Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Những ngày đầu ở cửa ngõ đường Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 18/01/2012

                                                                                                                                                                                                    NGUYỄN VẠN

Trần Nguyễn Khánh Phong (giới thiệu và sưu tầm)
 
Lời giới thiệu:Đồng chí Nguyễn Vạn còn có tên là Lê Bốn, Phùng Lưu; sinh ngày 19/08/1916 tại xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, mất ngày 26/03/2005, là người chiến sĩ cách mạng kiên trung suốt đời tận tụy với Đảng, thủy chung với dân. Nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (1966, 6. 1971 - 2. 1974). Đồng chí có nhiều năm tháng hoạt động cách mạng ở vùng núi Thừa Thiên Huế, nhân dịp kỷ niệm 52 đường Hồ Chí Minh qua địa phận Thừa Thiên Huế, chúng tôi sưu tầm bài viết “Những ngày đầu ở cửa ngõ đường Hồ Chí Minh”, bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng, số 2(30), 1990, để thấy được một giai đoạn cam go, thủ thách của nhân dân Việt Nam trong quyết tâm đã đánh thắng được giặc Mỹ xâm lược.

                 Đường Thống Nhất Trung ương là đường Trường Sơn có từ trong kháng chiến chống Pháp và tên gọi là “đường mòn Hồ Chí Minh”. Tên gọi đường Thống Nhất Trung ương là thể hiện ý chí sắt đá và quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta.

          Chiến trường Trị Thiên - Huế ở vào vị trí “cửa ngõ” đường Trường Sơn. Trên địa bàn “cửa ngõ” này, đế quốc Mỹ xâm lược với cố gắng cao nhất đã tập trung lực lượng, binh khí kỹ thuật xây dựng hệ thống căn cứ chia cắt, ngăn chặn bằng nhiều tầng, nhiều tuyến ở bắc nam đường 9 với cái tên là hàng rào điện tử Mắc - na - ma - ra; đồng thời chúng liên tục ngày đêm hành quân càn quét, đánh phá, rải thảm bom B.52, chất độc hóa học nhằm thực hiện ý đồ “thắt cuống họng đường Trường Sơn” để cô lập tiền tuyến lớn với hậu phương lớn. Nhưng đế quốc Mỹ và tay sai đã hoàn toàn thất bại. Đảng bộ và quân dân Trị Thiên đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh giữ vững mạch máu giao thông liên lạc nối liền hai miền Nam - Bắc, bảo đảm cho đường Trường Sơn luôn luôn thông suốt, liên tục.
          Trước khi lên đường vào Nam, chúng tôi đã được gặp Bác và được Bác dặn dò: “Đi đường phải giữ gìn sức khỏe, phải cố gắng khắc phục khó khăn gian khổ, phải bảo đảm tuyệt đối an toàn bí mật, tuyệt đối không được mang theo tài liệu quan trọng”. Hành trang vật chất thì phải thật gọn, nhẹ, nhưng lại phải có đủ các thứ cần thiết để tự mình đảm đương việc ăn, ngủ, phòng bệnh trong những ngày đi đường. Vì vậy việc chuẩn bị hành lý đi đường có ý nghĩa rất thiết thân, rất quan trọng trước khi lên đường vào Nam.
          Lúc này chưa có chế độ cấp phát đầy đủ, chủ yếu là mình tự lo liệu. Ủy ban Thống nhất Trung ương cấp cho mỗi người một chiếc võng ka ki, một chiếc màn vải xô, hai bộ quần áo bà ba vải đen, hai bộ quần áo lót, một tấm ny lông làm tăng, một tấm ny lông làm áo đi mưa, một đôi dép cao su, một gói thuốc và bông băng, một gói mỳ chính, một gói nước mắm cô đặc, một chiếc ba lô và cấp cho mỗi người một số tiền để tự mua sắm thức ăn vật dụng khác. Những thứ Ủy ban Thống nhất cấp quá nặng, tôi phải đi chợ giời mua vải dù, màn tuyn, lụa đen để thay thế. Tôi còn phải mua thêm một chiếc soong vuông để tự nấu ăn, một chiếc bi đông nhôm để mang theo nước uống, một chiếc đèn pin, hai đôi pin, hai chục viên đá lửa và một máy lửa, một ít xà phòng, kem, bát, khăn lau mặt…Vợ tôi một người phụ nữ đảm đang, chuẩn bị cho tôi một gói thịt ruốc bông, một gói muối tiêu, một gói đường, một gói bột đậu xanh làm lương khô, một bao gạo tám 5kg. Anh Thái giám đốc Công ty xuất khẩu nông sản - người bạn thân, đoán biết tôi đi Nam đã giao cho tôi một chiếc rađiô mắc Tô - si - ba (Nhật). Anh Trần Quý Hai, Phó Tổng tham mưu trưởng - thủ trưởng cũ của tôi, cho tôi hai tấm bản đồ Trị Thiên - Huế, một chiếc la - bàn; một súng ngắn Col 12 (Col douze). Tất cả khoảng 20kg. Lúc đó tôi mới 43 tuổi, có đủ sức tự mang vác, tự lo liệu ăn ngủ trong thời gian đi đường. Những năm sau cán bộ đi B được trang cấp đầy đủ theo chế độ của Ủy ban Thống nhất Trung ương.
