Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Chuyện những người vừa được nhập quốc tịch Việt Nam
Ngày cập nhật 06/08/2013

(CATP) Hàng trăm người sống ở vùng biên giới Việt - Lào không quốc tịch, không giấy tờ tùy thân… đã được nhập quốc tịch Việt Nam. Chính sách nhân văn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đã giúp những người khốn khó dần thay đổi cuộc sống.  

SUNG SƯỚNG ĐƯỢC LÀM CÔNG DÂN VIỆT NAM

Huyện miền núi biên giới A Lưới, Thừa Thiên - Huế vào những buổi chiều hay có mưa. Xuôi theo đường mòn Hồ Chí Minh rẽ vào con đường bê-tông dẫn đến trung tâm xã A Đớt, chúng tôi hỏi thăm nhà anh Kê Un (34 tuổi, dân tộc Tà Ôi, trú thôn A Tin), người dân hồ hởi: “Có phải người đã được nhập tịch Việt Nam, làm ăn giỏi không?” rồi tận tình chỉ dẫn. Phía trước nhà Kê Un có nhiều xe máy, bên trong gần chục người đang quây quần ăn cơm và uống bia lon. Mọi người rối rít mời khách.

Chúng tôi băn khoăn về sự “xa xỉ” này, Kê Un lý giải: “Anh em mới đi làm ăn ở Lào về, kiếm được ít tiền nên tổ chức ăn uống để mừng. Từ ngày được nhập quốc tịch Việt Nam đến nay, đây là lần đầu tiên mình thấy vui, hạnh phúc như vậy”. “Vì sao lại vui?”, Kê Un nói tiếp: “Vì mình đã là người Việt Nam, được cấp đất, hỗ trợ xây nhà, được hưởng các chế độ của Nhà nước như tất cả mọi người, con cái được đến trường, được đi bệnh viện”...

Nói rồi Kê Un chạy vào nhà trong đem ra một hộp gỗ đựng giấy tờ và cho biết: “Đây là quyết định nhập tịch, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, sổ khám chữa bệnh, sổ đỏ nhà ở..., mình phải cất kỹ, nó còn quý hơn tiền, vàng”. Nhiều người trong bữa tiệc cũng hào hứng khoe nhà mình cũng có những giấy tờ như của Kê Un. Các cụ già, phụ nữ và nhiều em nhỏ gần đó mắt sáng lên, nhoẻn miệng cười trước sự rộn ràng ấy.

 

Gia đình anh Kê Un hiện có cuộc sống ổn định sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam

Chúng tôi đã đi nhiều vùng miền núi, biên giới và gặp gỡ nhiều người dân tộc thiểu số, nhưng hiếm khi nào thấy được niềm vui, sự hạnh phúc như những người này. Bởi lý do lớn nhất, cao cả nhất là họ đã trở thành người Việt Nam. Vào tháng 8-2012 và tháng 3-2013 đã có 147 người không quốc tịch, cư trú trên địa bàn huyện A Lưới đã được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Bà con chủ yếu là những hộ người Lào gốc Việt, sống trong những khu rừng sâu dọc biên giới. Gần trăm năm, trải qua nhiều thế hệ, nhìn chung họ đều chấp hành tốt những quy định của pháp luật Lào và Việt Nam, cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế... nhưng khổ nỗi không được công nhận về mặt pháp lý. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy đối với những con người vốn chịu nhiều thiệt thòi: không được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước như các hộ gia đình khác nên cuộc sống khó khăn, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong việc quản lý dân cư vùng biên giới.

Việc Nhà nước cho những người không quốc tịch được nhập quốc tịch Việt Nam thể hiện bản chất nhân đạo và nhân văn cao đẹp của chế độ XHCN, thể hiện tinh thần quốc tế vô sản và tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào dày công xây dựng và vun đắp.

CUỘC ĐỔI ĐỜI LỊCH SỬ

Ở nhà Kê Un, chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về quá khứ, từ thời khai sinh, tìm nơi ở, tìm cái ăn để tồn tại và phát triển của những “người lậu”, vốn không có quốc tịch. Kê Un kể, anh sinh ra ở xã Nhâm, huyện A Lưới. Cuộc sống nghèo khó, cha mẹ Kê Un dẫn các con rời quê, ngược lên biên giới, băng vào rừng sâu tìm vùng đất mới định cư. Họ dừng chân trên một quả đồi nhỏ giữa con sông Trôn và A Sáp (bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) rồi dựng lều ở.

