Câu lạc bộ Nam nông dân không sinh con thứ 3 trở lên được thành lập với tiêu chí là tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về DS-KHHGĐ cho các thành viên trong CLB, gia đình và cộng đồng dân cư nhất là nam nông dân trong độ tuổi sinh đẻ; tạo điều kiện giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng tổ chức Hội nông dân ngày càng vững mạnh, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản KHHGĐ, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân số gia đình và trẻ em.
Hiện nay, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã thành lập và duy trì hoạt động 05 câu lạc bộ “Nam nông dân không sinh con thứ 3” với hơn 300 thành viên tham gia. Với nhiều hoạt động thiết thực, các CLB góp phần không nhỏ vào việc thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số ở mỗi địa phương.
Có nhiều nam nông dân tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ
“Sinh ít con để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” là phương châm thực hiện của các thành viên trong CLB không sinh con thứ 3. Trước khi tham gia CLB, mọi người được ký vào bản cam kết không sinh con thứ 3. Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp với Hội Nông dân các cấp thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền đến những đối tượng có nguy cơ sinh con thứ 3 như: các gia đình sinh con 1 bề nữ, nam... Trước đây, khi mới thành lập CLB Không sinh con thứ 3, Hội gặp nhiều khó khăn trong vận động các cặp vợ chồng tham gia sinh hoạt. Chính vì thế, thành viên CLB không ngại khó, trực tiếp đến từng hộ để gặp gỡ, chia sẻ và vận động các cặp vợ chồng tham gia sinh hoạt CLB. Từ cách tuyên truyền, vận động gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, nên các cặp vợ chồng hiểu được ý nghĩa của việc tham gia sinh hoạt CLB, từ đó tự nguyện đăng ký tham gia.
Các CLB chủ động xây dựng nội dung, kế hoạch hoạt động cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Định kỳ hàng quý, các CLB tổ chức sinh hoạt lồng ghép sinh hoạt chi hội với nhiều chủ đề khác nhau; trong đó tập trung vào các nội dung như: Pháp lệnh Dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, các biện pháp KHHGĐ như: Triệt sản nam – nữ, sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai, đặt dụng cụ tử cung…, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh, tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước… Tham gia sinh hoạt, các thành viên có thêm kiến thức về pháp luật, kinh nghiệm trong chăm sóc và nuôi dạy con em, tâm lý lứa tuổi, chăm sóc bà mẹ mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, sức khoẻ sinh sản vị thành niên và giữ gìn hạnh phúc gia đình…
Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ tại cơ sở
Bên cạnh đó, CLB cũng là nơi để hội viên nông dân tập hợp, đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, như: giúp cây giống, con giống, ngày công lao động, phân bón và trao đổi kiến thức chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều thành viên CLB còn giúp những hộ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bằng cho vay vốn, hỗ trợ nguồn vốn ban đầu… Nhiều hội viên nông dân trước đây rất ngại khi nói đến những vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ, nhưng nay nhờ tham gia CLB, có thể thoải mái trao đổi những thông tin liên quan đến biện pháp tránh thai hiện đại, KHHGĐ, học hỏi kiến thức cần thiết trong cuộc sống.