          Mọi việc chuẩn bị đã xong. Nhưng kinh nghiệm đi đường như thế nào tôi còn băn khoăn. Tôi nghĩ rằng: mình phải tìm hiểu kinh nghiệm đi đường Trường Sơn, nhất là kinh nghiệm vượt qua các tuyến ngăn chặn của Mỹ ở vùng giới tuyến và đường 9, để đi đến nơi được an toàn, bí mật. Đi đến nơi an toàn là thắng lợi ban đầu. Tôi đến nhà khách của Ban Thống nhất Trung ương ở đường Quan Thánh tìm gặp cán bộ miền Nam mới ra Hà Nội để hỏi kinh nghiệm đi đường. Rất may là gặp được đồng chí Quý, phụ trách giao liên ở Thừa Thiên - Huế mới ra Hà Nội để chữa bệnh. Anh Quý là một cán bộ giao liên hồi kháng chiến chống Pháp, kiên cường bám trụ ở miền Nam. Sau một lúc nói chuyện thân mật với nhau về phong trào của quê nhà, về tình hình đồng chí, đồng đội trong Nam ngoài Bắc, về gia đình, về sức khỏe…tôi mới nói cho anh biết: vài hôm nữa tôi sẽ trở về quê nhà công tác, tôi muốn hỏi anh kinh nghiệm đi đường. Anh vui vẻ nói cho tôi biết tình hình địch, ta, nội quy đi đường và những kinh nghiệm rất thiết thực, rất bổ ích. Anh nói: “cần phải đi theo đường Thống nhất Trung ương, đường này bảo đảm an toàn hơn”.
          Tôi ngạc nhiên hỏi: Thế thì anh đi ra đường nào?
          Anh trả lời: Tôi đi xe theo đường liên tỉnh ở giáp ranh giữa đồng bằng với miền núi Trị Thiên. Đường này gần hơn, ít dốc núi, nhưng rất gần địch, nói đúng hơn là đi luồn lách ở trong vùng địch, đi lại khó khăn, gay go lắm, không đảm bảo an toàn cho các đoàn cán bộ đông người, mang vác nặng. Anh kể cho tôi nghe kĩ về con đường liên tỉnh. Đường này đã có từ trong kháng chiến chống Pháp, nối liền Liên khu 4 với Liên khu 5 và thông suốt cả toàn quốc. Đường xuyên qua các chiến khu Lương Miêu, Dương Hòa, Trò Trái, Hòa Mỹ, Ba Lòng, Cùa rồi vượt qua đường 9, đi ra miền núi Quảng Bình. Các anh Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh…đã đi ra đi vào trên con đường Trường Sơn này. Từ có Hiệp định Giơ - ne - vơ đến nay, các tỉnh ủy Trị Thiên - Huế quyết tâm giữ vững con đường giáp ranh này, bảo đảm thông suốt liên tục từ căn cứ của Liên khu ủy 5 đến các căn cứ của các huyện ủy phía nam, phía bắc Thừa Thiên và Quảng Trị ra đến đặc khu ủy của Vĩnh Linh để vận chuyển công văn, thư từ, báo chí và đưa đón cán bộ đi lại hoạt động ở các huyện đồng bằng thành phố trên địa bàn liên tỉnh Trị Thiên - Huế. Đường này thường xuyên phục vụ cho sự chỉ đạo của Ban cán sự liên tỉnh, các tỉnh ủy, thành ủy thông suốt đến các huyện, quận và cơ sở. Nhưng hiện tại đường này gian khổ, ác liệt lắm, căng thẳng lắm. Bọn thám báo, biệt lích Mỹ - Diệm cải trang làm thợ rừng, thường xuyên lùng sục để tìm dấu vết đường giao liên bí mật của ta, chúng thường xuyên phục kích ở các trục đường mà chúng nghi ngờ có giao liên đi lại để bắt cán