Theo anh Hồ Văn Nụ - cán bộ Chuyên trách DS-KHHGĐ, thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp về việc xây dựng mô hình, Ban DS-KHHGĐ xã đã kịp thời tham mưu với Đảng ủy, HĐND, UBND chỉ đạo, triển khai. Việc triển khai ký cam kết xây dựng mô hình giúp tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đang sinh sống tại thôn xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, cam kết thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nội quy, quy chế, hương ước, quy ước của thôn bản trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đã tạo cho người dân có thói quen và ý thức tự giác, cùng nhau thực hiện và chính họ là người giám sát việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ tại thôn của mình.
Một buổi sinh hoạt của mô hình tại xã A Roàng
Với các hoạt động thiết thực như: tuyên truyền vận động các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình; tư vấn các biện pháp tránh thai, phòng tránh thai ngoài ý muốn. Mô hình đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách DS – KHHGĐ và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ông Viên Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND - Trưởng Ban DS-KHHGĐ xã cho biết: Việc triển khai ký cam kết xây dựng mô hình là một giải pháp thiết thực, đã tác động mạnh mẽ đến người dân trong cộng đồng, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những cặp vợ chồng có hai con một bề cam kết không sinh con thứ 3 trở lên, đây là một trong những giải pháp rất hiệu quả trong giảm sinh, giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cũng như giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của xã nhà.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến thôn, sự hưởng ứng tích cực của người dân. Trong năm 2015 xã đã có hai thôn Ka Rôn, Hương Sơn được UBND tỉnh tặng giấy khen và thưởng công trình phúc lợi; UBND huyện tặng giấy khen cho ba thôn A Ka 2, A Min 2, A Roàng 3; UBND xã tặng giấy khen cho thôn A Roàng 1 không có người sinh con thứ 3 trở lên theo Quyết định 28/2014/QĐ-UBND ngày 30/5/2014 của UBND tỉnh về việc quy định một số chính sách DS-KHHGĐ. Các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ đều đạt và vượt kế hoạch: Tổng số trẻ sinh trong năm 51 cháu giảm 11 cháu; tỷ suất sinh đạt 19,2%o giảm 4,5%o; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,58% giảm 0,02%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 7,8%; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai 75%.
Để xây dựng và duy trì mô hình cụm không có người sinh con thứ 3 trở lên, không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo thời gian quy định là rất khó trong việc tuyên truyền, vận động cho người dân thực hiện. Trao đổi vấn đề này anh A King Khớp - cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn Ka Rôn chia sẻ: Lúc đăng ký xây dựng mô hình thì 100% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ phải ký cam kết, những năm tiếp theo khi có biến động về số lượng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ cần phải ký cam kết bổ sung ngay. Theo đó, các cặp vợ chồng phải chấp hành việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo các quy định của Đảng, Nhà nước, quy định của cơ quan và theo quy ước, hương ước của thôn. Những ngày đầu ký cam kết xây dựng mô hình gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận động người dân thực hiện. Anh Bling Gas - cộng tác viên thôn Hương Sơn cho biết: Tranh thủ thời gian vào các buổi tối hay vào những lúc nông nhàn, chúng tôi đến từng nhà, vừa tâm sự vừa giải thích cho người dân hiểu được lợi ích của việc sinh đẻ có kế hoạch, đẻ ít con. Ban đầu do có nhiều người dân còn mang nặng tư tưởng “trọng nam hơn nữ” nên công tác tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn”. Ngoài việc đến từng nhà vận động, Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình còn lồng ghép nội dung tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ vào các buổi họp thôn, buổi sinh hoạt của đoàn thanh niên, hội nông dân, hội người cao tuổi để khuyến khích người dân tích cực tham gia.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các tuyên truyền viên dân số đã giải thích, tuyên truyền, vận động từng cặp vợ chồng không sinh con thứ 3 trở lên để họ đặt bút ký vào bản cam kết thực hiện chính sách dân số. Theo chị Hồ Thị Thon tâm sự: “Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền núi, nên tư tưởng phải sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường luôn thường trực trong tôi. Khi lập gia đình, tôi lại sinh được hai cô con gái. Lúc đó tôi rất chán và có ý định sinh tiếp cháu thứ 3. Biết được tâm lý đó của tôi, các anh, em trong Ban Chỉ đạo đã đến động viên, phân tích điều hơn lẽ thiệt, giúp tôi nhận ra lợi ích của việc đẻ ít con. Từ đó, vợ chồng tôi tập trung vào làm ăn và nuôi dạy hai con học hành. Bây giờ, nhìn thấy các cháu ngoan ngoãn, học giỏi, vợ chồng tôi thấy rất hãnh diện và tự hào”. Từ những chia sẽ đó đã khẳng định rằng: ở địa phương nào có sự quan tâm thường xuyên của Cấp ủy, Chính quyền, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể thì ở địa phương đó công tác DS-KHHGĐ sẽ đạt được kết quả cao.
Cùng với việc thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ nói chung và xây dựng thành công mô hình cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc giảm sinh, giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và nâng cao chất lượng dân số, đồng thời xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cho người dân trên địa bàn xã A Roàng.