Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website
Những chuyện “không thường ngày” ở huyện
Ngày cập nhật 21/07/2011

Những chuyện “không thường ngày” ở huyện, là tên chung cho một câu chuyện mà chúng tôi đã lần lượt giới thiệu với bạn đọc trên báo Lao Động ngày 9.10.2004 và 5.7.2006.

Bây giờ chúng tôi xin được tiếp tục trở lại câu chuyện này nhân dịp mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trên cả nước.

Việc thí điểm đưa sinh viên vừa tốt nghiệp đại học về làm phó chủ tịch xã như thế này đã lần đầu tiên được thực hiện ở huyện miền núi A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế từ năm 2004. Và đến thời điểm này, quãng thời gian gần tròn 8 năm có thể đủ để đánh giá là việc thí điểm ở A Lưới đã cho những thành quả ngoài mong đợi.

Họ đã trưởng thành

Ông Võ Văn Dự, Chủ tịch UBND huyện A Lưới thời điểm năm 2004, kiến trúc sư của dự án đưa 12 sinh viên vừa tốt nghiệp đại học về làm phó chủ tịch 12 xã của huyện A Lưới lúc đó, giờ đã rời huyện về thành phố làm Phó ban Dân tộc - Miền núi từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, mắt ông vẫn luôn dõi theo rất sát từng bước chân của những “mầm non” mà mình đã tốn rất nhiều công sức vun trồng. “Không có chuyện gì xảy ra với 12 con người đó mà tôi không biết”, ông nói: “Mấy năm nay, tôi rất vui khi thấy phần lớn họ trưởng thành, làm được nhiều việc có ích cho dân, nhưng cũng rất buồn khi chứng kiến một vài trong số đó – dù chỉ là thiểu số hư hỏng, biến chất hoặc không đủ bản lĩnh để vượt qua khó khăn, nghịch cảnh...”.

Ông kể vanh vách chuyện “thằng Đời” đã từ Phó Chủ tịch lên làm Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng từ nhiều năm trước và đã làm rất tốt, được dân tin, dân tín nhiệm ra sao. Ông tự hào khi “con Muôm” Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Trung trong kỳ đại hội vừa rồi đã được dân tín nhiệm bầu lên làm Chủ tịch UBND xã và đây là nữ chủ tịch xã duy nhất đến thời điểm này ở huyện A Lưới. Ông không quên khoe chuyện “con Hiền” từ phó chủ tịch xã chuyển lên làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện. Ông thở dài, rất buồn bực khi nhắc chuyện một trong 12 “mầm non” đó bị cách chức và đang đối diện với nguy cơ bị truy tố trước pháp luật về tội đánh bạc, một tội danh mà đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới cực ghét. Ông đau lòng bởi một “mầm non” khác bị buộc phải thôi việc do nghiện rượu dẫn tới bệnh tật...

Điều đặc biệt là ở A Lưới bây giờ, sự trẻ hoá không chỉ diễn ra ở cấp xã mà còn “lan” đến cấp huyện. Nếu như cách đây 4 năm, Chủ tịch huyện Hồ Xuân Trăng, sinh năm 1971 (lúc đó làm phó chủ tịch), được coi là “mầm non” của huyện thì bây giờ, ông đã trở thành “người già” bởi dưới ông, hai phó chủ tịch mới lên, một sinh năm 1975, một sinh năm 1980! Tương tự là lãnh đạo các phòng ban. Nếu như trước đây người trẻ được bổ nhiệm vào chức vụ trưởng, phó phòng chỉ đếm trên đầu ngón tay thì bây giờ ngược lại, tìm.... “đỏ mắt” mới thấy một vài bậc “cao niên”.

Ông Võ Văn Dự hồ hởi: “Điều khiến tôi mãn nguyện nhất chính là “dự án” đã mang lại một luồng sinh khí mới về chất lượng cán bộ. Nếu như năm 2004 khi tôi lên nhận chức chủ tịch huyện, đội ngũ cán bộ huyện, đặc biệt là cấp xã phẩm chất rất tốt nhưng lại vô cùng trì trệ thì bây giờ, đội ngũ đó rất năng động, dám nghĩ dám làm, đủ năng lực để đáp ứng và giải quyết tốt những yêu cầu mà thực tế cuộc sống đặt ra”. Tuy nhiên, ông Lê Văn Trừ - Bí thư Huyện uỷ A Lưới lại khá cẩn trọng: “Họ vẫn còn thiếu kinh nghiệm”. Nhưng ông cũng thừa nhận là mấy năm trở lại đây, bộ máy cán bộ từ huyện cho tới xã chạy trơn tru, thông suốt hơn rất nhiều. “Trước đây, một kết luận của bí thư về một vấn đề gì đó sau cuộc họp, từ nói mồm thành văn bản phải mất cả tuần, nhưng bây giờ thường là có ngay trong ngày” - ông nói.

Chuyện cái email ...