bộ, lấy tài liệu. Để bảo đảm bí mật, an toàn, khẩu hiệu của anh chị em giao liên là: “Đi không dấu; nấu không khói; nói không lời; ở không nhà; đi tiêu không hôi”. Toàn tuyến đường có 10 trạm, mỗi trạm có 3 hoặc 4 cán bộ chiến sĩ Anh chị em giao liên phải cải trang làm thường dân đi rừng, cán bộ đi lại hoạt động cũng phải cải trang như giao liên. Đã cải trang rồi, mà cũng phải tìm cách tránh né thám báo biệt kích, tránh né cả đồng bào đi làm rừng vì thường có thám báo địch xen vào trong thường dân. Cứ hai ngày đi trực một chuyến, đi theo đường bí mật, đến chỗ hẹn bí mật thì làm mật hiệu để bắt liên lạc giữa giao liên hai trạm. Trường hợp đường bị lộ, thì trinh sát đã làm dấu hiệu riêng để cho giao liên các trạm biết và chuyển sang đường dự bị. Ban đêm giao liên tìm chỗ kín để nấu ăn, mắc võng để ngủ. Chưa sáng đã phải dậy, cất giấu kĩ đồ đạc, xóa hết dấu vết, rồi cải trang đi làm rừng. Địch dùng mọi thủ đoạn nham hiểm để cắt đứt đường này nhưng chúng không làm được. Đường liên tỉnh Trị Thiên nối liền Nam Bắc vẫn thông suốt. Nhưng không bảo đảm an toàn cho các đoàn cán bộ vào Nam, ra Bắc, vì các đoàn đi đông người, mang vác nặng, chưa quen đi lại trên con đường đầy gian nan, nguy hiểm này. Do đó cuối năm 1956, Liên tỉnh Trị Thiên đã mở đường Trường Sơn mới gần biên giới Việt - Lào để nối liền hai miền Nam Bắc. Đường này gọi là đường Thống nhất Trung ương. Đường đi dọc phía đông dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, phía tây hệ thống căn cứ biên phòng Mỹ - ngụy ở Năm Đung, Khe Tre, A Nhựt, A Xo, A Lưới, Tà Rụt… Có những đoạn đường đi sát căn cứ địch, nhưng vẫn bảo đảm an toàn, vì có các bản làng đồng bào các dân tộc bảo vệ, có rừng núi trùng điệp. Năm 1957 đã đưa gần 1000 cán bộ các tỉnh Liên khu 5 bị kẹt lại ở miền núi Thừa Thiên ra miền Bắc an toàn. Cũng năm 1957 Ban chấp hành Liên khu ủy 5 và nhiều cán bộ trung cao cấp đi ra miền Bắc họp hội nghị theo con đường này. Đến nay đường Thống nhất Trung ương đã được củng cố vững chắc, bảo đảm thông suốt liên tục, có khả năng bảo đảm cho những đoàn cán bộ đông người đi vào Nam, đi ra Bắc được bí mật an toàn.
          Ở Trị Thiên có 2 đường nối liền 2 miền Nam Bắc: đường liên tỉnh ở giáp ranh thường gọi là đường dưới; đường Thống nhất Trung ương ở phía đông Trường Sơn thường gọi là đường giữa. Tháng 7 - 1959 thi hành chủ trương của trung ương tôi cùng Đảng bộ miền núi Thừa Thiên tổ chức thêm đường giao thông vận tải quân sự ở phía Tây Trường Sơn gọi là đường 559. Cả 3 con đường chiến lược này đều là hệ thống đường Trường Sơn được vinh dự mang tên đường Hồ Chí minh.
          Thế là tôi đi vào Nam theo đường Thống nhất Trung ương. Sau đây là hành trình của tôi đi vào Nam, qua “cửa ngõ” đường Hồ Chí Minh.
