Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Sức sống mới trên đất Đông Sơn
Ngày cập nhật 18/09/2010
Cơ sở hạ tầng ở Đông Sơn ngày càng khang trang hơn. Ảnh: Bá Trí.

 Chiến tranh đi qua hơn 35 năm trên mảnh đất Đông Sơn – A So. A So, cái tên của một mảnh đất từng được gọi là mảnh đất chết.

  Quá  khứ đi-ô-xin …

Trong các tài liệu để lại, A So không chỉ có sân bay quân sự mà còn có kho chất độc hoá  học dùng cho cả chiến trường Thừa Thiên –  Quảng Trị trong chiến tranh Việt Nam của đế quốc Mỹ. Qua các khảo sát sau này, cho thấy, đến năm 1997, dư  lượng đi–ô-xin ở khu vực sân bay A So và lân cận là 597,3 Pg/m2 đất. Cần biết rằng, thấp hơn con số đó 5 lần thì dư lượng đi-ô-xin cũng đã ảnh hưởng lớn đến đi truyền và các mặt đời sống người dân rồi.
 
Trước năm 1991, nơi đây không có một bóng người. Chiến tranh qua đi thì người ta dường như cũng lãng quên nó. Thế nhưng, trong kế hoạch định canh định cư ở A Lưới, vùng đất quanh khu vực A So này lại được nhắc tới. Năm 1991, có 95 hộ dân của đồng bào Pakô từ khu vực quanh đèo Pêke và giáp ranh xã Hồng Thuỷ được chuyển về đây. Một xã mới của A Lưới được mang tên Đông Sơn, bao gồm một vùng đất rộng lớn bao quanh căn cứ quân sự và sân bay A So.
 
Xây dựng cuộc sống …
 
Ban đầu, do không biết có kho chất độc ở cạnh sân bay nên 95 hộ dân được bố trí quanh sân bay A So. Một phần cũng vì đất đai và mặt bằng ở khu vực sân bay A So tương đối thoáng. Những người dân Đông Sơn đầu tiên tận dụng hố bom để lấy nước uống và chăn nuôi cá. Đất ở thung lũng A So này vừa chua phèn, vừa bạc màu, lại có dư lượng đi-ô-xin nên canh tác khó khăn. Các loại cây hoa màu được người dân trồng rất khó sống. Thậm chí sống được cũng cho ít củ, ít quả hơn nơi khác. Trước tình cảnh đó, Nhà nước liên tục hỗ trợ hơn một năm rưỡi.
Tự  lực vươn lên, không quản khó khăn, người dân  Đông Sơn ra các vùng đất đồi quanh đó trồng trỉa. Đồng thời, thông qua các dự án định canh định cư, hệ thống nước tự chảy từ các vùng khe suối an toàn, không có chất độc đi-ô-xin dẫn về từng hộ dân được xây dựng. Bên cạnh đó, năm 1995, qua Dự án giảm nhẹ chất độc đi-ô-xin do Giáo sư Hoàng Đình Cầu phụ trách, các hộ dân di chuyển xuống vùng phía Tây Nam của A So, thành lập khu dân cư mới, tránh xa khu vực sân bay và kho chất độc.
 
Ông Lê Văn Trừ - TUV, Bí thư Huyện uỷ huyện A Lưới cho biết: “Để nhân dân Đông Sơn yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế ở vùng đất khó khăn như vậy, vai trò của các cấp uỷ Đảng, chính quyền rất quan trọng khi đi sâu, đi sát với các hoạt động của bà con. Mỗi khó khăn đều được giải quyết kịp thời mang ý nghĩa then chốt. Từ sản xuất, đến quy hoạch nơi ăn chốn ở, đến nước nôi sinh hoạt . Tất cả đều với mục đích tạo dựng cuộc sống tốt cho bà con. Nhờ đó, từng bước nhân dân Đông Sơn vượt qua khó khăn, vươn lên từ vùng đất chết. Điều đó, theo tôi, là giá trị nhất”
 
Từ  95 hộ ban đầu, nay xã Đông Sơn có 283 hộ  dân, gồm 275 hộ đồng bào Pakô và 8 hộ  đồng bào Kinh, với 1325 nhân khẩu, chia làm 6 thôn. Tất cả đều ở khá xa khu vực kho chất độc và sân bay A So cũ. Khu vực sân bay và kho chất độc cũ được trồng hàng rào bồ kết để ngăn cách với người cũng như súc vật. Đáng kể là, sự phổ biến kiến thức về sử dụng nguồn nước, cách thức trồng trọt và chăn nuôi có kỹ thuật, hợp lý với vùng đất vốn được xem là vùng đất chết đã giúp bà con có hướng đi phù hợp để làm ăn, phát triển kinh tế.
 
