Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website
Cần xây dựng bộ từ điển điện tử Pa Kô, Tà Ôi - Việt; Việt - Pa Kô, Tà Ôi nhằm phục vụ việc dạy học tiếng dân tộc ở Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 17/02/2011

 Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở các cấp đã và đang trở thành một trong những tiêu chí đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học. Trên cả nước, ngoài các địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ... đã có những bước phát triển trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, thì một số vùng miền khó khăn khác đã có những việc làm thiết thực trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin vào nhà trường như trường hợp các tỉnh Tây Nguyên, điều mà chúng ta cần phải học hỏi để tìm ra một số gợi ý cho giáo dục tỉnh nhà, mà nhất là phục vụ cho học sinh dân tộc thiểu số hai huyện Nam Đông - A Lưới của chúng ta.

 1. Đặt vấn đề:

Tuy đây là việc của tương lai gần, song, chúng ta cần có những tính toán ban đầu để các nhà quản lí giáo dục, những kĩ sư tin học, các nhà ngôn ngữ học, những giáo viên đứng lớp lâu năm ở miền núi, chính quyền sở tại có những ưu tiên trước mắt để hoàn thiện bộ từ điển điện tử Tà ôi, Pacô - Việt, Việt - Tà ôi, Pacô càng sớm càng tốt nhằm phục tốt hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ dạy và học tiếng dân tộc trong trường học cũng như đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang giao nhiệm vụ cho một số trường Đại học hiện nay.

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Theo đó, văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng có điều kiện tồn tại và không ngừng phát triển. Trong thời kì hiện đại, cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, song song với vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, nhu cầu sử dụng văn hóa của con người ngày càng cao. Trong ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng vậy, để thiết thực góp phần phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, một số nơi, chữ viết, tiếng nói các dân tộc thiểu số đã được cài đặt các phần mềm từ điển điện tử như; Từ điển điện tử Việt - Jrai, Jrai - Việt, xây dựng cơ sở dữ liệu từ vựng tiếng dân tộc thiểu số trên các trang Web như: Trang web cơ sở dữ liệu từ vựng Mnông - Việt, Việt - Mnông, hoặc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắc Lắc đã tạo ra bộ fon TayNguyenKey, không chỉ gõ được chữ tiếng Việt, tiếng Anh và chữ viết của 06 dân tộc thiểu số: Êđê, Mnông, Jrai, Bahnar, Sêđăng Kho mà còn gõ được chữ viết của 12 dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên. Theo như ý kiến của TS Y Ghi Niê, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắc Lắc thì “Kết quả của đề tài này đã góp phần quan trọng trong việc soạn thảo văn bản trên máy tính bằng chữ viết của các dân tộc thiểu số một cách thuận lợi, đúng nghĩa và chính xác của tất cả các ký tự khác biệt so với các ký tự trong tiếng Việt. Bộ fon TayNguyenKey đã và đang được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn, được các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài tỉnh đánh giá cao”. Trong trường hợp của Tây Nguyên và một số nơi khác, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm để sớm thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin không những trong việc dạy học mà còn có nhiều ý nghĩa khác đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

2. Vài nét về người Tà ôi và chữ viết Tà ôi, Pacô.

Dân tộc Tà ôi là một trong số 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Theo các tài liệu cổ sử thì tộc danh Tà ôi về nguồn gốc và thành phần của tộc người này từng được Quế Đường Lê Quý Đôn nhắc đến nhiều, đặc biệt là ở cuốn "Phủ biên tạp lục" (Thế kỉ XVIII).

Ở Việt Nam, người Tà ôi có 34.960 người, trong đó nam 17527 người, nữ 17433 người (theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/04/1999, kể cả nhóm người Pacô và Pahy). Cho đến năm 2004, Ban Dân tộc và Miền núi hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã tiến hành điều tra cho biết người Tà ôi sinh sống ở đây có 37.353 người và sống tập trung chủ yếu ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) với 27.135 người.

Người Tà ôi được hình thành từ cộng đồng tộc người gồm 3 nhóm nhỏ là Pacô, Pahy và Kân Tua thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Song hiện nay vấn đề tên gọi Tà ôi với các nhóm địa phương Pacô, Pahy vẫn chưa thống nhất. Với số dân 37.353 người, cư trú đông nhất ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) 27.135 người, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) 7446 người, huyện Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị) 2733 người, còn lại ở huyện Hương Trà, Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế). Trong tộc người này có gần 20.000 người tự nhận là người Pacô, số còn lại hơn 17.000 người tự nhận là người Tà ôi.

Trên các văn bản giấy tờ lưu hành tại địa phương như giấy khai sinh, hộ khẩu, sơ yếu lí lịch...thì nhóm Pacô, Pahy ghi tên thành phần dân tộc mình như những tộc người độc lập và họ cho rằng giữa họ với người Tà ôi là hoàn toàn khác nhau.