          Đây là một cuộc hành trình đầy khó khăn gian khổ, mà cũng là một cuộc hành trình rất thú vị trong quá trình hoạt động cách mạng của tôi.
          Vào một ngày đầu tháng 6 - 1959, Ban Thống nhất Trung ương cho xe ô tô con đưa chúng tôi vào Vĩnh Linh. Cùng đi một chuyến với tôi có anh Nguyễn Hưng được Trung ương điều động vào tăng cường cho Ban lãnh đạo Liên tỉnh Trị Thiên - Huế, và bổ sung vào Thường vụ Liên khu ủy 5; anh Lê Thành Hinh bổ sung vào Tỉnh ủy Thừa Thiên; anh Phan Thanh Pha vào làm Chánh văn phòng Liên tỉnh; anh Hậu vào Thường vụ Huyện ủy Phú Lộc. Cùng đi còn có 6 cán bộ trinh sát đặc công vào làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang và chiến đấu ở thành phố Huế. Đoàn đồng chí Tư Minh, Phó bí thư Liên khu ủy 5, Bí thư Ban cán sự liên tỉnh Trị Thiên - Huế, đồng chí Hà (Lén) Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên và Thành ủy Huế đi vào Nam trước chúng tôi một tuần lễ.
          Chúng tôi ở lại Vĩnh Linh một ngày. Đồng chí Hồ Sĩ Thảng, Bí thư Đảng ủy Đặc khu Vĩnh Linh và các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy đón tiếp chúng tôi rất niềm nở, đầy tình nghĩa.
          Gần tối, đồng chí Du, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy phụ trách giao liên đi vào Nam đưa chúng tôi đi bằng xe ô tô, theo đường Bãi Hà, ngược lên miền núi Vĩnh Linh, nghỉ lại một ngày ở trạm Khe Hó. Tại đây, mỗi người phải chuẩn bị mấy gói cơm nắm, đủ ăn 2 ngày để vượt qua các tuyến ngăn chặn của quân Mỹ ở nam bắc đường 9 – Vì đoạn đường này không có trạm dừng chân, không có chỗ nấu ăn, phải đi suốt cả ngày đêm mới vượt qua khỏi đường 9. Ở vùng này đã có đồng bào dân tộc Vân Kiều giả dạng đi làm rừng bám sát khu vực từ nguồn sông Bến Hải đến đường 9 để nắm tình hình hoạt động của địch, và thường xuyên đưa tin tức đến trạm Khe Hó.
          Hôm sau, ba người giao liên đưa chúng tôi đi. Một người đi trước để bắt liên lạc với đồng bào và làm trinh sát; một người đi sát đoàn chúng tôi để dẫn đường; một người đi sau cũng để xóa hết dấu vết đi đường. Nếu gặp trở ngại thì đã có trinh sát báo mật hiệu cho đoàn dừng lại hoặc trở lùi. Lúc này là mùa hè, nguồn sông Bến Hải khô kiệt. Chúng tôi vượt qua sông một cách thuận lợi. Qua khỏi sông chúng tôi theo sát giao liên, lặng lẽ tiến bước trong rừng cây non; vừa đi vừa lắng nghe tiếng động, vừa quan sát hai bên đường; đi mãi, đi mãi, ai cũng thấm mệt; mồ hôi ướt cả áo, nhưng ai cũng biểu lộ quyết tâm cao. Thỉnh thoảng đồng chí giao liên cho nghỉ chân một lát. Đến một chỗ có con suối nhỏ, cây cối che kín, theo lệnh của đồng chí giao liên, chúng tôi dừng chân, phân tán vào suối nhỏ, ngồi nghỉ trưa, lặng lẽ ăn cơm nắm, uống nước chè đã mang theo. Nghỉ một lát, rồi đứng dậy xóa hết dấu vết, tiếp tục đi. Đến gần đường 9, trời chưa tối, phải phân tán vào những chỗ rừng rậm để ngồi nghỉ, tranh thủ ăn cơm nắm để có đủ sức đi đêm. Ăn xong mọi người im lặng, chuẩn bị gọn gàng, chờ đến tối để vượt qua đường 9 và sông Đắckrông. Gần tối đồng chí giao liên dẫn