Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website
Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019
Ngày cập nhật 06/12/2019

Năm 2019, năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI và kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiệnNghị quyết số 04/2018/NQ-HĐND ngày 19 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân huyện A Lưới, với sự nỗ lực của toàn huyện, tình hình thực hiện kinh tế xã hội đạt được một số kết quả như sau:

A. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

- Tỷ trọng các ngành: Nông, lâm, ngư nghiệp: 38,7%; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng: 30,7%, và Dịch vụ: 30,6%.

 - Dự ước đến 31/12/2019, có 10/17 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, 07/17 chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch, cụ thể:

          + Thu ngân sách trên địa bàn huyện 76,4/140 tỷ đồng.

+ Thu nhập bình quân đầu người 24,28/25 triệu đồng/người/năm;

+ Tổng diện tích gieo trồng 5.614/6.300 ha;

+ Sản lượng lương thực có hạt: 17.400/18.400 tấn

+ Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,68/1,50%;

+ Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 12/11%;

+ Xã đạt chuẩn nông thôn mới 4/5 xã;

I. LĨNH VỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp:

Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 5.613,7ha, đạt 89,2% so với kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 17.400 tấn, đạt 94,6% so với kế hoạch giảm 1.181 tấn so với cùng kỳ. Tỷ lệ sử dụng lúa xác nhận đạt 81%, tăng 4% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng một số loại cây hàng năm chủ yếu khác do hạn hán nên hầu hết giảm so với cùng kỳ, kéo theo sản lượng và năng suất giảm[1].Tổng diện tích lúa nước bị hạn 268,5 ha, trong đó hạn nặng gây thiệt hại trên 70% diện tích chiếm 182,7 ha.

Kết quả thực hiện các đề án, mô hình:

- Đề án phát triển đàn bò: Năm 2019 đã triển khai cho 06 hộ dân/4 xã tham gia đề án, đã nhập 24 con bò hậu bị hiện nay đàn bò sinh trưởng phát triển bình thường. Triển khai công tác thụ tinh nhân tạo 300 con bò cái trên địa bàn huyện hiện, đã sinh sản được 14 con và thiến 28 con bò đực cóc.

- Mô hình giống lúa JO2: Triển khai tại 07 xã, diện tích 16,0 ha, năng suất 64,0 tạ/ha. Giống lúa này thích nghi với đất đai khí hậu A Lưới, sản xuất được 2 vụ; chất lượng gạo ngon.

- Lúa Ra dư: Diện tích 113,8 ha; Trong đó: Nguồn của huyện 67,3 ha; Nguồn dự án Trường Sơn Xanh gieo tại xã Hồng Thủy 43,0 ha; Nguồn dự án UNDP do Huyện đoàn A Lưới làm chủ đầu tư gieo tại xã Hương Nguyên 3,5 ha.

- Mô hình trồng Nếp than: Diện tích 15,4 ha, gieo tại 02 xã Sơn Thủy; A Roàng có năng suất ước đạt 43 tạ/ha.

- Mô hình trồng Bơ: Tại xã Hồng Thủy với diện tích 1,5 ha/2 hộ đến nay cây sinh trưởng phát triển tốt. Dân tự trồng trước đây 3,5 ha, chất lượng tốt. Đã có công ty liên hệ đầu tư mở rộng quy mô 20 ha thực hiện trong năm 2020 tại xã Hồng Thủy.

- Mô hình trồng Mít (Thái Lan): Diện tích 5,0 ha/04 xã (Hương Phong, Hồng Thượng, Nhâm, Hồng Vân), tỷ lệ cây chết 22,32%, lý do chất lượng giống không tốt (Mắt ghép yếu), số cây còn lại đến nay sinh trưởng phát triển bình thường.

Chăn nuôi: Chăn nuôi gia cầm, nhất là chăn nuôi gà có nhiều thuận lợi, giá thịt gà giữ mức ổn định nên khuyến khích người chăn nuôi mở rộng quy mô đàn, song chăn nuôi gia súc gặp nhiều khó khăn, dịch tả lợn Châu Phi, lỡ mồm long móng xảy ra trên diện rộng[2], tuy đã xử lý kịp thời nhưng vẫn ảnh hưởng đến tổng đàn. Tổng đàn gia súc: 43.545 con/46.000 con đạt 94,7 % so với kế hoạch[3]; tổng đàn gia cầm: 357.250 con/350.000 con (có mặt 168.246 con) đạt 102,1% so với kế hoạch. Tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ để phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, dịch Lở mồm long móng tại địa bàn các xã và kịp thời hỗ trợ cho người dân. Hoạt động thú y được thường xuyên thực hiện đảm bảo kế hoạch đề ra[4].

Thủy sản: Diện tích ao hồ: Tổng diện tích 242ha, sản lượng thu hoạch đạt 831 tấn, (trong đó, khai thác từ lòng hồ thủy điện 30 tấn). Số hộ thực hiện nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện cho năng suất tốt. Theo dõi quá trình sinh trưởng cá Tầm tại Hồng Kim với quy mô thả 500 con thử nghiệm, hiện tại, cá phát triển bình thường với trọng lượng 1,5kg/con.

