Hạn chế, bất cập của việc tồn tại song song hai trung tâm là việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dàn trải, gây tốn kém, lãng phí, không tận dụng được cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ yêu cầu đào tạo. Mặt khác, đội ngũ công chức, viên chức và người lao động bố trí chưa hợp lý, có nơi thừa, nơi thiếu, phân tán nguồn lực. Trung tâm Giáo dục thường xuyên có đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên đảm bảo đủ yêu cầu đào tạo, trong khi đó, Trung tâm Dạy nghề chưa đảm bảo đủ biên chế (06 biên chế) nên nhân lực của Trung tâm Dạy nghề chủ yếu là công chức, viên chức quản lý và nhân viên, còn giáo viên chỉ có 01 người, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo.
Hình ảnh Trung tâm dạy nghề huyện A Lưới trên trang Facebook
Mặt bằng Trung tâm Giáo dục thường xuyên nhìn chung không đáp ứng được yêu cầu phát triển; mức đầu tư trang thiết bị dạy học các trung tâm cũng rất khác nhau. Trung tâm giáo dục thường xuyên thì trang bị rất khiêm tốn, không đáp yêu cầu hoạt động, còn Trung tâm dạy nghề được trang bị khá đầy đủ nhưng chưa khai thác hết công năng hoặc không phù hợp với các ngành nghề đang đào tạo.
Chức năng, nhiệm vụ cơ bản của trung tâm là giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có kiến thức, trình độ kỹ thuật tham gia sản xuất, hoạt động dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương; cả hai trung tâm cùng có chức năng liên kết đào tạo, nên hoạt động trên cùng địa bàn sẽ “chồng chéo” nhau, dễ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến công tác giáo dục và đào tạo nghề ở địa phương.
Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, UBND huyện đã thống nhất quan điểm sáp nhập Trung tâm dạy nghề - Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là Trung tâm) trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện A Lưới là vấn đề cấp bách và cần thiết, vừa tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, vừa đẩy mạnh lĩnh vực giáo dục thường xuyên, tiến đến xây dựng xã hội học tập theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”.
Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện A Lưới
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện: việc sáp nhập Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện A Lưới sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực: Trong công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp sau trung học cơ sở theo một hướng không bị phân tán; thực hiện đồng bộ việc dạy bổ trợ văn hóa cho học viên tham gia học nghề; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là thiết bị thực hành. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các học sinh tốt nghiệp sau trung học cơ sở (không đủ điều kiện học các trường THPT) vừa học giáo dục thường xuyên, vừa học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề theo quy định.
Tổ chức bộ máy được tinh giản, gọn nhẹ so với thành lập riêng và sẽ giảm được kinh phí hoạt động hàng năm. Việc đầu tư cơ sở vật chất được thuận lợi hơn. Nguồn kinh phí được tăng lên đáp ứng yêu cầu hoạt động dạy và học. Bộ máy lãnh đạo, quản lý và bộ phận hành chính gọn nhẹ. Có thể sử dụng chung một số giáo viên trong công tác giảng dạy (vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề).
Bên cạnh đó, tăng cơ hội học văn hóa, học nghề của người lao động tại địa phương, từng bước thực hiện phổ cập THCS, THPT và phổ cập nghề, đáp ứng yêu cầu đa dạng của người học và thị trường lao động, tạo việc làm, giải quyết tình trạng thất nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị, giải quyết việc làm tại chỗ và nâng quỹ thời gian sử dụng lao động trong nông thôn tại địa phương.
Khi trung tâm sáp nhập và đi vào hoạt động ổn định, dự kiến mỗi năm sẽ tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho lao động có nhu cầu học nghề tại địa phương và học viên theo học giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông hàng năm. Giảm được chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt trong thời gian học giáo dục thường xuyên và học nghề của học viên, từ đó sẽ thu hút được nhiều học viên; lao động của địa phương tham gia học tập và học nghề tại trung tâm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế tham gia ký kết hợp đồng đào tạo nghề, tuyển chọn lao động tại địa phương có tay nghề phù hợp với điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đồng thời, tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có thể tự mở các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại địa phương, góp phần ổn định cuộc sống gia đình, tạo công ăn việc làm cho người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Việc sát nhập này cũng sẽ giúp huyện chủ động tiến hành các chương trình đào tạo, dạy nghề, phổ cập, bồi dưỡng kiến thức nghề nghiệp, từng bước cải thiện, nâng dần chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.