Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Trên cao nguyên Bô-lô-ven
Ngày cập nhật 09/05/2013
(TTH) - 8h30 sáng, cửa khẩu LaLay. Một ngày trời âm ủ. Chúng tôi bắt đầu chuyến đi cả ngàn cây số trên cao nguyên Bô-lô- ven, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào - một nơi ngút ngàn rừng xanh thăm thẳm. Một nơi đất rộng người thưa. Nhiều đoạn, rừng bị khai thác để lại nhiều ngọn đồi trơ trọi. Đã là cuối mùa khô trên cao nguyên Bô-lô-ven nên mặt đất khô khốc. Có cảm giác như đang đi qua nhiều vùng đất ở Tây nguyên Việt Nam.

Đi mấy trăm cây số đường dài nhưng thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài bản làng của bà con dân tộc thiểu số Lào. Một bản làng cỡ vài mươi nóc nhà, có khi còn ít hơn. Ở nhiều huyện thuộc vùng Nam Lào, đã là người dân các bộ tộc Lào thì nhất mực phải ở nhà sàn. Điều này cho thấy những nét truyền thống được bà con giữ rất bền chặt, nhưng một mặt cũng cho thấy, sự giao thoa về văn hóa diễn ra rất chậm chạp. 

Đ/c Lê Văn Trừ - Bí thư Huyện ủy A Lưới (bên phải) chung vui với các bạn Lào

Mục đích chuyến đi của chúng tôi là để tìm hiểu một số phong tục tập quán của các bộ tộc Lào nên chúng tôi chọn vào dịp tết cổ truyền. Trong tình hữu nghị giữa các huyện giáp biên giới Việt Lào, cũng là dịp lãnh đạo huyện A Lưới thăm và chúc tết các huyện bạn kết nghĩa.

Trở lại vấn đề truyền thống. Tết Lào được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15/4 dương lịch hàng năm. Gọi là Bunpimay. Đây là Tết theo Phật lịch vì ở Lào, đạo Phật từ lâu đã trở thành quốc đạo. Tết năm nay là 2556. Đối với dân tộc Lào, có nhiều tập tục rất đặc sắc được giữ nguyên vẹn qua thời gian. Ví dụ như tập tục té nước. Nước là một hỗn hợp gồm nước, và một số loại hương liệu.

Vào buổi chiều ngày đầu tiên, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo. Sau đó, người ta rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để xức vào người làm phước. Rất đáng tiếc là chúng tôi không có dịp dự lễ cúng Phật ở các chùa, nhưng cũng đã nhìn thấy và tham dự vào những buổi té nước. Và múa (người lào gọi là Phòn). Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng. Bạn bè té nước vào nhau. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới hạnh phúc. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều.

Cả hai tỉnh Saravane và Se Kong mà chúng tôi đi qua, nhìn chung, các trung tâm tỉnh ít sầm uất như ở Việt Nam. Nhưng lại có rất nhiều người Việt Nam sinh sống làm ăn. Hầu như đi đến huyện nào cũng gặp người Việt, kể cả những huyện vùng xa nhất. Nhiều người nói với tôi rằng người Việt rất có duyên buôn bán trên đất Lào. Chính vì vậy mà cũng nhiều người trở nên khá giả.

Chúng tôi nghe nhiều chuyện về những quy định của Chính phủ Lào rất khác với Việt Nam. Ví dụ như những gia đình có bố mẹ làm trong bộ máy Nhà nước thì con được hưởng phụ cấp. Mỗi chức danh quan trọng ở cấp tỉnh được cấp một chiếc ô tô. Cho nên có khi một người có đến 2-3 chiếc xe.

