Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
A Lưới chăm lo sự nghiệp “Trồng người”
Ngày cập nhật 29/12/2011

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành đoàn thể ở địa phương, công tác giáo dục và đào tạo ở huyện miền núi A Lưới trong nhiều năm qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Tập trung đầu tư trường, lớp:

Xác định việc đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo chính là đầu tư cho tương lai, nhất là ở một huyện miền núi A Lưới với bao khó khăn, vất vả thì công tác này cần phải đặt lên hàng đầu để từ đó đào tạo ra được một nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ nhận thức đúng đắn ở trên, nhiều năm qua, huyện A Lưới đã dành nguồn lực rất lớn để đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới trường, lớp; cơ sở vật chất, trang thiết dạy học đồng bộ, đã tạo nên một diện mạo khởi sắc cho công tác dạy và học.

Chúng tôi có dịp đến thăm một số trường học trên địa bàn huyện A Lưới. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là trường, lớp quá khang trang, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đầy đủ, đồng bộ. Tại trường THCS Hồng Thượng - một ngôi trường được đầu tư khá đồng bộ, được đánh giá là trường đẹp nhất tỉnh, cô giáo Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi nói rằng: “Cơ sở vật chất trường lớp của chúng tôi rất đầy đủ, nhất là các phòng chức năng, sân chơi bãi tập… Đây là điều kiện tốt để nhà trường tập trung cho công tác dạy và học”. Còn cô giáo hiệu trưởng trường Mầm non Hồng Bắc Trần Thị Nghiêu thì cho hay: “Điều kiện cơ sở vật chất của trường khá hoàn thiện. Ngoài các phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng học (có phòng vệ sinh khép kín đạt chuẩn), bếp ăn, kho thực phẩm ra, chúng tôi còn có cả phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, phòng Kidsmart, sân chơi cho trẻ … nên đã giúp cho trẻ phát triển một cách toàn diện.”.   

Cô giáo Hồ Thị Nga – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới cho biết: “Diện mạo trường lớp A Lưới đến nay rất khang trang. Trường nào cũng được xây dựng kiên cố, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất khá đồng bộ và đầy đủ, đáp ứng tốt cho nhu cầu dạy học. Điều vui mừng là nhiều trường học cơ ngơi còn đẹp, khang trang hơn nhiều so với thành phố Huế. Có được điều đó chính là nhờ sự quan tâm đầu tư rất lớn của Sở Giáo dục - Đào tạo và huyện A Lưới.”.

Chất lượng giáo dục ngày một tăng cao:

Bằng sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho cơ sở vật chất trường lớp đã giúp cho việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh ngày một nâng cao. Năm 2004, huyện A Lưới đã hoàn thành việc phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đúng độ tuổi. Các cấp độ phổ cập giáo dục trên địa bàn huyện đều hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, được duy trì bền vững theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng và duy trì số lượng. Đến nay, toàn huyện có 21/21 xã, thị trấn duy trì vững chắc phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt trên 99%; trẻ mẫu giáo đến trường đạt tỷ lệ 99,1% và trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,7%; tỷ lệ học sinh giỏi các cấp học đều tăng khá hàng năm. Đặc biệt, số học sinh người dân tộc thiểu số trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng công lập trong cả nước ngày càng tăng (năm 2010: 180 học sinh, năm 2011: 209 học sinh) ... Đây chính là một nỗ lực rất lớn của cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là sự vào cuộc rất kịp thời của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo của huyện khi mà trình độ dân trí của người dân còn thấp.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Đối với ngành giáo dục và đào tạo thì huyện rất quan tâm và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để từng bước nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo tiền đề để xây dựng huyện A Lưới ngày càng phát triển và giàu đẹp. Để có được học sinh giỏi, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho huyện, ngoài việc tập trung đầu tư mạng lưới trường lớp, hoàn thiện cơ sở vật chất, chúng tôi còn tập trung thực hiện các biện pháp huy động học sinh đến lớp, duy trì tỉ lệ chuyên cần, triển khai nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học; điều tra, khảo sát, phân loại trình độ học lực của học sinh để có kế hoạch dạy phù hợp cho từng đối tượng; chú trọng tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non là người dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng đội ngũ. Đến nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn là hơn 98%. Đây là một tỷ lệ khá cao.”.

Với sự đầu tư đồng bộ, đảm bảo chất lượng cơ sở vật chất trường lớp; nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục học sinh,… của huyện A Lưới trong thời gian qua, sẽ là tiền đề giúp huyện miền núi này tạo ra được một nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. 

BBT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.707.220
Truy câp hiện tại 2.348