Lâm nghiệp: Diện tích rừng kinh tế đã khai thác 2.058 ha, cho sản lượng 144 nghìn tấn. Diện tích trồng lại 2.005 ha, cây phát triển bình thường. Tiếp tục triển khai phát triển trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2018 - 2020 với diện tích 2.228 ha, đã cấp chứng chỉ FSC cho 226 ha, thành lập 06 chi hội chủ rừng.

Quản lý bảo vệ rừng: Công tác phòng cháy chữa cháy rừng tiếp tục tăng cường. Trong năm đã xảy ra 03 vụ cháy với diện tích thiệt hại ước tính 2,857 ha. Truy quét, tuần tra phát hiện và lập biên bản 121 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 125,8 m3 gỗ các loại.

2. Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp:

Chi tiết được đánh giá tại Chương trình trọng điểm Xây dựng đô thi văn minh; Chương trình Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống.

3. Thương mại - Dịch vụ - Giao thông vận tải:

Hệ thống dịch vụ phân phối hàng hoá ngày càng đa dạng về chủng loại, phong phú trong sử dụng. Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng đủ hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hoạt động quản lý kinh doanh ngày một hiệu quả[5]

Hoàn thành dự án hỗ trợ cấp cơ sở “Xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm vải Dèng A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”; dự án mô hình nuôi gà sao tại xã A Roàng; dự án lúa Ra Dư xã A Roàng.

Dịch vụ vận tải hành khách được mở rộng, dịch vụ taxi, cho thuê xe tải, ô tô tự lái phát triển; hệ thống phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tiếp nhận bàn giao đường Hương Sơn, xã A Roàng với chiều dài 1.629m, tổng mức 5,6 tỷ đồng, 02 công trình đường giao thông từ xã A Roàng ra biên giới với tổng chi phí đầu tư 49,9 tỷ đồng và đường từ Hồng Bắc đi Đồn Biên phòng Nhâm với tổng chi phí đầu tư 67,8 tỷ đồng.Hoàn thành thủ tục đề nghị công bố lại bến xe A Lưới đưa vào hoạt động.

4. Quản lý quy hoạch đầu tư và xây dựng:

Tiến hành tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung đô thị A Lưới mở rộng; triển khai các thủ tục điều chỉnh bổ sung khu xử lý chất thải rắn và nghĩa trang nhân dân tạo Hồng Thượng. Hoàn thành thực hiện cắm mốc giới quy hoạch giao thông khu vực đô thị A Lưới mở rộng. Ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị A Lưới mở rộng.

Quản lý tốt các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn; Chất lượng thi công các công trình được đảm bảo, tuân thủ quy trình thi công, nghiệm thu, an toàn lao động. Tuy nhiên, một số dự án còn chậm do vướng mắc giải phóng mặt bằng, một số nhà thầu thi công chưa đảm bảo tiến độ theo hợp đồng ký kết; Một số chủ đầu tư còn buông lỏng trong công tác quản lý.

Tổng nguồn đầu tư xây dựng ước giải ngân: 74,8 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch vốn. Trong đó: Nguồn huyện quản lý (bao gồm các Chương trình mục tiêu quốc gia và kiến thiết thị chính): 53,3 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch vốn, nguồn tỉnh quản lý: 21,5 tỷ đồng, đạt 92,8% kế hoạch vốn. Quyết toán 42 công trình hoàn thành. Thông qua việc quyết toán đã nhắc nhở các cơ quan liên quan phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy trình xây dựng cơ bản, chất lượng công trình, vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện.

5. Tài nguyên và Môi trường - Phát triển quỹ đất:

Quản lý đất đai:

Hoàn thành xây dựng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020. Việc quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường; công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đẩy mạnh. Tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 86,39% so với hồ sơ cần cấp.

Xây dựng Kế hoạch thực hiện Kết luận số 259/KL-UBND ngày 31/7/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc bàn giao đất của các Ban quản lý Rừng phòng hộ, các đơn vị có liên quan và việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của UBND huyện A Lưới sau khi nhận bàn giao.

Thực hiện dự án đo đạc hỗ trợ đất lâm nghiệp cho các hộ dân ảnh hưởng thu hồi đất bởi dự án Thủy điện A Lưới. Hoàn thành phương án phân chia bổ sung đất sản xuất cho 20 hộ gia đình tại Làng Thanh niên lập nghiệp; Đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do các Ban quản lý rừng, công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, lâm trường quốc doanh giao lại trên địa bàn huyện.

Môi trường: Thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và thực hiện Đề án cải thiện chất lượng vệ sinh môi trường nông thôn[6]; Đề án thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt giai đoạn 2016 - 2020. Cuộc vận động toàn dân xây dựng A Lưới xanh - sạch - sáng, không rác thải qua Chương trình “Ngày chủ Nhật Xanh”, chương trình "Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần"  đã phát huy tính hiệu quả, góp phần rất lớn cải thiện môi trường.

