A Lưới là huyện miền núi với đa phần là đồng bào dân tộc sinh sống. Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bà con sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập bấp bênh, trình độ dân trí không đồng đều. Nhiều gia đình còn nặng tư tưởng “trời sinh voi, sinh cỏ”, phân biệt giới tính nên tình trạng sinh dày, sinh đông vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội... Trước thực trạng ấy, đảng bộ, chính quyền nơi đây đã có chủ trương xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ.
Sinh hoạt Câu lạc bộ "Bản, làng không sinh con thứ ba trở lên" ở huyện ALưới
Công tác dân số ở A Lưới bắt đầu được đẩy mạnh từ sau năm 2000 thông qua việc phối hợp với ngành chức năng mở nhiều đợt truyền thông, đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) về đến vùng đông dân, sinh nhiều và vùng lâu nay chưa tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ. Hằng năm, A Lưới tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông dân số đến cơ sở. Qua mỗi đợt triển khai, nhiều người dân, trong đó có nam giới, nhận thức tốt hơn về công tác dân số, cũng như tham gia thực hiện KHHGĐ ngày càng nhiều.
Chị Phạm Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Dân số huyện A Lưới cho biết, sau khi nghị quyết dân số ra đời, ngoài đẩy mạnh công tác truyền thông, chăm sóc SKSS đến mọi đối tượng người dân, A Lưới tiến xây dựng mô hình “Bản làng không sinh con thứ 3 trở lên”. Qua xây dựng mô hình, nam nữ nằm trong độ tuổi sinh đẻ đã thay đổi nhận thức về công tác dân số. Trong giai đoạn 2001-2005, toàn huyện có 27 thôn với hơn 1.262 cặp vợ chồng đăng ký. Khi tiến hành tổng kết giai đoạn này, A Lưới có 4 cụm dân cư không có người vi phạm cam kết sinh con thứ 3 trở lên được tỉnh khen thưởng. Rút kinh nghiệm, A Lưới tiếp tục xây dựng mô hình “Bản làng không sinh con thứ 3 trở lên” giai đoạn 2007-2011. Nổi bật là củng cố Ban chỉ đạo xây dựng mô hình từ cấp huyện đến xã. Hàng năm, Ban chỉ đạo xây dựng mô hình các cấp tăng cường tổ chức chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi. Các tiêu chí xây dựng mô hình được quy định chặt chẽ hơn và tăng cường sự cam kết của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Kết quả trong giai đoạn 2007-2011, có 9 xã đăng ký toàn xã, 135 thôn của 21 xã, thị trấn đăng ký với tổng số hơn 7.447 cặp vợ chồng tham gia. Đến thời điểm cuối năm 2011, trên toàn huyện có gần 20 cụm, thôn, làng bản xây dựng mô hình đề nghị UBND tỉnh khen thưởng và tặng các công trình phúc lợi. Nhờ xây dựng mô hình, hiện nay, tỷ suất sinh ở ALưới là 20,3 %o, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chỉ ở mức là 13,3%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,57%.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới thừa nhận, với kết quả đạt được trong công tác dân số hiện nay ở địa phương là rất đáng ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ở huyện A Lưới. Tuy nhiên, hiện nay công tác dân số địa phương vẫn còn gặp khó khăn, bởi hiện nay trên địa bàn vẫn còn mang tư tưởng không muốn sinh con “một bề”, thích đông con hơn của và nhiều cặp vợ chồng chưa sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn ở mức cao. Để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức ban, ngành chức năng, các đoàn thể đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông, duy trì việc xây dựng các mô hình giảm sinh, các CLB gia đình hạnh phúc, bình đẳng; thực hiện các chương trình đề án dân số theo mục tiêu quốc gia hàng năm, giúp mọi đối tượng người dân ngày càng ý thức hơn trong công tác DS-KHHGĐ thời gian đến.