Nhóm địa phương Pacô được giải thích với ý nghĩa là "về phía núi" hoặc "người miền núi". Tiếng dân tộc Pa là phía, ở về phía, Cô là núi cao. Từ này được gọi lên nhằm phân biệt với người sống thấp hơn mình và trên thực tế người Pahy ở vùng núi thấp hơn so với người Tà ôi, Pacô nên người Pahy vẫn xem mình cũng là một tộc người riêng.

Nhóm địa phương Pahy cư trú ở các xã miền núi thuộc huyện Phong Điền, Hương Trà, A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), cụ thể ở A Lưới có 155 người (xã Hồng Hạ 78 người, thị trấn A Lưới 77 người), huyện Hương Trà (xã Hồng Tiến 372 người), huyện Phong Điền (xã Phong Mỹ 297 người) (Nguồn: Ban Dân tộc và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế 2005). Người Pahy ở vùng tiếp giáp với người Việt nên về mặt ngôn ngữ và văn hoá có nhiều yếu tố giống người Việt. Bên cạnh đó nhóm Pahy cần có một đặc điểm cần quan tâm là bộ phận người Pahy ở gần người Vân Kiều lại có nhiều yếu tố ngôn ngữ và văn hoá giống người Vân Kiều. Vấn đề về nhóm địa phương Pacô, Pahy hiện nay vẫn đang còn là vấn đề tranh cãi trong việc ý thức tự giác dân tộc và trong lúc chờ đợi những cuộc hội nghị, hội thảo xác định lại thành phần dân tộc giữa các nhóm người này thì nhóm địa phương Pacô, Pahy vẫn thuộc tộc người Tà ôi.

Người Tà ôi theo như lời kể của những người già ở huyện A Lưới thì họ cho rằng: "Ngày xưa người Tà ôi cư trú rất đông xung quanh hồ Tù Vàng Axeng thuộc Mường Nong, huyện Tà ôi, tỉnh Sanavằn của Lào, hồ rộng khoảng 5 ha. Vào một năm có loài ong độc không biết từ đâu bay đến đốt dân làng, làm mọi người bị bệnh và chết nhiều không kể hết. Các làng tổ chức cúng Giàng, nhưng nạn dịch bệnh từ ong độc vẫn không thuyên giảm. Dân làng đành phải phân tán đi các nơi khác. Một số chạy theo hướng Tây đi sâu vào đất Lào, một số chạy theo hướng Đông cư trú ở các vựng A Roàng, Nhâm, A Đớt, A Ngo thuộc huyện A Lưới ngày nay. Ở phía dưới họ rất xa có các nhóm người Pacô Asáp, Pacô Pasiêng, Pacô Aloông, Pacô Ale, Pacô Tring. Phía trên người Tà ôi ở đất Lào có các nhóm người thuộc dân tộc Tà ôi như Aro, A Bộc, A Lưng, Tăng Pring. Họ là những người biết trồng bông, dệt vải giống người Tà ôi".