chúng tôi luồn vào một con suối đá. Con suối này đổ xuống đường 9, có cây cối um tùm che kín. Dọc suối có những ghềnh đá dốc đứng đầy rêu, rất trơn, nếu bị trượt chân là mất mạng. Người nào cũng phải vận dụng hết khả năng và sức lực, có khi phải nín thở mới khỏi trượt chân, mới không gây nên tiếng động. Gần sát đường 9 thì trời đã tối hẳn. Đồng chí giao liên ra tín hiệu dừng lại. Mọi người chuẩn bị để vượt qua đường 9 và sẵn sàng chiến đấu. Kế hoạch chiến đấu, mật khẩu hướng rút lui đã chuẩn bị trước. Ngồi trong lùm cây, nhìn xuống mặt nước sông Đắckrông chạy sát đường 9, tôi thấy một chiếc thuyền độc mộc có hai người đang bủa lưới đánh cá, có ngọn đèn dầu leo lét, có tiếng gõ còng còng. Một lát sau đèn tắt, không nghe tiếng gõ còng còng nữa. Đồng chí giao liên ra hiệu cho chúng tôi đi theo dòng suối, tiến nhanh ra đường 9, không trèo lên mặt đường, mà luồn qua dưới chiếc cầu ngắn, nói đúng hơn là luồn qua cống, rồi theo dòng nước suối, tiến thẳng ra bờ sông. Hai người đánh cá mình trần, lội dưới nước, nhẹ nhàng ép sát con thuyền độc mộc vào bờ. Chúng tôi lặng lẽ bước vào thuyền ngồi sát lưng nhau. Hai người đánh cá vẫn lội dưới nước, đẩy nhanh thuyền qua sông, ép sát thuyền vào bờ phía nam để cho khách lên bờ. Phải hai lần như vậy mới hết đoàn qua sông – hai lần nhưng rất nhanh, chỉ trong vài phút. Không hiểu vì sao mà lúc này động tác của chúng tôi lại trở nên nhanh nhẹn đến thế.
          Chúng tôi lên bờ thì đã có hai đồng chí ở trạm giao liên phía nam đường 9 đón chúng tôi, dẫn chúng tôi đi vào cửa một con suối, rồi theo dòng suối đi vào từng sâu. Tôi đi sau cũng với một đồng chí giao liên, quay mặt nhìn lại phía bờ sông thì thấy ông già đánh cá cầm một cành cây kéo qua, kéo lại trên bãi cát để xóa hết dấu chân.
          Về sau tôi mới biết con suối chúng tôi đi vào rừng là Khe Mò Ó. Trạm phía nam đường 9 dựa vào đồng bào dân tộc Vân hiều ở làng Mò Ó và các bản làng ở hai bên đường 9 để mở đường và bảo vệ đường. Đồng bào Vân kiều ở hai bên đường 9, lợi dụng thế hợp pháp của mình để bám sát địch, bám sát đường, đưa đón cán bộ và giao liên bí mật qua lại đường 9 bảo đảm an toàn…Đồng bào mở nhiều đoạn đường bí mật, luồn qua nhiều dòng suối khác nhau, và luôn luôn thay đổi đầu mối qua lại đường 9 để tránh địch phát hiện. Ông già đẩy thuyền cho chúng tôi qua sông là ông Võ Hới. Có lần ông bị địch bắt, bị chúng tra tấn đến gần chết, ông kiên quyết chịu đựng, không khai báo cho địch biết bí mật của đường giao liên. Ở làng Riêu có ông già Nầm đã anh dũng hy sinh, kiên quyết không khai báo một lời cho địch. Ở làng Bờ - Ru có ông già Lửa bị địch tra tấn đến cực hình, vẫn không khai báo nửa lời.
          Vào Khe Mò Ó, chúng tôi bám sát giao liên, bám sát lưng nhau, ngược theo dòng suối, tiến bước vào nam. Vừa mang nặng, vừa mò đường trong đêm tối ở trong rừng sâu, lại phải bước chân trên những mỏm đá gập ghềnh, nên ai nấy đều quá mệt, quá mỏi chân, có người vấp phải đá bị đau chân, nhưng không một ai muốn dừng lại, ai cũng cố gắng đi xa đường 9.
