Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Sao La, cuộc chơi trốn tìm
Ngày cập nhật 04/01/2014

(TTH) - Việc Quảng Nam công bố bẫy ảnh Sao La cuối năm 2013 được các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên đánh giá là bức ảnh chụp loài hoang dã quan trọng nhất ở châu Á, có thể là của cả thế giới trong 10 năm qua. Dù còn nhiều dấu vết nhưng 15 năm trở lại đây, hành trình đuổi hình, bắt bóng Sao La ở Thừa Thiên Huế tựa như một cuộc trốn tìm…

Bên cuộc cà phê cuối tuần, một nhân viên Khu bảo tồn sao la (KBTSL) Huế dí dỏm: KBTSL chúng ta mở rộng và liên hoàn với Quảng Nam, chung đường biên giới khoảng 10km, vị trí ảnh ghi lại khá gần Huế nên anh em hai tỉnh đi họp gặp nhau trêu rằng: “Buổi sáng nó (sao la) ăn sáng ở A Tép (A Lưới) rồi chiều sang Hiên (Quảng Nam) nghỉ ngơi”. Đằng sau niềm vui lây ấy còn là sự ganh tỵ pha chút chạnh lòng bởi tần suất sao la xuất hiện ở Thừa Thiên Huế nhiều nhất Việt Nam, song do vì nhiều lý do việc ghi nhận hình ảnh chúng không hề dễ dàng.

 

Ảnh: KBTSL

 

 

Mất hút trong rừng thẳm

 

Tổ chức WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) nhận định, tìm thấy sao la là phát hiện đầu tiên về một loài động vật có vú lớn trên thế giới hơn 50 năm qua. Trong khi đó, người Tà ôi cư trú ở vùng Nam Đông – A Lưới gọi sao la dưới cái tên “xin xor”/“a ngao” và kể rằng, chúng đã tồn tại qua nhiều thời kỳ. Từ năm 1995 đến 1999, người dân Thừa Thiên Huế 6 lần bắt được sao la, thậm chí cả cá thể mang thai và con non chưa rụng rốn, chứng tỏ đây là vùng đất trú ngụ của nhiều gia đình sao la. Do thiếu kinh nghiệm và thông tin, các trường hợp nuôi nhốt, cứu hộ sao la ngoài tự nhiên đều không thành công. Khoảng 15 năm trước, các nhà nghiên cứu ước chừng Thừa Thiên Huế có trên dưới 100 cá thể. Nhưng cũng chừng ấy thời gian, tuyệt nhiên không bẫy được ảnh hoặc ghi nhận hình ảnh sống nào của loài thú được mệnh danh là “kỳ lân châu Á” nữa.

Theo một người dân A Roàng (A Lưới) từng bắt được sao la, chúng rất nhát và khi gặp chó săn thường chui đầu vào hốc đá nên dễ bị bắt. Sao la ở Thừa Thiên Huế có vùng phân bố hẹp, nơi cư trú không liên tục, các quần thể nhỏ, rải rác, biệt lập. Tuy không xác định được chính xác còn tồn tại bao nhiêu cá thể nhưng sự vắng bóng 15 năm qua là dấu hiệu cho thấy, loài này suy giảm nghiêm trọng. Đó là lý do khiến người làm công tác bảo tồn thiên nhiên trong và ngoài nước thực sự lo lắng, thậm chí là nghi ngờ chúng đã biến mất trên bản đồ động vật thế giới. Sao la ngày càng ít dần do nạn săn bắt của thợ săn đến từ ngoại tỉnh, quần thể nhỏ dẫn đến nguy cơ giao phối cận huyết và tác động bên ngoài làm ảnh hưởng đến sinh cảnh. 

 

Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm bên đường mònsao la.

Chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ cho các cá thể sao la cuối cùng: lập khu bảo tồn liên vùng, tuần tra, bảo vệ rừng hàng tháng, đặt bẫy ảnh, lập tuyến điều tra… Lần tìm dấu vết loài thú móng guốc nhạy cảm, 20.000 mẫu máu vắt cũng được thu thập để gửi qua Thụy Điển, Đức và Trung Quốc để xem có hút máu sao la chưa. Các cuộc kiếm tìm được tổ chức nhưng dường như mất hút vào rừng thẳm, chỉ để lại những dấu vết như thách thức.