Chúng tôi ở khách sạn Se Kong - tỉnh Se Kong - nơi chúng tôi lưu trú cũng do một người Việt gốc Kon Tum làm chủ. So với Thừa Thiên Huế, giá cả lưu trú ở Se Kong không cao lắm. Một phòng ngủ có đầy đủ tiện nghi cao nhất là 150.000 kíp. Tính ra tiền Việt khoảng hơn 400.000 đồng. Nhưng dịch vụ ăn uống thì ở Lào đắt đỏ hơn Việt Nam nhiều. Một tô phở buổi sáng khoảng 15.000 kíp. Chúng tôi ghé một quán nhỏ của chị Thanh Thúy (ở huyện Tà Ổi, tỉnh Saravan, người đã từng ở xã Bình Thành (huyện Hương Trà 13 năm trước khi qua Lào). Chị mới qua Lào kinh doanh chừng 5 tháng, quy mô chỉ nhỏ ở một thị trấn nhỏ nhưng mỗi ngày trung bình doanh thu đạt khoảng 4-5 triệu kíp, nghĩa là doanh thu từ 11 đến 12 triệu tiền Việt. Với giá quy đổi 1.000 kíp bằng 2.700 tiền Việt, thu nhập người dân chưa cao nhưng vật giá cao như thế này có vẻ như mâu thuẫn nhưng là thực tế ở Lào.

Tết Lào có nhiều điều thú vị. Chúng tôi đã tham gia nghi lễ buộc chỉ tay, té nước và Phòn ở huyện Kà Lùm, tỉnh SeKong. Dường như đã là tết ở Lào thì không có khái niệm lạ hay quen. Đã đến thăm nhà nhau tất cả đều là những người bạn tốt.

Đặt chân lên đất Lào vào ngày 13, là ngày đầu tiên của tết và chúng tôi thấm đẫm trong không khí tết Lào. Đã là tết là phải uống, phải nhảy. Uống và nhảy đến nghiêng ngã, quay cuồng mới thôi. Té nước là để cầu may. Thoa phấn và son lên người để thể hiện sự thân thiện tình cảm. Tất cả cũng chỉ để hướng đến mục đích là chúc cho nhau thật nhiều hạnh phúc trong năm mới.

Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà người Lào ăn tết to nhỏ khác nhau. Có con heo làm con heo, có dê làm dê. Cũng có gia đình làm cả một con trâu. Có khi ăn tết ở từng gia đình nhưng phần nhiều là vài nhà tập trung lại cùng ăn tết. Có 2 món không thể thiếu trong tết Lào là lạp và xôi. Lạp có nghĩa là lộc, là may mắn. Lạp thường được dùng chung với xôi nóng. Nguyên liệu chính làm lạp là thịt bằm nhuyễn trộn với rau bạc hà xắt nhỏ và nước cốt chanh, sau đó được trộn thêm với các gia vị. Những người làm kinh doanh rất coi trọng việc chế biến lạp, bởi họ quan niệm món lạp không ngon có nguy cơ năm mới làm ăn gặp nhiều xui xẻo.

Chiều ngày thứ 2 của tết Lào chúng tôi được tham dự một buổi lễ buộc chỉ tay do huyện Ka Lùm tổ chức để chúc phúc cho đoàn chúng tôi, gồm lãnh đạo huyện A Lưới, một số đại diện ban ngành của huyện. Một mâm lễ gồm hoa quả, gà, rựợu được để ở giữa, mọi người ngồi chung quanh. Sau khi thầy cúng thực hiện các nghi lễ cúng, thầy cầu phúc, buộc chỉ tay, rót rượu. Và lần lượt hết người này đến người khác. Sau khi thầy buộc chỉ tay cho từng người, đến lượt mọi người tham dự buộc chỉ tay cho nhau. Và rồi mỗi người được rưới nước lên người để chúc phúc.

Và cứ thế. Và uống và hát. Và múa. Điệu Phòn của Lào rất lạ. Nhạc thì rộn ràng lễ hội nhưng động tác múa thì rất nhẹ nhàng. Ở ngoài kia, tiếng nhạc vẫn rộn ràng vang lên trong các bản làng của Lào...

 

 

 

www.baothuathienhue.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.689.302
Truy câp hiện tại 14.663