Tính đến 31/12/2022: Tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện A Lưới đạt 439.394 triệu đồng với 9.527 hộ còn dư nợ; trong đó số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 7.886 hộ với dư nợ 362.527 triệu đồng, chiếm 82,51% tổng số hộ còn dư nợ; nợ quá hạn 196 triệu đồng chiếm 0,045%. Một số chương trình tín dụng phát huy hiệu quả với dư nợ lớn như: Cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đạt hơn 110 tỷ đồng, Cho vay hộ nghèo dư nợ hơn 92 tỷ đồng; Cho vay hộ mới thoát nghèo hơn 50 tỷ đồng;
Đặc biệt trong năm 2022 triển khai cho vay các chương trình thuộc Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đến các đối tượng thụ hưởng. Dư nợ đến cuối năm 2022 là 41.858 triệu đồng; cụ thể Cho vay Học sinh sinh viên mua máy tính thiết bị phục vụ học trực tuyến với số tiền 6.350 triệu đồng; Chương trình Cho vay Nhà ở xã hội với số tiền 4.081 triệu đồng; Chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 14.000 triệu đồng; Chương trình cho vay Hỗ trợ nhà ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã giúp cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện miền núi A Lưới có điều kiện xây mới, sửa chữa cải tạo nhà ở đảm bảo an toàn, hiệu quả, với số tiến 17.436 triệu đồng với 436 hộ vay vốn.
A Lưới là một huyện miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn. Hiện nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện triển khai 15 chương trình tín dụng chính sách. Đơn vị đã thường xuyên chủ động phối hợp với Chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, thôn trưởng… thực hiện rà soát nhu cầu sử dụng vốn để kịp thời giải ngân đến đối tượng thụ hưởng. Để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hằng năm, đơn vị chủ động tham mưu với Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện có văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu kế hoạch cho các xã, thị trấn. Đồng thời chỉ đạo các xã giao chỉ tiêu đến các thôn; phối kết hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác các cấp, UBND các xã, thị trấn, các tổ tiết kiệm vay vốn tổ chức triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay, của người dân. Nhờ làm tốt công tác giải ngân, nguồn vốn chương trình đã kịp thời đến các hộ có nhu cầu vay vốn.
Trong năm 2022, thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 4.438 lượt hộ vay vốn với số tiền 169,4 tỷ đồng. Tín dụng chính sách đã góp phần đáng kể vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà, cũng như các chương trình dự án của huyện năm 2022 gồm: trồng rừng kinh tế, phát triển đàn bò, trồng chuối già lùn, lợn hữu cơ, phát triển làng nghề truyền thống như: dệt zèng và các dịch vụ khác…; cụ thể: Đã đáp ứng kịp thời cho 1.172 lượt hộ nghèo, 318 lượt hộ cận nghèo và 299 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn từ NHCSXH để phục vụ cho sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững; Hỗ trợ việc làm, mở rộng và duy trì việc làm và xuất khẩu lao động đã có 472 lao động được tạo việc làm mới; Đã có 750 lượt hộ ở khu vực nông thôn được vay vốn để cải tạo và xây dựng mới 750 công trình nước sạch đạt chuẩn quốc gia và 738 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, tạo điều kiện cho người dân có nguồn nước sinh hoạt không bị ô nhiễm, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đã có 321 lượt hộ thuộc vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế thu hút nhiều lao động.
Để đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện luôn chú trọng trong việc đầu tư vốn cả về chiều rộng và chiều sâu, mức cho vay được nâng dần lên theo nhu cầu thực tế về hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình. Thông qua việc giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, Phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, Phòng nông nghiệp…. lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyên ngư chuyển giao khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho hộ dân, qua đó phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Việc triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng ngàn lượt hộ vay tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ ngay tại nơi sinh sống. Nguồn vốn của NHCSXH được đầu tư chủ yếu vào các đối tượng sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập... Từ đó, đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn cho hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại địa bàn huyện miền núi A Lưới. Hộ đồng bào DTTS đã tự tin hơn và tăng dần vị thế trong xã hội, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn theo hướng sản xuất gắn với thị trường, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân một cách bền vững.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của NHCSXH tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện về nâng cao chất lượng tín dụng trong thời gian qua; Cùng với việc tăng trưởng dư nợ và mở rộng quy mô tín dụng, NHCSXH huyện tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực thu hồi nợ đến hạn, hạn chế tối đa nợ quá hạn phát sinh, nâng cao chất lượng khi cho vay và quản lý chặt chẽ nợ, chỉ đạo bộ phận tín dụng thường xuyên chủ động phân tích, đánh giá từng món nợ quá hạn, phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tích cực đôn đốc thu hồi; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn cho hộ vay do vậy chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ quá hạn giảm qua từng năm. Điều này thể hiện hiệu quả sử dụng vốn của hộ vay, sự nỗ lực của NHCSXH, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ TK&VV, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.