          Đi được hai tiếng đồng hồ, đã cách xa đường 9, đồng chí giao liên cho chúng tôi dừng chân, tạm nghỉ ở một chỗ suối rộng, ít bị cây cối che khuất, có ánh sáng lờ mờ. Thế là đã qua khỏi tuyến lửa, ai cũng mừng thầm. Đồng chí giao liên cho tôi biết: đường khe Mỏ Ó không phải là đường duy nhất, hôm nay đi đường này, tối mai đi đường khác. Nghỉ một lát, nhai mấy viên thuốc polyvitamine, uống ngụm nước, rồi lại tiếp tục đi. Đồng chí giao liên cho phép bấm đèn pin, chúi đầu bóng đèn xuống đất để có ánh sáng mà bước đi cho nhanh. Đi một lúc thì được nghỉ mấy phút rồi lại tiếp tục đi. Khoảng một giờ đêm thì đến trạm. Gọi là trạm mà không có lều trại, chỉ là một chỗ dừng chân, treo võng để ngủ. Tờ mờ sáng đã phải dậy, thu xếp hành lý thật gọn, ngụy trang chỗ ngủ thật chu đáo, không còn một tý dấu vết, ăn cơm nắm, rồi tiếp tục cuộc hành trình đi vào phía nam Quảng Trị. Trạm phía nam Quảng Trị đóng không xa căn cứ Tà Rụt của Mỹ, nhưng nhân dân ở vùng này đã giành được quyền làm chủ, bảo vệ an toàn đường giao liên và các cơ quan. Cơ quan Huyện ủy Hướng Hóa mật danh là Mông Cổ cũng đóng ở vùng này. Các anh Nguyễn Hưng, Phan Thanh Pha dừng lại ở đây để làm việc với Huyện ủy Hướng Hóa. Tôi và đồng chí Hinh tranh thủ đi tiếp vào Thừa Thiên để kịp họp Tỉnh ủy. Đồng chí Hậu và đội đặc công Huế cùng đi vào Thừa Thiên. Đi suốt cả ngày hơn 10 tiếng đồng hồ mới đến trạm đầu của bắc Thừa Thiên đóng tại làng Pêker. Trạm này cũng ở gần căn cứ Tà Rụt của Mỹ. Đồng chí Tám trạm trưởng đã được Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ đón chúng tôi và đưa vào chỗ Tỉnh ủy đang họp. Tưởng là đã gần đến nơi, hóa ra là phải đi 5 ngày nữa mới đến trạm trực của văn phòng Tỉnh ủy. Chúng tôi quyết tâm đi đến nơi trước khi Hội nghị Tỉnh ủy bế mạc. Chúng tôi biết Hội nghị mở rộng đang học tập Nghị quyết 15 của Trung ương, nên còn thời gian để được gặp Tỉnh ủy. Từ trạm của đồng chí Tám chúng tôi đi vào trạm của đồng chí Lực người dân tộc Pacô đóng ở làng A Năm; vào trạm đồng chí Giảng và đồng chí Tuệ đóng ở làng Pi Cây, vào trạm đồng chí Kéo đóng ở làng Con Tum; vào trạm đồng chí Thiên và đồng chí Huấn đóng ở làng A Rom; vào trạm đồng chí Sáu đóng ở làng La Hia. Trạm đồng chí Sáu là trạm cuối phía nam Thừa Thiên. Trạm này liên lạc thường xuyên với trạm trực của văn phòng Tỉnh ủy và hằng ngày liên lạc với trạm đầu của Quảng Nam - Đà Nẵng đóng ở gần A Tép.