Về mặt ngôn ngữ: Trong phân loại phổ hệ tiếng Tà ôi thường được xếp vào nhóm ngôn ngữ Katuic (hay còn gọi là nhóm Sôkuy/ Sộ Suồi) và ở phạm vi nhỏ hơn là khối Katu Đông thuộc ngành Môn-Khmer ngữ hệ Nam Á.
Như chúng ta đã biết Tà ôi có nhiều tên gọi khác nhau như Taos, Kantua, Kha Tà ôi, Ta uos. Cộng đồng người Tà ôi ở Việt Nam gồm có 3 nhóm: Tà ôi, Pacô và Pahy. Một số tài liệu xem tiếng Tà ôi là biến thể của Pacô. Nhưng một số tài liệu khác lại cho tiếng Tà ôi gần với tiếng Pacô nhưng không phải là phương ngữ của Pacô.
Tiếng Tà ôi có nhiều điểm khác biệt so với tiếng Việt không chỉ về mặt cấu tạo từ mà hệ thống ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp cũng không giống nhau. Tiếng Tà ôi là ngôn ngữ thuộc nguyên âm tính, có sự đối lập giữa hai âm tiết, âm tiết chính và âm tiết phụ, không có hệ thống thanh điệu, phát triển phương thức phụ tố.
Về mặt chữ viết: Dân tộc Tà ôi là một trong 18 dân tộc có chữ viết theo hệ Latinh gồm: Hmông, Bru - Vân Kiều, Tà ôi, Cơtu, Ghẻ - Triêng, Co, Xơđăng, Hrê, Bana, Gia Rai, Êđê, Mnông, Chu ru, Raglai, Cơho, Mạ, Xtiêng, Chơro.
Hệ chữ viết theo kiểu Latinh hoá này ở vùng người Tà ôi đã được ông Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ sáng chế dựa trên cách ghi âm của chữ Quốc ngữ nhằm dạy chữ và truyền tin cho đồng bào vùng giải phóng từ năm 1957 (sau 10 năm có trường dạy học ở miền núi phía Tây Thừa Thiên Huế năm 1947).
Theo như ông Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ kể lại hành trình làm bộ chữ viết cho đồng bào Tà ôi - Pacô thì "Chữ Pacô - Tà ôi cũng giống như chữ Quốc ngữ lấy bộ chữ cái Latinh làm cơ sở. Có nhiều chữ cái có cách đọc giống nhau ở chữ Quốc ngữ và chữ Pacô - Tà ôi. Đồng thời cũng có những chữ cái ở chữ Pacô Tà ôi có cách đọc khác với cách đọc trong chữ Quốc ngữ". Chính vì thế, trong quá trình sáng tạo chữ viết, ông nhận thấy trong cách phát âm của người Tà ôi, có những thanh điệu không thể ghi lại bằng mẫu tự tiếng Việt nên phải sáng tạo thêm các kí tự "h" (đặt ở cuối câu có dấu chấm lửng), chữ "6" (ghi dấu ươ), chữ "õ" (ghi dấu ưô). Chính từ bộ chữ này, thầy Ku Nô Hồ Ngọc Mỹ đã đào tạo bồi dưỡng cấp tốc cho các học trò người dân tộc thiểu số trẻ tuổi. Sau đó, chính lớp học trò ấy đã trở thành người trực tiếp giảng dạy bộ chữ Pacô - Tà ôi cho đồng bào mình, cán bộ cách mạng cũng sử dụng bộ chữ viết ấy để in tờ in trong vùng giải phóng.
Năm 1983, Viện Ngôn ngữ học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã cử ông Nguyễn Văn Lợi vào A Lưới để cùng ông hoàn chỉnh lại bộ chữ ông soạn để làm hệ thống chữ chính thức cho người Tà ôi. Đến năm 1986 công trình được công bố với tên gọi "Sách học tiếng Pacô - Tà ôi" với lời giới thiệu: "Sự ra đời và sử dụng chữ viết Pacô - Tà ôi có ý nghĩa chính trị và thực tiễn to lớn. Trước hết, nó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Mặt trận Dân tộc giải phóng đối với việc sử dụng và phát triển tiếng nói dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Pacô - Tà ôi. Chữ viết Pacô - Tà ôi đã góp phần vào việc tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, thực sự là phương tiện mang ánh sáng cách mạng đến với đồng bào dân tộc".
3. Việc dạy và học tiếng Tà ôi, Pacô ở vùng dân tộc Thừa Thiên Huế
Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được tám bộ chương trình cho tám thứ tiếng dân tộc thiểu số vào giảng dạy các trường Tiểu học và THPT Nội trú, đồng thời Bộ cũng chỉ đạo biên soạn được hàng trăm đầu sách song ngữ với nội dung kiến thức địa phương để sử dụng trong nhà trường. Biên soạn các loại từ điển, so sánh, đối chiếu các ngôn ngữ Dân tộc - Việt, các sổ tay phương ngữ Việt - Dân tộc dùng cho học sinh tiểu học. Hiện đã có 25 tỉnh dạy tiếng dân tộc trong chương trình tiểu học.
