Cắt cái đuôi nghèo, đói
Ông Hồ Văn Mẫn- Trưởng thôn Ta Lo cho biết, với đặc thù của một thôn vùng biên giới, trước đây đời sống của đồng bào trong thôn hết sức khó khăn. Đồng hành cùng cái đói, cái khổ là tình trạng sinh con đàn cháu đống theo quan niệm “trời sinh voi thì trời sinh cỏ”. Càng sinh nhiều con thì cái bụng càng đói, cái đầu càng tối, và vòng luẩn quẩn của nghèo đói và lạc hậu cứ bám riết người dân mãi.
Nhưng đó là chuyện của quá khứ, từ năm 2009 đến nay, tất cả các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở thôn chỉ dừng lại từ 1-2 con. Sinh đẻ có kế hoạch nên người dân có điều kiện phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái.
Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên các mô hình trồng rừng, lúa nước, chăn nuôi của 44 hộ dân trong thôn đem lại thu nhập ổn định nên chuyện đói ăn, thiếu mặc đã lùi vào dĩ vãng. Tất cả con em trong thôn đều được cha mẹ tạo điều kiện cho ăn học đầy đủ, nhiều em là học sinh khá, giỏi.
Theo chỉ dẫn của ông Mẫn, chúng tôi ghé nhà vợ chồng anh Hồ Văn Yêu (SN 1980). Tại nhiều địa phương khác ở miền sơn cước A Lưới, ở cái “tuổi ăn, tuổi đẻ” như vợ chồng anh Yêu, rất nhiều cặp vợ chồng đã có 4-5 đứa con, nhưng vợ chồng anh chỉ dừng lại ở 2 con. Sinh ít con nên vợ chồng anh có điều kiện phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái. Với 5ha đất trồng rừng, lúa và hoa màu, mỗi năm, trừ chi tiêu, vợ chồng anh Yêu tích trữ được 30 triệu đồng. “Kinh tế ổn định giúp vợ chồng tui làm được nhà cửa khang trang và có điều kiện nuôi con cái ăn học nên cả 2 đứa con đều học giỏi”- chị Nguyễn Thị Cháo, vợ anh Yêu phấn khởi khoe.
Tự nguyện không đẻ
Theo Trưởng thôn Hồ Văn Mẫn, để tất cả các cặp vợ chồng trong thôn “nói không” với sinh con thứ 3, chính quyền thôn phải trải qua một quá trình vận động vất vả. Thời gian đầu, chỉ có một số cặp vợ chồng trẻ cam kết không sinh con thứ 3. Dần dần, nhờ vận động thường xuyên, liên tục nên 100% cặp vợ chồng trong thôn ký vào bản cam kết.
Qua tư vấn của các cán bộ dân số, các cặp vợ chồng biết sử dụng các biện pháp tránh thai như dùng bao cao su, đặt vòng, uống thuốc, triệt sản...
Ngoài ra, thôn còn sử dụng “luật” riêng để người dân không vi phạm cam kết. Cụ thể, cặp vợ chồng nào vi phạm sẽ bị phạt vạ bằng việc nộp trâu, bò, lợn gà cho thôn và không nhận được sự hỗ trợ khi gặp khó khăn. Nhờ đó, từ 2009 đến nay, không có cặp vợ chồng nào trong thôn sinh con thứ 3 trở lên.
Ông Hồ Văn Rao- Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân phấn khởi cho biết: “Bây giờ không còn phải đến từng nhà vận động như trước nữa rồi, người dân Ta Lo đã tự nguyện đăng ký không sinh con thứ 3 ở giai đoạn tiếp theo, vì chính họ đã được thấy cái lợi của việc sinh đẻ có kế hoạch”- ông Rao phấn khởi.
Vừa qua, thôn Ta Lo được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế thưởng 50 triệu đồng theo Quyết định 4043 của UBND tỉnh về xây dựng mô hình qua 5 năm không sinh con thứ 3 trở lên.