Khoáng sản: Tổ chức kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện, qua kiểm tra phát hiện một số đối tượng khai thác cát sỏi bằng thủ công và lập biên bản đình chỉ[7].

Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phát triển quỹ đất:     

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhìn chung chặt chẽ, đến nay, đã hoàn thành thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một số dự án trọng điểm với tổng diện tích thu hồi: 42.300m2/132 hộ ảnh hưởng. Hoàn thành công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ: 5,8 tỷ đồng.

Thực hiện cắm mốc ranh giới các thửa đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để điều chỉnh bản đồ phân lô khu đất vườm tràm và xây dựng phương án đấu giá. Đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ trúng đấu giá tại bến xe A Ngo.

6. Tài chính - Kế hoạch:

Ngay từ đầu năm các ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp thu, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt: 76,410 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách huyện, xã hưởng: 23,660/22,170 tỷ đồng đạt 107% theo chỉ tiêu Nghị quyết giao. (Ngân sách cấp huyện: 19,661 tỷ đồng; Ngân sách cấp xã: 3,999 tỷ đồng)

Chi ngân sách địa phương đáp ứng các nhiệm vụ, đảm bảo chế độ chính sách và hoạt động thường xuyên các cơ quan, đơn vị, tổng chi ngân sách huyện, xã: 531,714/419,424 tỷ đồng đạt 131% dự toán đầu năm giao. Trong đó: Chi ngân sách cấp huyện: 392,030/297,266 tỷ đồng, đạt 132%; Chi ngân sách cấp xã: 139,684/122,158 tỷ đồng đạt 114%.

Hoạt động tín dụng hiệu quả, chất lượng tín dụng được nâng lên, hiệu quả sử dụng vốn tương đối tốt. Tổng huy động tín dụng: 704 tỷ, trong đó tiền gửi nhân dân: 349 tỷ đồng; tổng dư nợ: 657 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm rất thấp 0,04% dưới ngưỡng cho phép (3%).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 853 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch, trong đó: Ngân sách trung ương: 69 tỷ đồng, ngân sách tỉnh: 26 tỷ đồng, huyện, xã: 27 tỷ đồng, tín dụng: 704 tỷ đồng. Khác: 28 tỷ đồng.

7. Kinh tế tập thể - Hộ kinh doanh:

Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2018 – 2025. Đã thành lập mới 4 HTX, đạt 200% kế hoạch, nâng tổng số HTX toàn huyện là 21. Kịp thời phổ biến các chế độ, chính sách hỗ trợ hợp tác xã, hỗ trợ thành lập mới đối với các hợp tác xã, các hợp tác xã có sản phẩm tiêu biểu tham gia các Hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.

Cùng với sự phát triển về số lượng HTX trên địa bàn huyện, tổng số lao động trong HTX cũng tăng lên, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân người lao động trong HTX khoảng 3,1triệu/người/tháng. Nhìn chung, hoạt động của các hợp tác xã còn yếu, quy mô dịch vụ nhỏ, thiếu ổn định, năng lực cạnh tranh yếu, đa số các hợp tác xã chưa có trụ sở làm việc. Cấp mới 56 giấy phép hộ kinh doanh cá thể với tổng vốn điều lệ 8,2 tỷ đồng, dừng hoạt động đối với 02 hộ kinh doanh.

II. LĨNH VỰC VĂN HÓA - XÃ HỘI

1. Giáo dục và Đào tạo:

Tỷ lệ huy động ra lớp được giữ vững và đạt tỷ lệ cao cụ thể: Nhà trẻ đạt 41,3%; Mẫu giáo 98,2% (riêng trẻ 5 tuổi 100%); tiểu học đạt tỷ lệ 99,5%; THCS đạt tỷ lệ 93,5%, THPT đạt 78,0%. Tích cực chuẩn bị các điều kiện nhằm thực hiện đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ thông.

Tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng gần 2%, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm 0,5% so với năm học trước; Có 48 học sinh đạt thành tích xuất sắc tại các hội thi, giao lưu cấp tỉnh, 100% cháu 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,9%, Tốt nghiệp THCS đạt 99,4%, Tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 60,8%.

Toàn huyện có 21/21 xã, thị trấn đạt: chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; có 21/21 xã, thị trấn hoàn thành công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ. Có 28 trường học đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng mới 36 phòng học với tổng kinh phí 25,5 tỷ đồng, sửa chữa 7 trường với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. Đã đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học.

2. Văn hoá và Thông tin, thể dục thể thao:                                             

Các hoạt động thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi, tạo sức lan tỏa lớn trong quần chúng nhân dân như các giải bóng đá, bóng chuyền và bắn nỏ; Hoạt động nghệ thuật có chiều sâu, đúng trọng tâm, ý nghĩa[8]. Đã phối hợp tổ chức thành công Ngày hội giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên năm 2019[9]. Liên hoan tuyên truyền lưu động kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Lễ kỷ niệm 50 năm đồng bào các dân tộc A Lưới mang Họ Bác Hồ, 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phối hợp tổ chức giải đua xe đạp Coupe De Hue 2019.