Trên tinh thần đó, ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua cũng đã chú trọng đến vấn đề này và đã kết hợp với đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm biên soạn bộ sách học tiếng dân tộc trong trường tiểu học dành cho lớp 1,2,3. Đồng thời cũng đã mở hàng chục lớp dạy tiếng dân tộc cho các đối tượng là cán bộ chủ chốt cấp huyện ở Nam Đông - A Lưới, các học viên sau khi học xong khóa học được cấp chứng chỉ, xem đó là cơ sở pháp lý trong việc truyền thụ lại kiến thức cho học sinh, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng dạy học ở các huyện miền núi Thừa Thiên Huế, thách thức đầu tiên chính là hàng rào ngôn ngữ - tiếng phổ thông/tiếng dân tộc, tiếng Việt vẫn là sự thách đố với các em học sinh dân tộc thiểu số khi học sách giáo khoa mới. Cho nên, người giáo viên đứng lớp cần có những giải pháp gì để các em học sinh dễ dàng tiếp thu bài học, bài giảng? Thiết nghĩ, người đứng lớp phải biết tiếng dân tộc theo cách giao tiếp thông thường, hoặc là chờ đến khi có bộ từ điển điện tử Tà ôi, Pacô - Việt, Việt - Tà ôi, Pacô, đến khi đó giáo viên đứng lớp chỉ cần thành thạo vi tính, ứng dụng tốt công nghệ thông tin là được.
4. Cơ sở để hình thành việc xây dựng từ điển Tà ôi, Pacô - Việt, Việt - Tà ôi, Pacô.
Để xây dựng được bộ từ điển điện tử Tà ôi, Pacô - Việt, Việt - Tà ôi, Pacôngười làm cần phải biết vốn từ vựng, văn hóa Ta - ôi. Cho nên, chúng tôi xin được nêu ra một số gợi ý để cùng nhau thực hiện, nếu trong trường hợp việc này được xem là cấp thiết.
- Dựa vào công trình “Sách học tiếng Pakôh - Taôih”, UBND Tỉnh Bình Trị Thiên, Hà Nội, 1986. Công trình này do GS Hoàng Tuệ làm chủ nhiệm công trình, các tác giả: Nguyễn Văn Lợi, Đoàn Văn Phúc, Phan Xuân Thành, với sự công tác của: Ku Nô (Hồ Ngọc Mỹ), Hồ Đoal, Hồ Đức Vai, Hồ Chí Thời, Hồ Thị Hoa, Đoàn Minh Sơn, Hồ Vui, Nguyễn Thị Lài, Hồ Văn Toa, Nguyễn Thị Loan.
- Trần Nguyễn Khánh Phong - Nguyễn Thị Sửu: Truyện cổ Ta - ôi, sách song ngữ Tà ôi - Việt, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2005. Đây là cuốn sách song ngữ đầu tiên về ngôn ngữ Tà ôi, với nhiều vốn từ vựng rất phù hợp với lứa tuổi học sinh vùng dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế.
- Tạo mục cấu trúc các mục từ; gồm
+ Từ nhiều nghĩa
+ Từ gốc
+ Phát âm
Mỗi nghĩa của từ cần thực hiện những thuộc tính sau:
++ Từ loại: mỗi mục từ cần tra gồm nhiều thuộc tính như: danh từ, tính từ, động từ...
++ Ý nghĩa: ý nghĩa bằng tiếng Tà ôi, Pacô của mỗi mục từ.
++ Ý nghĩa: ý nghĩa bằng tiếng Việt của mỗi mục từ.
- Mã và font tiếng Việt&Tà ôi, Pacô
+ Chữ Việt: TCVN Unicode 6909, các font có sẵn của Windows như Times New Roman, Arial, Tahoma, Verdana...
+ Chữ Tà ôi, Pacô: Vì sử dụng chữ viết theo hệ Latinh nên dễ dàng tạo chữ viết cho người Tà ôi, Pacô trong từ điển, chúng ta sẽ sử dụng bảng mã Unicode, bộ gõ Vietkey và kiểu gõ Telex.
- Chức năng cập nhật từ điển
+ Chức năng: Sử dụng để tạo, cập nhật vào từ điển cho phép thêm, sửa, xóa từ.
+ Vì phải nhập khối lượng từ rất lớn, để việc cập nhật từ điển một cách nhanh chóng, cần có một giao diện riêng về việc nhập liệu, có thể sử dụng phần Windows Application (Win Form).
- Làm sao để khi người sử dụng chỉ cần gõ một ký tự trên bàn phím thì sẽ có hàng loạt từ hiện ra để người tra cứu tiếp tục gõ ký tự thứ hai thì sẽ có nghĩa của một từ tương ứng với tiếng Việt.
- Khi biên soạn từ điển này cần có sự giúp đỡ của chuyên gia ngôn ngữ Tà ôi là TS Nguyễn Thị Sửu (dân tộc Tà ôi), người đã có nhiều công trình nghiên cứu về từ vựng, ngữ nghĩa Tà ôi. Mời thầy giáo Trần Văn Xuy (thôn Cân Nông, xã Hồng Quảng), chuyên gia về bộ sách Tài liệu học tiếng Pacô - Tà ôi (2 tập).

Thiết nghĩ, ý kiến của chúng tôi còn nông cạn song những gì đã nói ra đều có ý nghĩa, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đối với các trường ở đồng bằng thì rất thuận lợi bởi trình độ tiếp thu của học sinh có nhiều tiến triển. Còn đối với học sinh miền núi, sức học còn hạn chế lại thêm việc bất đồng ngôn ngữ đã tạo thêm nhiều cách biệt trong việc dạy, giảng của giáo viên, tiếp thu bài vở của học sinh. Cần sớm xây dựng bộ từ điển điện tử Tà ôi, Pacô - Việt, Việt - Tà ôi, Pacô không chỉ phục vụ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp mà còn có ý nghĩa thiết thực trong dạy học, đó cũng là một phần thành công của việc ứng dụng công nghệ thông tin với tư cách là phương tiện góp phần đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học.

Khánh Phong
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.487.434
Truy câp hiện tại 103.093