Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

GIẤC MƠ VỀ NHỮNG NGÔI NHÀ MỚI CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO VÙNG CAO A LƯỚI
Ngày cập nhật 09/02/2023

A Lưới là huyện nghèo của tỉnh Thừa Thiên Huế, với 14.051 hộ gia đình, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 75% tổng số hộ của địa phương. Các xã, thị trấn thuộc huyện nghèo A Lưới và các xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi dân tộc thiểu số (DTTS) được xem là vùng "lõi nghèo" của tỉnh. Những vùng này có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ nghèo cuối năm 2022 chiếm 38,2% (5.399 hộ) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác trong tỉnh. Ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS còn thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức cao, như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Đặc biệt nhà ở cho hộ nghèo đang là khâu then chốt để giải quyết bài toán “an cư lạc nghiệp” vươn lên thoát nghèo, nhất là hộ nghèo đồng bào DTTS đang được Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện A Lưới chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ.

 

Đưa chính sách của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống: Sau khi Chỉnh phủ ban hành Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025, Tổng Giám đốc NHCSXH ban hành văn bản số 4912/HD-NHCS ngày 30/6/2022 về việc hướng dẫn Nghiệp vụ cho vay Hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ, PGD NHCSXH huyện A Lưới đã chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với Đài phát thanh - truyền hình, các báo trên địa bàn, Công thông tin điện từ tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện A Lưới, các cơ quan báo chí TW thường trú trên địa bàn về việc tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách mới ban hành và các chương trình tín dụng đang thực hiện nhằm triển khai kịp thời và có hiệu quả Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện ALưới.

Theo đó, ngoài nguồn vốn cho vay hỗ trợ nhà ở với mức cho vay tối đa 40 triệu đồng/hộ với lãi suất cho vay 3%/năm, thời gian cho vay tối đa 15 năm được áp dụng cho các đối tượng vay vốn là các hộ nghèo đồng bào DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp tại xã Đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và miền núi, NHCSXH còn thực hiện cho vay để đầu tư vào các mục đích khác như: Cho vay hỗ trợ đất ở với mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, lãi suất cho vay 3%/năm và thời gian cho vay tối đa 15 năm, đối tượng vay vốn được áp dụng như trường hợp cho vay hỗ trợ nhà ở. Cho vay hỗ trợ đất sản xuất với mức cho vay tối đa là 77,5 triệu đồng/hộ, cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề với mức cho vay tối đa hiện nay là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định từng thời kỳ (hiện nay là 3,3%/năm), đối tượng vay vốn tương tự như các hộ được vay vốn hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất. Cho vay hỗ trợ sản xuất theo chuổi giá trị, đối tượng vay vốn được áp dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã tham gia vào chuổi giá trị có từ 70% trở lên là người DTTS, đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo mức cho vay và thời gian cho vay tối đa áp dụng theo quy định hiện hành về chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo của NHCSXH (hiện nay mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ, thời gian cho vay tối đa 10 năm), đối với  doanh nghiệp, hợp tác xã mức cho vay tối đa 02 tỷ đồng/khách hàng, thời hạn cho vay tối đa 05 năm, lãi suất cho vay hiện nay áp dụng đối với đối tượng vay vốn hộ nghèo là 3,3%/năm, đối với hộ cận nghèo, doanh nghiệp, hợp tác xã là 3,96%/năm.  

Sau khi được Chi nhánh NHCSXH tỉnh phân bổ nguồn vốn cho vay của chương trình tín dụng này, để tạo điều kiện cho các hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn ngày, bên cạnh việc chủ động và tích cực báo cáo, tham mưu cho cấp uỷ và Chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, PGD NHCSXH huyện A Lưới đã thường xuyên phối hợp với Phòng Dân tộc, Phòng Lao động Thương binh và xã hội, Phòng Kinh tế hạ tầng của huyện để tích cực tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát các đối tượng thụ hưởng, tổng hợp tham mưu UBND cấp huyện phê duyệt danh sách các hộ đủ điều kiện vay vốn để triển khai công tác cho vay một cách kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.

 Chuyển tải nguồn với đến với người hộ nghèo đồng bào DTTS: Trên cơ sở danh sách đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đã được UBND cấp huyện phê duyệt, PGD đã phối hợp với các tổ chức Hội đoàn thể nhận vốn uỷ thác của NHCSXH, Trưởng thôn (bản) tham gia cùng Ban quản lý Tổ TK&VV để chủ động tổ chức họp Tổ TK&VV để bình xét cho vay và hoàn thiện kịp thời hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của NHCSXH để giải ngân ngân kịp thời vốn vay cho các hộ vay. Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự phối hợp đồng bộ của các phòng, ban chuyên môn tại địa phương, nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo là đồng bào DTTS xây dựng nhà mới đã triển khai một cách kịp thời và nhanh chóng, đến nay PGD NHCSXH đã cho vay số tiền 17,4 tỷ đồng cho 436 hộ nghèo đồng bào DTTS vay vốn xây dựng nhà ở. Những ngôi nhà mới, khang trang mọc lên đã chứng minh hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện A Lưới, Nghị quyết 28/2022/NQ-CP thực sự đã đi vào cuộc sống.

