Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
“Đóa hoa rừng” Pa Cô giữa đại ngàn Trường Sơn
Ngày cập nhật 13/11/2014
Công việc thường ngày của người phụ nữ Pa Cô, chị Hồ Thị Phê.

NDĐT- Lên thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) hỏi chị Hồ Thị Phê (người dân tộc thiểu số Pa Cô) thì ai cũng đều biết, vì không những là nữ trưởng thôn mà chị Phê còn được bà con ví von với cái tên đầy trìu mến “đóa hoa rừng Pa Cô” giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hiến đất làm trường học

Căn nhà nhỏ, có phần lụp xụp, không bàn ghế, không quạt điện, chị Hồ Thị Phê cười tươi, khuôn mặt lấm tấm mồi hôi khi mới ở rẫy về, trên lưng gùi nặng trĩu những bắp ngô vàng ươm. Mời khách vào nhà khi cái nắng giữa trưa càng gay gắt, ngồi vào chiếc chiếu trải xuống nền nhà làm bằng xi măng, chị cười có phần ngại ngùng: “Mình chịu cực quen rồi, không có quạt điện thấy cũng bình thường, ngó rứa chứ thời tiết miền núi về chiều lại se lạnh chừ đó”. Gia đình chị cũng thuộc hộ nghèo của thôn, vậy mà người phụ nữ dân tộc Pa Cô nhỏ bé này đã quên đi lợi ích của riêng mình, hiến mảnh đất của gia đình xây trường cho con em bản làng của hai xã Hồng Vân và Hồng Bắc (A Lưới) đến học.

Trước đây, nhiều thế hệ học trò miền núi A Lưới phải tạm dừng những ước mơ đến trường bởi thiếu thốn cơ sở vật chất dạy học. Nhiều em bỏ ngang con chữ, ngày ngày phải gùi cái “a chói” (cái gùi lằm bằng tre nứa của đồng bào) trên lưng đi làm nương rẫy. Nhưng từ ngày ngôi trường THCS Hồng Vân được xây dựng khang trang, kiên cố hơn để biết bao thế hệ tuổi thơ của đồng bào Tà Ôi, Pa Cô, Cơ tu, Vân Kiều,… tiếp tục ấp ủ ước mơ cháy bỏng là biết “cái chữ Bác Hồ”, hiểu biết nhiều tri thức. Những tiếng cười đùa hồn nhiên của các học trò miền núi giòn tan dưới nắng thu. Đó cũng là ước mơ, là niềm hạnh phúc của người phụ nữ Pa Cô Hồ Thị Phê khi tự nguyện hiến toàn bộ đất đai của mình để xây dựng trường học.

Trước kia, mảnh đất hơn 2.000 m2 của gia đình chị Phê là nơi để cả gia đình sinh sống. Đó là vào vụ chín rộ của vườn cây ăn quả trong nhà, những trái thơm đương chín mọng, vụ nhãn, vải trĩu quả, cà phê đương đơm hoa hứa hẹn một mùa bội thu, những cây keo cũng đang trong thời kỳ phát triển… Nhưng chị vẫn quyết định hiến toàn bộ gia sản của gia đình vì tương lai con em của đồng bào mình. Gia đình chị phải di dời nhà xuống vùng đất thấp hơn của nhà chồng để lại dưới cuối con dốc, đối diện trường học. Chị Phê chia sẻ: “Hiến hết mảnh đất ấy mình cũng tiếc lắm, vì đó là kế sinh nhai của gia đình từ thời mới khai hoang. Nhưng nghĩ đến ngày mai, các thế hệ sau này của đồng bào mình được học cái chữ, tương lai sẽ xán lạn hơn nên mình quyết định hiến đất làm trường”.

Ngày dời cột kèo nhà cũ về dựng lại nhà mới cũng là ngày chồng chị đổ bệnh nặng, phải đưa về điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế. Chị như con thoi đi về hàng trăm cây số vừa chăm sóc chồng, vừa dựng lại nhà mới để ở. Hơn hai tháng, cơn sốt xuất huyết do chó dại cắn khiến chồng chị kiệt sức. Chị Phê lặng lẽ vay tiền của Hội LHPN xã để chữa bệnh cho chồng, cuối cùng cũng vượt qua cơn bạo bệnh. Cả bản biết tin, người này bảo người kia, cùng chung tay dựng lại nhà giúp gia đình chị. Dù là việc nhà hay việc nước, chị Phê luôn khéo léo sắp xếp thời gian để làm tốt, không phụ lại lòng tin, sự tín nhiệm mà bà con thôn A Năm đã gửi gắm nơi chị.