Tổ chức tuyên truyền, kiểm tra nhắc nhở các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo trên địa bàn huyện chấp hành đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với các đơn vị tổ chức quay clip giới thiệu du lịch A Lưới trong chùm phim giới thiệu về du lịch Thừa Thiên Huế.

3. Truyền thanh - Truyền hình:

Duy trì tốt việc tiếp sóng phục vụ nhu cầu nghe nhìn của nhân dân. Kịp thời đưa tin, phóng sự về các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn[10]. Phối hợp thực hiện tốt với Đài Phát Thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế và đã sản xuất được 24 chương trình truyền hình “Dành cho đồng bào các dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế” do Đài TRT thực hiện.

4. Y tế và chăm sóc sức khỏe:

Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm, giám sát dịch bệnh và tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh được triển khai tích cực. Mạng lưới y tế cơ sở cơ bản được hoàn chỉnh, có 17/21 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tổng số bệnh nhân khám và điều trị 2.713 lượt; Trong đó: ngoại trú là 2.259, nội trú là 454. Số bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên là 266 người, giảm 12 người so với cùng kỳ năm 2018.

Các hoạt động triển khai về công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi được thực hiện thường xuyên, đã tổ chức tập huấn kiến thức về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ mang thai và bà mẹ có con dưới 5 tuổi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn huyện là 12%. Thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đang ở mức 1,68%; Tổng số trẻ sinh ra là: 739 trẻ, giảm 29 trẻ so với cùng kỳ năm 2018; trong đó: Con thứ 3 trở lên là 137 trẻ, giảm 20 trẻ so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 18,5%.

5. Công tác lao động, an sinh xã hội:

Tổ chức 5 lớp đào tạo nghề với số học viên là 143 lao động, giới thiệu việc làm mới cho 200 lao động.Xuất khẩu lao động 8 người[11].

Thực hiện kế hoạch hỗ trợ vay vốn nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ năm 2019. Đến nay, số hộ hoàn thành đưa vào sử dụng: 43/84, đạt 51% kế hoạch; tổng số đã giải ngân 1,075 tỷ đồng.

Giải quyết chế độ đảm bảo an sinh xã hội cho 25 nghìn lượt người, với tổng số kinh phí chi trả là trên 45 tỷ đồng; Thụ lý 81 hồ sơ đối với chính sách có công, bảo trợ xã hội. Tiếp nhận 01 mộ Liệt sỹ được quy tập trên địa bàn huyện về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, tổ chức đón tiếp đoàn quy tập 18 mộ Liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào về nước.

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,2%, bảo hiểm xã hội 17,8%, bảo hiểm thất nghiệp, đạt 9,3%.

6. Công tác dân tộc và chính sách dân tộc:

Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ III năm 2019. Rà soát, tổng hợp danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách năm 2019. Phê duyệt danh sách hộ nghèo được vay vốn năm 2019 với tổng kinh phí là 3,5 tỷ đồng/147 hộ, thực hiện giải ngân 3,5 tỷ đồng/147 hộ; phê duyệt hộ thuộc diện hỗ trợ khai hoang đất sản xuất kinh phí 30 triệu đồng/2 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề 790 triệu đồng/158 hộ nghèo; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: 180 triệu đồng/120 hộ nghèo.

Lập danh mục công trình được duy tu bảo dưỡng thuộc chương trình 135 năm 2019; Hoàn thành công tác xây dựng kế hoạch Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2020. Hướng dẫn công tác rà soát các thôn, xã hoàn thành Chương trình 135, giai đoạn 2016 - 2020.

Tổ chức tuyên truyền các nội dung thuộc Đề án ngăn chặn đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 250 lượt người tham gia. Có 18 cặp tảo hôn, so với năm 2018 giảm 05 cặp, không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

III. LĨNH VỰC NỘI CHÍNH

1. Quốc phòng - An ninh:

Tổ chức Diễn tập khu vực phòng thủ huyện, diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã năm 2019 đúng ý định, thành công tốt đẹp. Tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm xây dựng nền quốc phòng toàn dân giai đoạn 2009 - 2019. Tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng A Bia. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, trực chỉ huy, trực ban, trực phòng không, bảo đảm thông tin liên lạc luôn thông suốt, sẵn sàng huy động lực lượng xử lý các tình huống xảy ra trên địa bàn ở tuyến biên giới. Triển khai và thực hiện nghiêm túc Kế hoạch tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2019. Tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ năm 2019 đạt 100% quân số tham gia. Xây dựng và ban hành các văn bản triển khai công tác tuyển chọn, gọi công dân phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân năm 2020.

Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn ổn định, tình trạng xâm canh, xâm cư của công dân tuyến biên giới không xảy ra, đảm bảo an ninh, trật tự trong các dịp Tết, lễ diễn ra trên địa bàn huyện. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/HU ngày 05/7/2018 của Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện A Lưới đến năm 2020.

