Hôm đó, đang cùng đoàn công tác từ thiện của thanh niên lên miền núi A Lưới, tôi nghe mấy vị cán bộ địa phương chuyện trò rôm rả về công tác đưa trí thức trẻ về làm lãnh đạo xã từ cả chục năm trước. Rồi loáng thoáng nghe họ nhắc đến một vị cán bộ trẻ có biệt danh ngồ ngộ: “Giang Ha-vớt”.
Tình cờ gặp Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hùng, đem chuyện này ra hỏi, anh cười: “Chẳng biết cậu Giang mang biệt danh ấy từ khi nào. Mình cũng quen gọi như vậy. Nhưng gọi Giang “Ha-oai” thì đúng hơn. Vì cậu ấy từng du học ở Đại học Tổng hợp Hawaii, Hoa Kỳ. Đó là người đầu tiên và duy nhất cho tới giờ của đồng bào Pa-cô mình được nhận bằng thạc sĩ ở bên đó”.
Bỏ phố lên núi
Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được Giang “Ha-vớt”. Gần 12 giờ trưa, vừa cùng lãnh đạo huyện họp với Sở GD&ĐT tỉnh về công tác quy hoạch giáo dục trên địa bàn, tranh thủ xem nốt những giấy tờ thủ tục của dân còn ùn ứ tại văn phòng hồi sáng, Giang gạt mồ hôi tiếp chuyện khách từ xuôi mới lên.
Ngồi trước tôi là một thanh niên Pa-cô điềm đạm, ít nói. Anh là trí thức trẻ người dân tộc thiểu số có trình độ cao học từng làm một chuyện ngược đời: Xin chuyển công tác từ cơ quan cấp tỉnh đóng ở thành phố để về làm việc tại huyện miền núi hẻo lánh, đặc biệt khó khăn.
Giang người xã Hồng Thượng, A Lưới. Thoạt nghe chuyện về anh, lắm người ngỡ chàng thanh niên Pa-cô này có cuộc đời suôn sẻ, xuôi thuận. “Chuyện về em có gì đặc biệt đâu anh. Sinh ra, lớn lên trên vùng cao rồi đi học, làm việc, lập gia đình, vậy thôi”, Giang khiêm tốn vào chuyện.
Nếu không nghe anh Lê Văn Trừ (Bí thư Huyện ủy A Lưới) kể chuyện trước đó, tôi cũng không biết Giang vốn là con nhà khó, đông anh em, lại mồ côi bố khi còn học sinh, cuộc sống lắm gieo neo vất vả.
“Nhà Giang nghèo lắm, mồ côi, nhưng được cái nó học rất giỏi, chịu khó”, Bí thư Huyện ủy Lê Văn Trừ nhận xét. Sau tôi mới rõ, Giang ngại kể khó, kể khổ về mình để tránh gây hiểu nhầm là người thích khoe mẽ thành tích học hành…
Anh tâm sự, đó là năm 1998. Nhà nghèo, trong lúc chuẩn bị thi tốt nghiệp 12 thì bố em đột ngột qua đời. Lúc đó, đang tuổi mới lớn, bỗng nhiên mất đi chỗ dựa lớn nhất trong đời, em toan có ý định bỏ học vào Nam làm thuê để gia đình bớt khổ. Gắng tốt nghiệp xong 12, Giang vẫn như người lạc hướng.
Nhờ người thân, bạn bè, thầy cô giáo động viên, Giang ôn thi và nuôi giấc mơ đại học. Nhiều người cứ lo cho anh. Với hoàn cảnh nghèo khó lại mồ côi, nếu thi đỗ đại học rồi, gia đình biết xoay đâu ra tiền để chu cấp đi học.
Rồi một chút may mắn cũng tìm đến. Với thành tích học tập xuất sắc hồi trung học phổ thông, Giang được huyện chọn đi học cử tuyển tại Khoa Kinh tế - Đại học Huế, chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sau hơn 4 năm nỗ lực, chàng sinh viên Hồ Mạnh Giang hoàn tất suôn sẻ khóa học, lấy bằng cử nhân, với kết quả tiệm cận loại giỏi. Rồi anh được nhận vào công tác tại Ban Dân tộc - Miền núi tỉnh vào năm 2004. Tuy nhiên, tâm nguyện lớn nhất là vẫn muốn quay về làm việc tại quê hương nghèo khó.
Cũng bởi tâm nguyện đó, sau này tôi mới biết, Giang từng bị các anh chị ở cơ quan cũ trách khéo. Chuyện là sau khi học xong thạc sĩ Mỹ về, Giang không giữ đúng “cam kết” làm việc lâu dài ở… tỉnh, mà quyết xin lui về quê.