Đi lên từ khó khăn …
 
Vùng đồng Đông Sơn, qua thời gian, đã được bà con khai phá trồng lúa, đạt diện tích gần 64ha. Trong đó, trung bình mỗi hộ gia đình có hơn 2 sào lúa. So với toàn huyện, đó là tỷ lệ cao nhất. Với 2 vụ gieo cấy trong năm, trung bình mỗi ha bà con thu hoạch được hơn 38 tạ. Sản lượng đó giúp Đông Sơn trở thành một địa phương đứng nhất nhì toàn huyện. Lúa nước trở thành một niềm tự hào của người dân Đông Sơn. Cần biết rằng, đất đồng Đông Sơn là đất chua, phèn và tầng canh tác chỉ dày chưa đến 3 tấc thì kết quả đó thật đáng khích lệ và biểu dương.
 
Trước đây, đất đồi núi của Đông Sơn khó có  thể trồng rừng. Một phần do người dân chưa quen với việc trồng rừng kinh tế, một phần là có  một số điểm còn bị ảnh hưởng bởi chất đi-ô-xin. Thế nhưng, từ năm 2003, nhiều người đã không quản ngại khó khăn, ươm giống trồng rừng. Sau 7 năm, toàn xã đã có hơn 500ha rừng kinh tế. Có những hộ dân trở thành niềm tự hào về trồng rừng không chỉ của xã mà còn của huyện, đó là Hồ Văn Tôi, Quỳnh Thiệp, Quỳnh Lịch … Chính những người như vậy đã góp phần gây dựng màu xanh của cây rừng trên vùng đất chết.
 
Đông Sơn không chỉ là niềm tự hào về trồng trọt của huyện A Lưới mà chăn nuôi cũng là một thế mạnh đã được bà con phát huy. Hiện nay, Đông Sơn có gần 500 con bò, gần 200 con trâu và hơn 100 con dê. Do Đông Sơn là một thung lũng, đất thấp nên đồng cỏ thường bị ngập úng. Để chăn nuôi được chứ chưa nói hiệu quả, người dân phải trồng cỏ trên đồi và tận dụng cỏ trong rừng để chăn nuôi gia súc. Không phụ lòng người, trong 21 xã, thị trấn của A Lưới, đàn bò của Đông Sơn đứng thứ 3 toàn huyện về số lượng và thứ nhì về đàn trâu.
 
Anh Hồ Văn Tôi, năm nay 27 tuổi, ở thôn Loah – xã Đông Sơn – huyện A Lưới, một thanh niên tiêu biểu trong vượt khó vươn lên, được Trung ương Đoàn khen thưởng năm 2009 hồ hởi: “Cố gắng để làm ăn là điều quan trọng nhất. Khi gia đình về đây thì tôi còn nhỏ nhưng thấy được cái khó khăn mà cha, chú mình gặp phải, tôi nghĩ rằng: không vươn lên không được. Thế là tôi vay vốn trồng rừng. Từ năm 2004 đến nay, tôi đã trồng được hơn 40 ha rừng. Thanh niên có sức thì phải nỗ lực nên hiện nay tôi đang xây dựng chuồng trại trong núi để phát triển thêm đàn bò hơn 20 con hiện có”.
 
Sự  đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng đã góp phần phát huy sức mạnh của nhân dân Đông Sơn. Các chương trình 134, 135, WB, dự án giảm nghèo, chương trình 12 xã biên giới … có hiệu quả và có tính đồng bộ. Các chương trình, dự án đã từng bước đưa nhân dân Đông Sơn vươn lên. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Đông Sơn vẫn còn hơn 20% nhưng so với toàn huyện và xét về điều kiện của Đông Sơn thì đó là một kết quả to lớn của công tác xoá đói giảm nghèo. Nhiều người dân của xã Đông Sơn giờ không chỉ lo làm ăn thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Ông Quỳnh Ngoi – thôn Ra Mom – xã Đông Sơn, một trong những người đến Đông Sơn đầu tiên tâm sự: “Nếu hiện nay mà nói hết khó khăn thì hơi quá nhưng những khó khăn khắc nghiệt và đe doạ cuộc sống chúng tôi như trước đã không còn. Bởi lẽ, chúng tôi động viên nhau làm ăn, tin tưởng vào sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước. Tôi tin ngày mai khá giả, giàu có sẽ đến mà một vài người đã làm được là ví dụ đó.”
 
Nhân dân xã Đông Sơn sống trên mảnh đất tưởng chừng như không giành cho sự sống. Họ cày cấy, chăn nuôi bằng cái tâm và lòng nhiệt huyết. Những khoảng rừng xanh tốt, những cánh đồng lúa mượt mà … là những minh chứng thuyết phục cho sức sống của họ trên mảnh đất A So – Đông Sơn một thời khói lửa, chết chóc. Thành công của nhân dân Đông Sơn cũng là thành công của Đảng và Nhà nước khi đưa người dân vượt lên tất cả để quá khứ đi-ô-xin dần dần lùi xa. 

 

 

 

Theo Đình Đính (Baothuathienhue.vn)
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.720.294
Truy câp hiện tại 8.839