Nữ trưởng thôn A Năm

Thường thì trưởng thôn của các bản làng là những “già làng”, những “cây đại thụ” cao niên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cán bộ của thôn A Năm, trưởng thôn lại là một người phụ nữ nhỏ nhắn, dịu dàng. Đằng sau vóc dáng nhỏ nhắn đó là một người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, tràn đầy nhiệt huyết. Chị Phê sở hữu đôi mắt to tròn, đen, sáng long lanh và giọng nói trầm ấm đầy sức thuyết phục. Chính những điều chân thành, giản dị vốn có và luôn gần gũi với bà con, nên chị đã lấy được niềm tin nơi dân làng, làm tốt các công việc của Đảng, Nhà nước giao phó.

Ngôi nhà rông truyền thống thôn A Năm được làm mới với sự góp sức không nhỏ của chị Phê.

Từ ý tưởng xây dựng lại một ngôi nhà rông truyền thống của đồng bào Pa Cô, chị Phê đã quyết tâm làm bằng được để giữ gìn các bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Chị đã tìm tòi, thuyết phục các nghệ nhân, già làng nhớ lại những nét tinh hoa trong kiến trúc để phục hồi. Được các già làng nhiều thế hệ trước đồng ý, chị Phê mạnh dạn đến từng nhà vận động bà con. Ngoài sự mong đợi của chị, cả bản làng ai cũng nhất trí 100%, sau đó được sự ủng hộ của cấp trên, chị đã cùng đồng bào mình làm sống lại đời sống văn hóa của dân tộc.

Suốt ba năm ròng rã, chị Phê đã vận động bà con thôn A Năm, người ủng hộ tiền, người góp sức cùng nhau phục dựng lại ngôi nhà rông truyền thống của dân tộc. Thanh niên trai tráng thì vào rừng sâu chặt tre, đốn gỗ, lấy tranh, phụ nữ ở nhà đan phên, nấu nướng, những nghệ nhân, già làng thì phác họa lại ngôi nhà rông theo kiểu truyền thống nhất để phục dựng. Suốt quãng thời gian đó, chị Phê đã dốc toàn tâm toàn lực cùng những cán bộ đảng viên khác và bà con trong thôn dựng lại ngôi nhà truyền thống. “Suốt ba năm, mình xắn tay vào cùng bà con làm hết sức để cái nhà rông hoàn thành. Muốn vận động bà con làm tốt, không chỉ nói hay mà phải làm hay, thiết thực nữa. Bà con mình ít nói lắm, nhưng khi họ thấy mình làm nhiệt tình thì ưng cái bụng làm theo…” - chị Phê tâm sự.

Dẫn chúng tôi đến thăm ngôi nhà rông của thôn A Năm, chị Phê không giấu được niềm tự hào: “Chi phí để xây dựng nhà rông lên đến hơn một tỷ đồng, đó là chưa kể công sức của bà con mình đó. Giờ đây, cả bản làng mình phấn khởi lắm, mỗi lần có lễ hội bà con đều có mặt đông đủ, quây quẩn bên nhau đầm ấm”.

Chúng tôi bị cuốn theo điệu kèn, tiếng sáo véo von đầy trữ tình và đằm thắm của những chàng trai đã từng làm say lòng bao cô gái trẻ. Gợi nhớ về mùa những mùa gọi bạn, đi sim của những đôi trai gái dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… sống hòa thuận trên dải đất Trường Sơn đại ngàn.

Hơn 10 năm làm cán bộ thôn A Năm, nhiệm vụ nào chị Phê cũng hoàn thành tốt, được đồng bào và cấp trên tín nhiệm, tặng nhiều giấy khen. Lo xong việc bản làng, chị Phê lại trở về cuộc sống đời thường của mình là một người vợ, người mẹ của gia đình. Sáng sớm, chị cùng chồng gùi cái “a chói” trên lưng lên nương, ăn trưa ở rẫy với cơm nắm và muối gùi theo, khi hoàng hôn xế bóng thì trở về nhà, “a chói” đựng đầy bắp ngô, củ sắn.

Chia tay người phụ nữ Pa Cô, chúng tôi trở về xuôi qua ngôi trường THCS Hồng Vân được quét vôi màu vàng ươm, những tiếng cười giòn tan của các em nhỏ xua tan cái se lạnh cuối chiều nơi miền sơn cước. Thoảng trong gió, đâu đó mùi thơm dìu dịu của hoa cà phê, mảnh đất A Lưới một thời bom đạn ác liệt nay đã phủ xanh với bạt ngàn cây trái, cây cà phê kiêu hãnh tỏa hương. Chính vì thế, chị Phê được cả bản làng A Năm gọi với cái tên “đóa hoa rừng” giữa đại ngàn Trường Sơn.

Theo http://www.nhandan.org.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.720.321
Truy câp hiện tại 8.860