Anh chấp nhận công tác tại một huyện đặc biệt khó khăn, với chức danh chuyên viên tổng hợp kinh tế xã hội và phụ trách thêm bộ phận “một cửa” của Văn phòng UBND huyện. Hồi đó, nhiều bạn bè, người quen cho rằng Giang là đứa dở hơi hâm gàn. Nhưng với Giang, về quê công tác là tâm nguyện lớn nhất. Đó cũng là quyết định khó khăn nhất trong đời…
Chợt nhớ, những người một thời làm việc dưới xuôi với Giang từng kể với tôi rằng, để nhận được quyết định chính thức đi du học Mỹ theo Chương trình IFP (International Fellowship Programme) do học bổng Quỹ Ford tài trợ, anh phải mất 5 năm nỗ lực.
Khi sang Mỹ du học, Giang chọn chuyên ngành hành chính công cũng bởi tâm nguyện để về quê mình. “Quê mình đặc biệt khó khăn, em chọn chuyên ngành này, với mong muốn có thể đem chút kiến thức học được góp phần phục vụ tốt hơn công tác chính sách, cải cách hành chính đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi”, Giang tâm sự
Giang cũng không ngần ngại: “Người dân tộc thiểu số như em, vốn ngoại ngữ hạn chế lắm. Sau lần trượt đầu tiên, rồi học đi học lại, phải chờ đến đợt khảo sát tiếp theo về tiếng Anh, em mới vượt qua để được cấp học bổng. Em còn phải mất 3 năm tích lũy kinh nghiệm làm việc trước đó mới đạt đủ tiêu chí du học. Phải cố gắng thôi anh ạ, mình là thanh niên mà, nếu nản chí, an phận, không chịu khó thì sẽ bỏ cuộc uổng phí. Sang Mỹ, mình còn phải cố gắng hơn nhiều nữa”.
Giang kể, sự mạnh dạn trong giao tiếp với người nước ngoài, với các giáo sư, sinh viên quốc tế của trường khi đi du học cũng là điều rất cần thiết. “Những ngày tháng ở Haiwaii, trong lớp không có bất kỳ đồng hương Việt Nam nào để mình hỏi bài như ở quê nhà. Chỉ còn cách là mạnh dạn trao đổi, học hỏi từ bạn học nước ngoài, thầy cô. Mình cũng chẳng ngần ngại nói ra những điểm hạn chế bản thân để mong tiến bộ”.
Vùng đất Hawaii nơi Giang du học có thiên nhiên đẹp, giàu lợi thế du lịch, con người lại luôn hiếu khách như ở quê nhà. Đó là nơi Giang có cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ra với bạn bè thế giới.
“Đến đâu, em cũng luôn muốn nói với bạn bè quốc tế rằng, Việt Nam mình là đất nước tươi đẹp, hòa bình. Khi về nước rồi, nhiều bạn bè quốc tế vẫn thường xuyên liên lạc qua email”, Giang hào hứng kể. Đến giờ, điều khiến Giang nuối tiếc nhất khi du học ở Hawaii là không thể cùng bạn bè dự buổi lễ tổng kết, trao bằng tốt nghiệp thạc sĩ đầy ý nghĩa, do phải về nước sớm hơn dự kiến bởi gia đình có chuyện hệ trọng. “Dẫu sao, điều em mong muốn nhất vẫn là tấm bằng thạc sĩ, kiến thức học được, để không phụ lại sự tin tưởng của cơ quan, người thân ở quê nhà”.
…Đang trò chuyện, Giang bất chợt nhìn đồng hồ, vẻ sốt ruột. Gần 1 giờ chiều. Anh xin phép tạm dừng câu chuyện. “Có gì anh em mình gặp lại sau nhé. Chốc nữa, em phải chuẩn bị tài liệu cho lãnh đạo huyện trong cuộc họp chiều nay”, Giang nói. Ra đến cửa, anh Ngô Thời Mười, Chánh Văn phòng UBND huyện nói nhỏ: “Giang tuy chuyển về huyện công tác chưa lâu (cuối năm 2012 - NV), nhưng lãnh đạo đang xem xét cất nhắc nó sang một vị trí công tác mới đấy. Cậu ấy mà chuyển đi, tôi tiếc lắm!”.
“Đến đâu, em cũng luôn muốn nói với bạn bè quốc tế rằng, Việt Nam mình là đất nước tươi đẹp, hòa bình. Khi về nước rồi, nhiều bạn bè quốc tế vẫn thường xuyên liên lạc qua email”, Giang hào hứng kể.