A Lưới trong kháng chiến chống Pháp là căn cứ địa bất khả xâm phạm; vì vậy ngay sau khi tiếp quản miền Nam, Mỹ - Diệm đã tăng cường lực lượng để xây dựng bộ máy cai trị của chúng ở miền núi.
Để chống lại âm mưu, thủ đoạn mua chuộc, đàn áp đồng bào các dân tộc của Mỹ - Diệm, tháng 01.1957, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quyết định xây dựng căn cứ địa cách mạng ở miền núi để phát động phong trào đấu tranh chính trị, xây dựng cơ sở và căn cứ địa cách mạng.
Tại A Lưới địch xây dựng nhiều đồn bốt lớn, có cả hệ thống sân bay, trong đó có đồn A So Hương Lâm. Địch mở những chiến dịch vây ráp, càn quét tập trung dân vào ấp chiến lược, xung quanh đồn A So, A Lưới, chúng chiếm đóng đồi A Bia, đồi Béc, Ma Mưng, A Túc…và quản lý rất chặt. Cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc ở A Lưới ngày càng trở nên quyết liệt, trực diện với kẻ thù. Đầu năm 1960, hàng trăm đồng bào xã Hương Lâm đấu tranh quyết liệt, ngăm chặn không cho Mỹ - Diệm bắt thanh niên đi lính. Để phục vụ phong trào đấu tranh, đồng bào đã thành lập trung đội du kích tập trung, thanh niên tích cực tập luyện quân sự, làm chông, bẫy. Điều kiện phát động quần chúng nổi dậy vũ trang khởi nghĩa đã chín muồi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, vùng rừng núi A Lưới đã hình thành các làng xã chiến đấu, lợi dụng địa bàn hiểm trở, với hình thức bố phòng liên hoàn hầm chông bãi mìn đã gây cho địch nhiều tổn thất. Căn cứ cách mạng được giữ vững, phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ. Từ khí thế phong trào lên cao, Đồng khởi miền núi ngày 18 tháng 10 năm 1960 đã giành thắng lợi, tiêu diệt 15 đồn bốt địch, diệt các tên Việt gian ác ôn. Từ chỗ chỉ làm nhiệm vụ chống địch càn quét, nhưng đến năm 1962 - 1965 lực lượng du kích đã phối hợp với bộ đội địa phương đánh 3677 trận, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, bắn rơi 21 máy bay. Ngày 09.01.1965 quân địch ở đồn A Lưới phải rút khỏi vị trí, tháng 05 năm 1965 địch ở đồn A Co tháo chạy.
Năm 1965, giữa lúc tình hình ngụy quân, ngụy quyền không đủ sức đương đầu với thế tiến công của cách mạng miền Nam, Tổng thống Mỹ Giôn - xơn quyết định trực tiếp đưa quân vào tham chiến và leo thang chiến tranh phá hoại ở miền Bắc bằng không quân, hải quân. Ở các tỉnh thuộc Khu 4 từ tháng 4/1965, địch chuyển sang đánh cắt giao thông, liên tục oanh tác dữ dội toàn bộ hệ thống cầu, cống, bến phà và phương tiện vận tải trên đường số 1.
Ngày 27.2.1965, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã phân tích toàn bộ tình hình trong nước và thế giới, đánh giá tương quan lực lượng giữa địch và ta, hạ quyết tâm chiến lược “động viên cả nước, kiên quyết đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”. Hội nghị kêu gọi toàn Đảng, toàn dân trên khắp hai miền của Tổ quốc: “phải có tinh thần chiến đấu cao, dũng cảm phi thường, phải có chí khí anh hùng và quyết tâm dời non lấp biển, đạp bằng bất cứ trở ngại nào, đánh bất cứ kẻ thù nào”.
Trong bối cảnh đó, Sư đoàn 325B được thành lập tháng 2.1965 tại Quảng Bình. Sư đoàn được tổ chức biên chế đầy đủ 03 trung đoàn bộ binh và các binh chủng trực thuộc. Bộ Tư lệnh Sư đoàn có đồng chí Thượng tá Quốc Tuấn làm Chính ủy; Thượng tá Vương Tuấn Kiệt làm Sư đoàn trưởng; Thượng tá Trần Văn Trân - Sư đoàn phó; Thượng tá Trần Xuân Lư - Phó Chính ủy; Trung tá Lê Hữu Đức - Tham mưu trưởng; Trung tá Thái Bá Nhiệm - Chủ nhiệm chính trị; Thiếu tá Nguyễn Mậu Đạt - Chủ nhiệm hậu cần.