Đoàn lâm thời, người nước ngoài có 1.281 người, chủ yếu hoạt động tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học, thực hiện dự án và hoạt động MIA. Qua công tác nắm tình hình, chưa phát hiện vấn đề gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Tổ chức công tác giao ban Công an 02 huyện A Lưới và Ka Lừm về công tác đảm bảo trật tự. Giao ban công tác đảm bảo an ninh trật tự 6 huyện trên tuyến biên giới Việt - Lào Quý III tại huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet. Đã tổ chức có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân Phòng cháy chữa cháy - 04/10/2019”. Bố trí 53 đồng chí công an chính quy về đảm nhận các chức danh Trưởng, Phó công an xã và công an viên đối với 17 xã.

Nắm bắt tình hình, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn xã Hồng Thủy trong việc triển khai Nghị quyết 31/NQ-CP. Triển khai các biện pháp nhằm nắm bắt và giải quyết các trường hợp vi phạm hình sự kịp thời gắn với công tác tuyên truyền pháp luật[12].

Công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy: Hoàn thành công tác khảo sát, rà soát tại 11 trường học với 3.441 học sinh và chưa phát hiện vi phạm. Rà soát, lập danh sách số đối tượng nghiện, đối tượng sử dụng chất ma túy trái phép trong diện quản lý 80 đối tượng, trong đó 09 đối tượng nghiện, 71 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy.

An toàn giao thông: Xảy ra 10 vụ, chết 10 người, bị thương 06 người. So với cùng kỳ năm 2018 tăng 07 vụ, chết tăng 08 người, bị thương tăng 04 người.

2. Công tác nội vụ:

Làm tốt công tác kiện toàn và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh, gọn và hoạt động có hiệu quả. Đã thực hiện công tác sắp xếp, sáp nhập đối với 6 xã, 02 trường học, 02 đơn vị sự nghiệp. Phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc xác định vị trí cắm mốc địa giới hành chính theo Nghị quyết 31/NQ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ.

Tiến hành các biện pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính cấp huyện năm 2019. Trang Điều hành tác nghiệp tích hợp hồ sơ công việc được các phòng, ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện thực hiện nghiêm túc, mang lại hiệu quả thiết thực. Triển khai Điều tra xã hội học nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa công dân - cơ quan chính quyền; hướng dẫn triển khai việc đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2019. Triển khai một cửa hiện đại tại 11 xã.

Kịp thời khen thưởng cho các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên các lĩnh vực. Tiếp tục đẩy mạnh, hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước trên lĩnh vực Hội, tổ chức phi Chính phủ.

3. Công tác đối ngoại, tôn giáo:

Thường xuyên giữ mối liên hệ đối với các huyện giáp ranh nước CHDCND Lào, các huyện giáp ranh thuộc tỉnh Quảng Nam. Tổ chức giao ban với các huyện giáp ranh. Tạo điều kiện thuận lợi cho Đội Mia hoàn thành hoạt động tìm kiếm tại huyện A Lưới.

Hoạt động tôn giáo diễn ra thuần túy, chưa có dấu hiệu móc nối, cài cắm và truyền giáo trái phép.

4.Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Tổ chức 13 đợt tiếp công dân với 60 lượt công dân tham gia; Tiếp nhận 151 đơn phản ánh, kiến nghị, tranh chấp. Đã xử lý 141 đơn thư liên quan đến các lĩnh vực; Tại trụ sở tiếp công dân huyện đã tiếp 19 lượt công dân với 19 ý kiến, kiến nghị.

Thường xuyên, tăng cường về cơ sở, duy trì việc tiếp công dân đã giúp nắm bắt được tình hình, kịp thời chỉ đạo giải quyết những kiến nghị, vướng mắc trong nhân dân, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người.

(Chi tiết có báo cáo riêng)

5. Công tác Tư pháp:

Chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và ban hành kế hoạch hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn kỳ 2014 - 2018. Phối hợp với Sở Tư pháp, tổ chuyên viên liên hợp tỉnh tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho 09 công dân Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào tại xã A Roàng, Hồng Vân, Hồng Quảng, Nhâm và Đông Sơn, đồng thời rà soát bổ sung các thành phần thuộc khu vực các xã biên giới.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật đến các đối tượng trên địa bàn huyện. Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Nghị quyết  48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến 2020. Cụ thể hóa triển khai ngày pháp luật trên địa bàn huyện theo Luật phổ biến giáo dục pháp luật.

B. THỰC HIỆN CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

1. Các dự án sử dụng ngân sách nhà nước: Các dự án được tổ chức triển khai kịp thời, đúng tiến độ, cụ thể: Chợ A Lưới: Đang trong quá trình hoàn thiện(đạt trên 90%); Chợ Bốt Đỏ: Đã phân lô bán đấu giá đợt 1 sử dụng; Trường Mầm non Bắc Sơn đạt trên 20%, Trường Mầm non Sơn Ca đạt 85%; Nhà làm việc khối Mặt trận đoàn thể thị trấn A Lưới đã triển khai thi công với khối lượng trên 50%. Dự án đồi cảnh quan khu vực đồi thông: Hoàn thành giai đoạn 1. Dự án chỉnh trang đường Konh Hư, Động Tiên Công: Đang thi công 10%.