Với những người làm công tác bảo tồn động vật ở Huế, họ nhớ đến sao la theo cách riêng của mình. Sao la gắn bó với hai con người bởi sự quý hiếm của nó. Một là Trí “sao la”, cái tên email tự chọn và được bạn bè đặt cho người kiểm lâm này trong thời gian đầu phát động tìm kiếm sao la ở Thừa Thiên Huế. Hai là tên một bé gái đang tuổi mẫu giáo ở huyện Phong Điền. Vì ba mẹ em hiếm muộn nên khi sinh con gái, người bố làm ở khu bảo tồn thiên nhiên đã đặt tên em là “sao la”. Còn một đường mòn du lịch mang tên “Sao la” ở Huế khiến du khách khi đã ghé qua không thể không ghi lại hình ảnh thú vị đáng nhớ này. Sao la đã đi vào cuộc sống của người dân vùng chúng cư ngụ tự nhiên như vậy đó!

 

Vẫn còn niềm tin

 

Theo một báo cáo chuyên đề, Thừa Thiên Huế có khoảng 50 loài thảm tươi chỉ thị sinh cảnh và thức ăn cho sao la cùng với điều kiện khí hậu cực kỳ thuận lợi. Đặc biệt, một số tiểu khu có đa dạng sinh học cao là nơi phát hiện ra mang lớn, thỏ vằn – những loài có giá trị khoa học và địa bàn phân bố tương đồng với sao la nên khả năng sao la vẫn còn. Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng ở KBTSL có mặt trong rừng 16-22 ngày trong tháng với nhiệm vụ bảo vệ ngôi nhà chung cho sao la và các loài thú quý hiếm. Năm 2013, họ đã tháo dỡ khoảng 7.500 bẫy thú rừng và 93 lán trại trái phép của thợ săn, trả lại sự bình yên cho những cánh rừng xanh.

Anh Nguyễn Hữu Hóa - thành viên đội tuần tra bảo vệ rừng cho biết: “Chúng tôi phát hiện nhiều dấu hiệu chứng tỏ sao la vẫn sống trong KBT. Dọc các khe suối nơi môn thục, môn vót, me chua đất, cỏ xước (thức ăn ưa thích của sao la)… mọc có dấu vết ăn lá và dấu chân của chúng. Có khi là chỗ nằm còn ấm và một chút lông, thức ăn còn sót lại. Sao la có khứu giác khá nhạy nên thấy được hình bóng của chúng quả là điều may mắn”.

Ông Hà Phước Phú, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn sao la Quảng Nam nói về ý nghĩa công bố bẫy ảnh sao la vừa qua: “Chúng tôi có được 3 ảnh chụp sao la từ nhiều vị trí di chuyển. Đó là sự trở lại đầy ngoạn mục sau 15 năm vắng bóng của loài thú móng guốc nhút nhát này”. Một tấm ảnh nhưng dấy lên bao hy vọng cho những người làm công tác bảo tồn loài động vật đặc hữu này ở Thừa Thiên Huế. “Kết quả nghiên cứu và tìm kiếm cho thấy, sao la vẫn sinh sống ở địa bàn các huyện Nam Đông, A Lưới, Hương Thủy, Hương Trà. Năm 2011, KBTSL tiếp nhận có 2 nguồn tin: có xác sao la tại điểm mua bán thịt rừng ở A Lưới nhưng khi tới nơi, chủ hộ chối bay chối biến; sau đó, một tốp chiến sĩ biên phòng Đồn 637 khi đi tuần đã thấy sao la chạy lướt qua khe suối. Chúng tôi đã làm công tác truyền thông và dấu hiệu nhận biết sao la qua cặp sừng gần như song song nên thông tin đón nhận hoàn toàn tin cậy. Nếu tăng cường bẫy ảnh cho KBT, nhất định sẽ chụp được ảnh sao la”, anh Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu Bảo tồn sao la Thừa Thiên Huế nói.

Một cán bộ của WWF Việt Nam nhận định: “Hơn 20 năm kể từ ngày được phát hiện, có rất ít nghiên cứu về tập tính sinh học, sinh thái học, đặc biệt là nơi sống, mùa sinh sản… loài thú này vẫn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học”. Cách đây 5 năm, tôi từng gặp anh Nicholas, người Anh đến Nam Đông “săn” ảnh sao la cho đề tài nghiên cứu sinh. Nhập cuộc đầy hào hứng cùng những người dân bản địa giàu kinh nghiệm nhưng cuối cùng, họ chẳng có được tấm ảnh nào. Bao người đến rồi trở về tay trắng nhưng trong mắt chuyên gia động vật học, sao la vẫn đầy hấp lực. Theo anh Lê Ngọc Tuấn, giữa năm 2014, một đoàn chuyên gia Đức sẽ đến Huế thực hiện đề tài nghiên cứu chuyên sâu về tập tính và sinh thái học sao la. Hy vọng lần này, họ sẽ gặp may, ít nhất là “bắt” được ảnh của sao la. 

Tuệ Ninh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.647.477
Truy câp hiện tại 6.637