Tháng 11.1965 tại Bộ Tư lệnh Quân khu 4, đồng chí Lê Trọng Tấn - Tổng tham mưu phó trực tiếp giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325B “tiêu diệt cụm cứ điểm A So, giải phóng miền Tây Thừa Thiên Huế mở rộng hành lang Tây Trị - Thiên”. Tháng 12.1965 Sư đoàn hành quân vào chiến trường. Ngay từ đầu, việc chuẩn bị hậu cần gặp rất nhiều khó khăn. Việc tập kết lực lượng vào khu vực chiến đấu phải qua nhiều núi cao, khe sâu hiểm trở của Cô Bồi, A Rum, Bia Ây mới tiếp cận được. Do hoạt động của lực lượng du kích địa phương ngày càng phát triển và để kết hợp và phát huy tối đa chỗ mạnh của xe tăng cơ giới, máy bay lên thẳng đổ quân càn quét, đồng thời sử dụng máy bay, pháo binh bắn phá căn cứ và vùng giải phóng của ta từ giữa năm 1960, dựa vào ưu thế về quân số, hỏa lực, sức cơ động và khả năng bảo đảm hậu cần, địch đã chuyển từ chốt lẻ sang chốt từng cấp tiểu đoàn hình thành cụm tác chiến mạnh trong khu vực, các vị trí đóng chốt ở A Lưới và A Co được rút co cụm về A So.
Đây là một cứ điểm mạnh với lực lượng một tiểu đoàn biệt kích đóng biệt lập xa dân, ta không có cơ sở nội tuyến nên không nắm được tổ chức lực lượng và công sự bố trí bên trong của địch. Ta phải tổ chức nắm quy luật hoạt động bên ngoài của các toán biệt kích lùng sục và đã tổ chức tập kích tiêu diệt gọn một trung đội biệt kích ngoại trú trong đêm cách đồn 1km để bắt tù binh khai thác. Trận này do đồng chí Trần Duy Uynh - chủ nhiệm trinh sát sư đoàn trực tiếp chỉ huy. Qua khai thác ta đã hiểu được bố trí binh hỏa lực và các quy luật đối phó từ xa của địch tạo điều kiện cho các mũi, các hướng tiền nhập chuẩn bị phương án tác chiến tương đối kỹ lưỡng.
Chiến dịch càng được triển khai, càng gặp khó khăn lớn về việc bảo đảm hậu cần. Khó khăn nhất là lượng lương thực dự trữ tại chỗ không có, toàn bộ phải dựa vào chi viện từ hậu phương lớn qua đường trục 559. Do địch đánh phá ác liệt, binh trạm chỉ chuẩn bị được vài chục tấn lương thực cho nên việc bảo đảm cho Sư đoàn tác chiến khó khăn. Trong quá trình chuẩn bị chiến đấu Sư đoàn phải triển khai lực lượng làm nhiệm vụ vận chuyển từ trục 559 vào vị trí chiến đấu vừa phải rút tiêu chuẩn bộ đội từ 7 lạng gạo xuống 5 lạng, rồi 3 lạng vừa động viên bộ đội đào khoai mài, lấy cây môn thục và rau rừng ăn bổ sung để tiếp tục tiến hành công tác chuẩn bị. Đây là thử thách đầu tiên đối với các cán bộ chiến sĩ khi mới bước chân vào chiến trường.
Ban cán sự miền Tây của Tỉnh ủy Thừa Thiên do đồng chí Biên - Trưởng ban và đồng chí Đoàn Văn Dương làm Phó ban phụ trách quân sự đã động viên đồng bào các dân tộc thu hoạch những nương sắn cuối cùng của mình để tiếp tế cho bộ đội, các trung đội du kích quận (tương đương huyện) và xã đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội trong quá trình chuẩn bị chiến trường. Sau hơn một tháng chuẩn bị, khi lực lượng vào tập kết ở khu chiến thì trên tăng cường thêm chỉ huy và lực lượng. Đại tá Vũ Lang - Tư lệnh phó Quân khu 4 được chỉ định làm Tư lệnh mặt trận, đồng chí Vương Tuấn Kiệt làm Phó tư lệnh, đồng chí Trần Văn Trân - Sư đoàn phó làm tham mưu trưởng, đồng chí Uynh làm tham mưu phó, cơ quan chính trị, hậu cần không thay đổi.