2. Các dự án kêu gọi đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách: Đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương dự án đầu tư. Tuy nhiên, đến nay các nhà đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư liên quan. Vì vậy, các dự án chưa được triển khai thực hiện[13].

C. THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM

1. Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh:

Sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 13/12/2016 của Huyện ủy về giảm nghèo bền vững huyện A Lưới giai đoạn 2016 - 2020. Hoạt động giảm nghèo được triển khai đồng bộ, sử dụng tốt các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng và lồng ghép với nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ tỉnh, huyện với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng. Các nguồn vốn tín dụng được triển khai kịp thời, hiệu quả sản xuất mang yếu tố tích cực; việc xã hội hóa trợ giúp 17 xã có tỷ lệ hộ nghèo > 25% với việc hỗ trợ về phát triển sản xuất và nhu cầu đời sống với kinh phí 6,433 tỷ cho 2.000 hộ thụ hưởng. Toàn huyện có 13.719 hộ với 52.180 khẩu, số hộ nghèo giảm 476 hộ còn lại 2.585 hộ, chiếm 18,50%, hộ cận nghèo 1.802 hộ, chiếm 14,16%.

Các hoạt động hưởng ứng ngày Nông thôn mới, ngày Chủ nhật xanh diễn ra một cách sôi nổi, được người dân hưởng ứng tham gia tích cực. Lồng ghép hưởng ứng ngày “Nông thôn mới” và Đề án “Ngày chủ nhật xanh” trên địa bàn huyện[14]. Riêng đối với Đề án Ngày Chủ nhật xanh do UBND tỉnh phát động đã bước đầu đi vào nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân, từ khu vực nông thôn đến khu vực đô thị; từ trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang đến các trường học. Huy động người dân thực hiện việc trồng cây xanh, trồng các tuyến đường hoa; phát quang, dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải tại các đường làng, ngõ xóm, các điểm du lịch cộng đồng (A Nôr, A Lin, Pâr Le, làng A Ka - A Roàng) thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh; lắp đặt đèn điện ở các tuyến đường nông thôn; phát động trong nhân dân thực hiện chương trình sáng chủ nhật “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”.

Triển khai Chương trình “Xi măng Đồng Lâm đồng hành xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019” được hỗ trợ 04 xã, lượng xi măng được hỗ trợ: 215 tấn, hỗ trợ làm đường giao thông: 1.430 mét/11 tuyến.

Từ những nguồn lực nói trên, cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, năm 2019, toàn huyện tăng 9 tiêu chí so với năm 2018 (31/12/2019), đạt 71,3% so với bộ tiêu chí, bình quân đạt 13,6 tiêu chí/xã. Công nhận xã A Ngo đạt chuẩn Nông thôn mới; Triển khai 60 vườn mẫu tại các thôn.

Chỉnh trang và xây dựng nếp sống văn minh đô thị được quan tâm đúng mức và kịp thời bằng việc tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ tỉnh, xã hội hóa. Hiện tại, các tuyến đường khu vực nội thị đã và đang được đầu tư theo tiêu chuẩn đô thị gắn với việc quản lý tốt công tác trật tự đô thị; Mở rộng thực hiện công tác bảo đảm trật tự xây dựng đô thị; nâng cấp tuyến đèn chiếu sáng khu vực đô thị. Hoàn thành Quy chế quản lý lý kiến trúc đô thị, cắm mốc chỉ giới giao thông khu vực đô thị A Lưới mở rộng. Triển khai, huy động nhân dân đóng góp nhằm thực hiện các tuyến đường hoa tại khu vực thị trấn.

2. Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

Tỷ lệ học sinh chuyên cần ngày càng cao, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học, THCS tăng so với năm trước. Số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên ngày được tăng lên, 100% CBCCVC có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn trên 85%; 100% cán bộ quản lý các trường học hoàn thành chương trình bồi dưỡng quản lý giáo dục và trung cấp lý luận chính trị.

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn ngày một được quan tâm; đây là hoạt động thiết thực nhằm động viên, khích lệ đội ngũ nhà giáo và các em học sinh trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, hạn chế tối đa học sinh bỏ học ở các cấp học, bậc học trên địa bàn toàn huyện.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cấp huyện luôn thực hiện tốt, nhất là các trường hợp thuộc diện quy hoạch được cử đi đào tạo để tạo nguồn của huyện. Trình độ của cán bộ, công chức cấp huyện ngày càng nâng lên, đã có trên 93,5% trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học; 34,3% trình độ lý luận chính trị cao cấp, trung cấp; 37% quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; 27% bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính. Cấp xã, có trên 74% trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học; 51% trình độ lý luận chính trị cao cấp, trung cấp; 50% quản lý nhà nước ngạch chuyên viên.