           Thế là tôi đã đi qua đoạn đường Thống nhất Trung ương trên địa bàn Quảng Trị - Thừa Thiên gồm 10 trạm, mỗi trạm một ngày đi đường rừng. Mỗi trạm ở Thừa Thiên có 8 đến 10 cán bộ chiến sĩ, đại đa số là thanh niên các dân tộc Pacô, Cơtu, Tà ôi, Vân Kiều. Mỗi trạm chỉ có một, hai cán bộ người Kinh. Mỗi ngày đưa đón trên dưới 10 cán bộ đi vào, đi ra; vận chuyển trên dưới một tạ hàng dân dụng thiết yếu từ miền Bắc đưa vào. Hàng quân sự vận chuyển trên tuyến đường mới, đường 559. Đoạn đường có một Ban chỉ huy do đồng chí Mãi Bình là Trưởng ban, đồng chí Tám và đồng chí Cu Đung người dân tộc - đồng chí Mãi Bình tức Quyên quê ở làng Bàn Môn, đã làm liên lạc bí mật hồi tiền khởi nghĩa, làm giao liên trong kháng chiến chống Pháp, ở lại miền Nam, làm giao liên trong kháng chiến chống Mỹ, đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giao liên. Chi bộ đoạn đường này có 20 đảng viên, có Ban chi ủy 5 đồng chí. Anh chị em vừa làm giao thông vận tải; vừa làm công tác vận động quần chúng, vừa làm nương rẫy trồng lúa, ngô, sắn, chăn nuôi heo gà để tự túc hoàn toàn lương thực, thực phẩm. Tiền phụ cấp thì anh em gửi cho đồng bào hợp pháp đi về chợ Tuần quận Nam Hòa mua các nhu yếu phẩm như muối, ruốc, giấy, mực, dầu đèn, vải, áo quần, ny lông đi mưa, dép cao su, đèn pin, pin, xà phòng, kem, bát, kim chỉ…Nhất là rựa, rìu, cuốc, cúp để sản xuất và làm lán trại. Gạo cấp phát cho cán bộ vào Nam ra Bắc đi trên đường mỗi ngày một người ba lon sữa bò, kể cả ngày nghỉ. Thường vụ Tỉnh ủy giao cho các trạm một số tiền miền Nam để mua gạo cấp phát cho cán bộ đi đường, lúc đó giá mỗi gùi gạo 60 lon là một trăm đồng tiền miền Nam. Ngoài ra, còn vận động đồng bào dân tộc bán gà, heo cho các đoàn cán bộ đi đường.
          Về mặt bảo vệ thì các trạm trên tuyến đường Trường Sơn ở Thừa Thiên không gay go, ác liệt như các trạm ở hai bên đường 9 Quảng Trị, nhưng hệ thống đường và trạm đều ở gần các căn cứ A Lưới, A Xo, A Xàng, Tà Rụt của Mỹ. Chúng thường xuyên càn quét, lùng sục, tung thám báo biệt lích giả danh thương lái, làm trầm hương, đi vào rừng sâu để tìm đường giao thông, cơ quan, kho tàng của ta. Cán bộ chiến sĩ giao liên đã quyết tâm vận động và tổ chức đồng bào các dân tộc đoàn kết đấu tranh bảo vệ an toàn hành lang giao thông vận tải. Một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác, hết lòng tôn kính Bác. Đồng bào đã gắn bó chặt chẽ với các trạm giao liên; lôi kéo được hầu hết ngụy quyền xã thôn thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu ba không: “Không nghe, không thấy, không biết”. Khi còn hợp pháp với địch, đồng bào lợi dụng tập quán chống sơn thú để cắm chông, gài bẫy, ngăn chặn địch lùng sục vào đường giao thông, kho tàng. Đồng bào lợi dụng phong tục cắm cự chống ma quỷ để đấu tranh ngăn chặn, hù dọa bọn thám báo, biệt kích, không cho chúng đi vào rừng sâu. Địch đã bắt nhiều đồng bào về đồn A Lưới, đồn A Xo tra tấn đến cực hình, một số hy sinh nhưng không một người nào chịu khai báo cho địch. Anh thanh niên du kích A Vầu bị chúng đánh chết, bêu xác ở rẫy làng A Tia, nhưng đồng bào vẫn không nao núng; kiên quyết đoàn kết đấu tranh, bảo vệ bí mật an toàn tuyệt đối đường giao thông huyết mạch của cách mạng.

          Cuối năm 1960 dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc miền núi Trị Thiên đã đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa, phá tan ngụy quyền, bao vây bức rút nhiều đồn bốt địch, giải phóng đại bộ phận miền núi Trị Thiên và một số huyện miền núi ở Trung Hạ Lào, xây dựng thành căn cứ rộng lớn, giữ vững quyền làm chủ, lập chính quyền cách mạng tự quản, phát động phong trào du kích chiến tranh mạnh mẽ, đều khắp, bảo vệ vững chắc các tuyến đường Trường Sơn trên địa bàn “cửa ngõ” nối liền hai miền Nam - Bắc cho đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, phù hợp với ý nghĩa của đường Thống nhất Trung ương, đường Trường Sơn được vinh dự mang tên Bác - Đường Hồ Chí Minh.

Tập tin đính kèm:
KP
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.707.470
Truy câp hiện tại 2.550