 

 

Gia đình ông Ploong Cốc

 

 Hàng chục gia đình gốc Việt cũng di cư đến ở đây từ trước. Lương thực cũng thưa dần, vài bộ quần áo rách mủn theo thời gian và gai rừng cào cấu. Người dân lấy vỏ cây để che thân. Họ sống như “người rừng”, bị tách biệt với thế giới bên ngoài với muôn vàn khó khăn: nhà ở bằng gỗ, tranh tre, lá; thức ăn là ngô, khoai, sắn, thịt thú rừng, cá suối... do săn bắt, trồng trọt được. Đói rét, thú dữ, đau ốm, bệnh tật liên tục hành hạ người dân. Trẻ con sinh ra lăn lết trên đất, không được học hành, suốt ngày theo cha mẹ lên nương rẫy, xuống suối. Những cuộc du canh du cư ấy khiến trẻ em không biết con chữ nên tương lai cũng mù mịt như đời ông cha.

Sau này, nhờ tình hữu nghị, tình đoàn kết giữa hai nước Việt - Lào, những người lính biên phòng Việt Nam đã phát hiện ra những “người rừng”. Các chiến sĩ nhiều lần băng rừng cõng lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng cho bà con để hỗ trợ họ trong cuộc sống. Lúc thiên tai bão lũ, lính biên phòng lại xung phong đi cứu dân. Sau đó, một số doanh nghiệp của ta được ban ngành hai nước cho phép kinh doanh và họ đã đầu tư xây dựng con đường nối từ đường Hồ Chí Minh đến trung tâm huyện Kà Lừm. Cửa khẩu được mở thông thương hai vùng với nhiều chính sách ưu đãi. Cán bộ, lực lượng vũ trang của hai nước thay phiên nhau về những bản làng quản lý, giúp đỡ bà con. Họ đã khai sáng văn minh bằng cách dạy dân trồng trọt chăn nuôi theo khoa học kỹ thuật, ăn ở hợp vệ sinh, dạy con chữ, khám chữa bệnh...

Đường sá ngày càng rộng mở, sự thông thương hai bên càng lớn và những dân bản Ka Lô, bản Tà Vàng biết vượt rừng, cõng nông sản, thú rừng ra vùng biên trao đổi, mua bán với người ở A Lưới. Theo năm tháng, gia đình Kê Un và hàng chục nhà khác dắt díu nhau về những bản làng ở A Lưới sinh sống.

Rời nhà Kê Un, chúng tôi đến thăm gia đình ông Ploong Cốc (50 tuổi, người Cơ Tu, trú thôn Chí Hòa, xã A Đớt). Mới nghe hỏi về chuyện nhập tịch, ông vui mừng: “Hơn nửa đời người rồi nay mình mới thấy yên tâm, vui sướng như vậy. Giờ mình có nhà có cửa, có vợ con bên cạnh, không lo cảnh túng thiếu, lũ lụt, đau ốm... như ở rừng nữa. Vì mình đã được nhập quốc tịch, được hưởng các chế độ chính sách. Giờ chỉ còn chuyện chăm chỉ làm ăn thôi”.

Rồi ông kể về quãng thời gian gần 20 năm sống tại bản Tà Vàng với nhiều khốn khó giữa chốn rừng thiêng nước độc, nhiều lúc cận kề cái chết vì đói, rét, thú dữ... Cho đến khi cán bộ, bộ đội, công an hai nước vào bản giúp bà con. Rồi gia đình ông cũng kéo nhau về A Lưới sinh sống. Nhà Kê Un, Ploong Cốc và nhiều gia đình khác đã ổn định cuộc sống tại A Lưới. Bà con vẫn về nơi ở cũ làm rẫy, thăm lại những người bạn Lào cùng sống với mình.

Những người nhập tịch đến nay được bảo đảm mọi quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích chính đáng, được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; được tạo điều kiện có đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân và các thủ tục liên quan theo đúng quy định. Từ nay, bà con phấn đấu làm tròn nghĩa vụ công dân, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách và pháp luật; đóng góp vào sự phát triển của A Lưới nói riêng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung; góp phần bảo vệ biên cương ngày càng vững chắc; thắt chặt tình đoàn kết, mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào trên tuyến biên giới...

Theo Báo CAND
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.684.216
Truy câp hiện tại 10.783