Bộ tổng tham mưu bổ sung Trung đoàn 88 do đồng chí Trọng - Thiếu tá là Trung đoàn trưởng tăng cường cho Sư đoàn.
Kế hoạch tiêu diệt cứ điểm A So là bí mật bất ngờ đột phá công kiên, nhưng tình hình đột xuất là trước khi nổ súng một ngày, Bộ tổng tham mưu điện thông báo cho Sư đoàn: Kế hoạch đánh A So đã bị lộ do 2 chiến sĩ trinh sát của Trung đoàn 95 bị bắt đã đầu hàng khai báo, do đó địch đã đối phó bằng cách điều 2 đại đội biệt kích người Nùng từ Huế lên để tăng viện cho A So. Bộ tư lệnh Mặt trận quyết định vẫn giữ quyết tâm tấn công tiêu diệt cứ điểm nhưng điều chỉnh kế hoạch. Ngày 10/3 Trung đoàn dùng cối 120, DKZ tiến hành tập kích hỏa lực và bắn phá công sự từ đêm trước và bắn cầm canh suốt cả ngày hôm sau, làm cho trận địa của chúng bị hư hại, binh lính nhiều tên chết và bị thương. Qua đài kỹ thuật, ta biết chỉ huy và binh lính trong đồn hoang mang kêu cứu. Tối 10.3 Bộ tư lệnh mặt trận quyết định ra lệnh ho Trung đoàn 95 chiếm lĩnh trận địa và nổ súng tấn công.
Bộ đội ta qua huấn luyện lần đầu tiên vào tác chiến, phải tấn công một cứ điểm kiên cố, chướng ngại vật dày đặc, kéo dài, nhưng tinh thần dũng cảm, người này ngã, người khác lao lên. Tại cửa mở địch lợi dụng tường hộp phát huy hỏa lực và ném lựu đạn ngăn chặn quân ta, tuy thương vong nhiều nhưng anh em vẫn kiên quyết đánh địch, bám trụ cửa mở tạo điều kiện cho các phân đội thọc sâu vượt lên đánh chiếm trung tâm. Quân địch mặc dù hoang mang nhưng được tăng cường lực lượng biệt kích Nùng thiện chiến rất ngoan cố đã dựa vào công sự trận địa giành giật với ta từng đoạn hào, từng lô cốt. Trời đã sáng ta vẫn chưa dứt điểm được, máy bay địch lồng lộn bắn phá yểm trợ cho bộ binh chúng đóng ở trong đồn. Cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt đến 10 giờ ngày hôm sau 11.3.1966 thì ta tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn trận địa.
Một bộ phận quân địch tháo chạy lên phía Bắc hòng thoát thân bằng trực thăng đã bị Trung đoàn 101 tiêu diệt và bắt sống. Tin vui thắng trận lan nhanh, bộ đội địa phương dân quân du kích quận 3, quận 4 và các xã Hồng Hạ, Hồng Bắc, Hương Lâm thi nhau truy lùng bắt sống từ binh và giúp bộ đội thu dọn chiến trường, thi hành chính sách thương binh liệt sĩ.
Sư đoàn 325B đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với quyết tâm đánh thắng trận đầu, diệt gọn 1 tiểu đoàn và 2 đại đội biệt kích ngụy gần 1000 tên địch, thu toàn bộ vũ khí trang bị giao lại cho địa phương xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, bắt 150 tù binh, giải phóng hoàn toàn vùng A So, A Lưới của miền Tây Thừa Thiên.
Với chiến thắng A So, miền núi Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng và trở thành căn cứ địa kháng chiến của tỉnh và của cả nước, một trong những căn cứ thuộc hệ thống đường chiến lược 559 của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tạo thành một vùng chiến lược quan trọng, bảo đảm cho đường Hồ Chí Minh thông suốt an toàn.
Chiến thắng A So tạo đà cho cuộc kháng chiến của nhân dân trong tỉnh ngày càng giành thắng lợi to lớn. Đó là tiềm lực, sức mạnh của cuộc kháng chiến, đó cũng là đóng góp của đồng bào các dân tộc cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Nhân dân miền núi đã kiên cường chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, đánh giặc, cứu nước, lập nên bao chiến công hiển hách xứng đáng với A Lưới anh hùng, miền Tây anh hùng.
Trần Nguyễn Khánh Phong (giới thiệu và sưu tầm)
[1]: Đại tá, Nguyên Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 325B.
[2]: Nguyên cán bộ công tác chiến Sư đoàn.