Chuối già lùn A Lưới vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh và cả nước.