3. Chương trình Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống:

Tổ chức sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐND ngày 10 tháng 8 năm 2016 của HĐND huyện về phát triển Công ngiệp - Tiểu thủ công nghiệp huyện A Lưới giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xúc tiến các cơ sở sản xuất chế biến mộc dân dụng, cơ sở chế biến nông sản và may mặc. Thúc đẩy phát triển các ngành cơ khí, sửa chữa máy móc thiết bị.Tổng giá trị ước đạt 412 tỷ đồng, tăng 33,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 2,4%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,1%; Cấp nước và thu gom rác thải đạt giá trị tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2018.

 Lập dự án đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt thỏa thuận quy mô đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng trong cụm CN-TTCN A Co - Hồng Thượng, đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ kinh phí đầu tư.

Tổ chức rà soát, củng cố các hoạt động sản xuất nghề truyền thống như dệt Dèng, mây, tre đan lát và nghề chổi đót tại các xã A Đớt, A Roàng, Nhâm, thị trấn A Lưới, Phú Vinh, A Ngo. Chỉ đạo các ngành, địa phương cùng phối hợp vận động các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng hóa của các nghề truyền thống, với nhiều chủng loại, đa dạng, phong phú (dệt Dèng, đan lát mây, tre…) tại các đợt diễn ra sự kiện trọng đại của huyện.

Các sản phẩm được thiết kế từ Dèng được sự chú ý nhiều từ người tiêu dùng. Vải Dèng được chú ý với sức mua tương đối lớn, một số mặt hàng từ vải Dèng A Lưới đã xuất hiện trên thị trường trong cũng như ngoài tỉnh. Đã tổ chức thành công cuộc thi thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng trên chất liệu vải Dèng truyền thống huyện A Lưới năm 2019.

4. Chương trình phát triển văn hóa, du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số:

Phối hợp tổ chức thành công Ngày hội giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên năm 2019 được Trung ương và tỉnh đánh giá rất cao. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá được thực hiện có thường xuyên và có hiệu quả, qua đó, hình ảnh văn hóa, du lịch huyện A Lưới được nâng lên, các lễ hội truyền thống, ẩm thực, địa điểm du lịch được nhiều người biết đến.

Các hoạt động du lịch khởi sắc, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm của du khách, đã từng bước nâng tầm vị thế du lịch của huyện. Khai trương loại hình du lịch Farmstay Hồng Hạ. Các điểm du lịch sinh thái Parle, A Nôr, làng du lịch A Ka, A Chi ngày càng nhận được sự quan tâm của đông đảo khách du lịch. Đón 39 tour đến tham quan du lịch di tích lịch sử, sinh thái. Số lượng khách tham quan tự do thống kê đạt khoảng 62 nghìn khách. Doanh thu từ du lịch ước đạt trên 8 tỷ đồng.

Phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, các công ty lữ hành xây dựng các điểm lắp đặt bản đồ City Map tại các điểm du lịch; xây dựng các điểm đến du lịch nhân dịp tổ chức các sự kiện của huyện. Đang xây dựng phương án mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại Hồng Kim.

Hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Lễ hội A Da Koonh truyền thống của người Pa Cô là di sản văn hóa phi vật thể. Đón nhận danh hiệu di tích cấp tỉnh đối với Địa đạo An Hô. Trưng bày các không gian văn hóa ẩm thực, thổ cẩm các dân tộc thiểu số. Duy trì các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc. Truyền dạy chế tác, chỉnh sửa, sử dụng nhạc cụ truyền thống và đan lát thủ công truyền thống.


[1]Lúa nước giảm 5,9 ha; Lúa cạn: giảm 185,1 ha; Ngô: giảm 19,6 ha; Sắn: tăng 41,3 ha; Khoai các loại: giảm 16,8 ha; Rau đậu các loại: giảm 63,8 ha.Năng suất bình quân một số cây trồng chính: Lúa nước 52,6 tạ/ha giảm 2,7 tạ/ha so với năm 2018; Lúa cạn: 19,0 tạ/ha tăng 0,7 tạ/ha so với năm 2018;  Ngô: 53,0 tạ/ha giảm 1,5 tạ/ha so với năm 2018; Sắn: 165,0 tạ/ha giảm 4,6 tạ/ha so với năm 2018; Khoai các loại: 63,4 tạ/ha bằng năm 2018; Rau, đậu các loại: 67,9 tạ/ha bằng năm 2018.

[2] Xảy ra tại 08 xã Hồng Hạ, Hương Nguyên, Hương Phong, Hồng Quảng, A Ngo, Hồng Thái, Sơn Thủy, Bắc Sơn và Thị trấn, đã triển khai các biện pháp tổng hợp để phòng chống  dịch, số lượng lợn mắc bệnh tiêu hủy 244 con lợn (trong đó 33 con lợn nái và 166 con lợn thịt; trọng lượng 13.166 kg).

[3]Đàn trâu 3.128 con (có mặt 2.807 con), đàn bò 11.613 con (có mặt 10.303 con), đàn lợn 22.290 con (có mặt 5.087 con), đàn dê 6.514 con (có mặt 5.161 con).