Xã Hồng Thượng, huyện A Lưới một buổi chiều mưa tầm tã. Tôi gõ cửa một căn phòng, giới thiệu là nhà báo và xin được gặp chủ tịch xã. Ông chủ tịch (sau này tôi mới biết) ngồi dựa lưng trên ghế, hai chân gác lên bàn, miệng phì phèo thuốc lá trả lời lơ lớ bằng tiếng Kinh: “Chủ tịch xã đi vắng rồi”. Quay ra hỏi nhân viên phòng bên cạnh, họ nói ông đó là chủ tịch xã đó. Quay lại, ông không những không nhận mình là chủ tịch, mà còn trở chứng nói chuyện bằng... tiếng bản địa. Thế là thở dài quay về với một cục ấm ức. Nhưng đó là chuyện của cách đây gần chục năm.

Bây giờ chủ tịch Hồng Thượng là ông Nguyễn Văn Đời - một trong 12 sinh viên được thí điểm đưa về làm phó chủ tịch xã năm 2004 - gặp tôi lần đầu đã xung phong dẫn nhà báo đi về từng nhà dân để “hỏi thêm cho nó rõ”. Vừa trả lời câu hỏi của nhà báo, ông Đời vừa mở mạng Internet tải xuống một tập tin, vừa làm thao tác in vừa hỏi: “Nhà báo đã đọc quyết định mới nhất của UBND tỉnh về đền bù giải toả chưa? Mình vừa thấy nó trên mạng ngày hôm qua”. Xong việc, chủ tịch Đời còn đưa cho tôi một cái địa chỉ mail, bảo “có gì cần hỏi thêm thì cứ viết mail cho mình”.

Giật mình bởi trước đó, khi liên lạc với ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới - ông Trăng cũng gửi qua điện thoại cho tôi một cái địa chỉ mail kèm theo lời nhắn: “Cần thông tin gì anh cứ gửi câu hỏi qua mail, tối mình sẽ trả lời”. Rồi đảo một vòng qua các phòng ban từ huyện tới xã, đâu đâu cũng thấy máy tính và mạng Internet tốc độ cao hoạt động gần như hết công suất để phục vụ công việc.

Tôi thấy hơi... choáng bởi nhớ lại thời điểm năm 2004, khi ông Võ Văn Dự mới từ dưới xuôi lên A Lưới nhậm chức chủ tịch huyện, chuyện sử dụng máy tính, truy cập Internet để lấy thông tin, liên lạc công việc qua mạng nội bộ (chưa nói đến email) là những khái niệm rất mơ hồ và sau đó đã trở thành nỗi kinh hoàng cho cán bộ cả huyện khi ông Dự bắt họ phải làm quen với những thao tác nhập môn. Là bởi bây giờ lãnh đạo từ tỉnh đến xã, ai cũng được trang bị máy tính, đường truyền Internet, địa chỉ mail, nhưng chưa bao giờ có ai chủ động nói với tôi “có gì cứ gửi câu hỏi vào mail...” như vừa mới nghe ở huyện A Lưới.

Thậm chí có người, sau bao nhiêu lần hẹn không gặp được, tôi chủ động đề nghị “hay là tôi gửi câu hỏi qua mail cho ông?” và được đồng ý, nhưng tôi chờ đến hơn một tháng sau vẫn không thấy trả lời, gọi điện hỏi thì “xin lỗi mình bận quá nên quên mất”. 

Huyện A Lưới của thời điểm năm 2004, khi tôi thực hiện bài viết “Những chuyện không thường ngày ở huyện” lần đầu tiên và bây giờ, giữa năm 2011, theo ông Lê Văn Trừ, Bí thư Huyện uỷ là đã có những đổi thay chóng mặt về cơ sở hạ tầng, về các con số hộ nghèo, thu nhập đầu người, trẻ em suy dinh dưỡng... Với ông Võ Văn Dự, mấy năm trở lại đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới đã có một chuyển biến rất cơ bản về nhận thức.

Họ đã từ bỏ thói quen sống dựa trên các loại cây ngắn ngày để chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực cho thu nhập tiềm năng như trồng cây càphê, caosu, trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc. Chính điều này giúp cho họ có cơ hội thoát nghèo bền vững cũng như không phát sinh thêm hộ nghèo mới. Và khi có thu nhập tiềm năng, tất nhiên họ sẽ không còn tư tưởng ỷ lại, ngồi chờ vào sự cứu trợ của Nhà nước mỗi khi giáp hạt như lâu nay nữa.

Tuy vậy cả hai ông đều có chung một nhận định: Những đổi thay vừa kể  là kết quả của một quá trình với nhiều tác động, trong đó tác động quan trọng nhất chính là sự thay đổi tích cực về công tác cán bộ từ huyện đến xã như đã thấy...

Theo Hoàng Văn Minh (Báo Lao động)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.366.977
Truy câp hiện tại 74.287