[4]Tiến độ tiêm phòng các loại vắc xin: Lở mồm long móng type O, A trâu, bò 17.225/22.000 liều, đạt 78%; Lở mồm long móng Type O lợn 675/800 liều đạt 84%; Tụ huyết trùng trâu, bò 6.800/7.500 liều, đạt 91%; Tam liên lợn 7.410/9000 liều, đạt 82% ; Dại chó 3.511/3.600 liều, đạt 98%; Vắc xin gia cầm các loại 22.700 liều; Văc xin và kháng thể Ecoly lợn 200 liều.

[5]Tính đến thời điểm hiện tại có 1.034 hộ gia đình, tập thể, các nhân đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện thuộc lĩnh vực quản lý: gồm 12 cơ sở dịch vụ nhà nghỉ và khách sạn; 156 cơ sở dịch vụ ăn uống giải khát.

[6]Nhắc nhở 02 đơn vị không tổ chức quan trắc môi trường (Cây xăng A Ngo, Cây xăng Phú Vinh); Nhắc nhỡ Công ty Thủy điện Sông Bồ do có hành vi xả thải nước rửa đá xây dựng trực tiếp xuống suối làm ảnh hưởng môi trường nước.

[7] Tiến hành xử phạt hành chính đối với Công ty Phú Bảo Hân và cá nhân ông Trần Văn Ninh ở thị trấn, ông Đăng Minh Châu trú tại Phú Vinh có hành vi vi phạm việc khai thác khoáng sản trái phép với tổng số tiền xử phạt là 76 triệu đồng.

[8]Tổ chức Đêm văn nghệ “Mừng Đảng - Mừng Xuân” chào đón năm mới Kỷ Hợi; tổ chức các đội diễn phục vụ bà con nhân dân tại cơ sở. Tổ chức tọa đàm với chủ đề “Yêu thương và Chia sẻ” nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2019.

[9]Tham gia các giải đấu thể thao trong khuôn khổ đạt giải Nhì toàn đoàn.

[10] Tổ chức sản xuất 244 chương trình, 1.365 tin, 168 bài phóng sự, 158 chuyên mục nhiều tài liệu tuyên truyền khác.

[11] Trong đó: Ả Rập: 4 người, Nhật Bản: 3 người và Đài Loan 1 người.

[12]Trong 9 tháng đầu năm 2019xảy ra 10 vụ, trong đó: 07 vụ trộm cắp tài sản, 01 vụ cố ý làm hư hỏng tài sản, 01 vụ Đánh bạc, 01 vụ Hủy hoại tài sản. So với cùng kỳ năm 2018giảm 05 vụ. Gọi hỏi răn đe, giáo dục 09 đối tượng thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật

[13]Dự án chăn nuôi bò công nghệ cao tại thôn Hương Phú, xã Hương Phong, huyện A Lưới: UBND tỉnh vừa có Quyết định điều chỉnh dự án tại Quyết định 1890/QĐ-UBND ngày 07/8/2019. Trong đó: Điều chỉnh quy mô còn 31,83 ha. Với tiến độ Quý III/2019 hoàn thành giao đất, quý IV/2019 hoàn thành công tác trồng cỏ thử nghiệm và nhân giống.Dự án Trồng và chăm sóc cây dược liệu tại thôn Hương Thịnh, xã Hương Phong, huyện A Lưới: Được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1736/QĐ-UBND ngày 06/8/2018 với tổng mức đầu tư 5,1 tỷ đồng: Phía huyện đã hoàn tất các thủ tục về hồ sơ đất theo thẩm quyền. Hiện đang đợi Chi cục Quản lý đất đai thực hiện các thủ tục bàn giao đất.Dự án Trung tâm thu mua gỗ rừng trồng, sản xuất và chế biến gỗ mộc gia dụng: Được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2193/QĐ-UBND ngày 4/10/2018 với tổng mức đầu tư 14,6 tỷ đồng: Huyện đang san lấp để giao mặt bằng thi công nhà máy. Nhà máy chế biến tinh bột sắn: Được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2016 với tổng mức đầu tư 92,7 tỷ đồng. Hiện nay đang chờ đánh giá tác động môi trường.

[14]Đã có 36.463 lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân hưởng ứng tham gia các hoạt động thực hiện Đề án Ngày Chủ nhật xanh (trong đó 21 xã, thị trấn là 30.197 lượt người); thu gom 455 m3 rác thải đến điểm tập kết xử lý rác; trồng được 439 cây xanh; lắp đặt điện chiếu sáng dài 2,69 km; chăm sóc gần 30km và trồng mới hơn 8.34 km hàng rào xanh; nạo vét 8.2 km kênh mương; xây dựng hơn 600m đường bê tông nông thôn từ nguồn xã hội hóa; trồng mới gần 12.500m2 hoa các loại, hầu hết các tuyến đường và toàn bộ các trường học, cơ quan công sở trên toàn huyện đã được dọn dẹp vệ sinh, phát quang, trồng cây, trồng hoa làm vệ sinh xanh - sạch - sáng; đã có hàng trăm bài truyền thanh, băng rôn, khẩu ngữ được tuyên truyền sâu rộng đến toàn dân.

 

DT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.306.868
Truy câp hiện tại 21.587