Những ngôi nhà mới mọc lên từ nguồn vốn cho vay của NHCSXH: Chúng tôi theo đoàn kiểm tra về cơ sở, vào thăm ngôi nhà ngói khang trang của chị Lê Thị Bang, thôn A Tia, xã Hồng Kim, huyện A Lưới. Gia đình chị Bang là hộ cận nghèo, thiếu đất sản xuất, nguồn thu nhập chính từ việc làm ruộng, chăn nuôi nên không dám nghĩ tới việc xây dựng được một căn nhà vững chắc để ở. Được hỗ trợ kinh phí cho vay từ PGD NHCSXH huyện A Lưới theo Nghị định 28, sau gần hai tháng khởi công, ngôi nhà của chị đang được hoàn thiện, đem lại niềm vui cho gia đình. Chị Bang tâm sự với chúng tôi “Nhà tôi trước đây xuống cấp nghiêm trọng, mùa nắng thì nóng, mừa mưa thì dột, cảnh nhà nghèo con đông, không biết làm sao ổn định để sinh sống làm ăn. May nhờ có chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước cho hộ nghèo đồng bào DTTS vay vốn làm nhà ở, gia đình tôi mạnh dạn vay 40 triệu đồng, cùng với số tiền hỗ trợ của nhà nước và phần tich luỹ của gia đình, hôm nay gia đình tôi mới có được ngôi nhà mới như thế này, không phải chạy đến nhà văn hoá cộng đồng thôn để tránh bão, lũ hàng năm nữa. Gia đình tôi rất cám ơn Đảng và Nhà nước, cám ơn NHCSXH”. Tâm sự của chị Bang đã làm chúng tôi cảm thấy mừng trong lòng, không ai bảo ai nhưng chắc rằng mọi người đều chung một suy nghỉ như nhau “Bà con mình từ nay đỡ khổ rồi”.

Chia tay gia đình chị Bang, chúng tôi theo chân anh Hồ Văn Minh (Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Kim, huyện A Lưới) đến thăm nhà anh Nguyễn Văn Quách, thôn A Tia2, xã Hồng Kim, Huyện A Lưới. Từ xa, ngôi nhà lợp tôn mới đã tạo nên sự thanh bình, no ấm của miền sơn cước. Anh Quách cho chúng tôi biết, là một gia đình thuộc hộ nghèo, 03 miệng ăn nhưng anh Quách là lao động chính làm chủ yếu nghề nương rẫy, ngôi nhà xuống cấp, chật chội nên sinh hoạt trong gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Cuối năm 2022, được Hội Cựu binh xã tín chấp đề nghị NHCSXH cho vay 40 triệu đồng, cộng thêm vốn tự có dành dụm được, gia đình anh quyết định đầu tư xây lại ngôi nhà, đến nay ngôi nhà đã xây xong và đưa vào sử dụng, nhờ vậy cuộc sống sinh hoạt của gia đình được ổn định. Ngoài việc NHCSXH cho vay vốn để hỗ trợ xây nhà, năm 2018 anh còn được PGD NHCSXH huyện A Lưới cho vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư 02 ha trồng rừng thương mại và nuôi 2 con bò sinh sản, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi đã được hướng dẫn đến nay gia đình anh đã phát triển đàn bò lên 7 con, 02 ha rừng đã được 04 năm tuổi sắp đến mùa thu hoạch, nhờ vậy thu nhập của gia đình tăng lên bình quân đạt từ  03 triệu đến 05 triệu đồng/tháng, vừa có thu nhập tích luỹ để trả nợ Ngân hàng vừa cải thiện được đời sống của gia đình anh, sớm thoát cảnh nghèo. 

Tại huyện miền núi A Lưới, theo báo cáo rà soát năm 2022, hiện có 1.775 hộ thiếu nhà ở, 1.798 hộ thiếu đất ở, 3.805 hộ thiếu đất sản xuất, 1.292 hộ thiếu nước sinh hoạt. Toàn bộ hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc để tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài nguồn lực từ ngân sách, nguồn lực từ vốn vay thông kênh của NHCSXH cũng đã vào cuộc để hỗ trợ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có thêm nguồn vốn để xây dựng nhà ở bền vững hơn để ổn định cuôc sống, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện A Lưới.

Theo ông Lê Quang Thắng - Giám đốc PGD NHCSXH huyện A Lưới cho biết, năm 2022, trên cơ sở nguồn vốn tín dụng cho vay theo Nghị định 28/NĐ-CP đã được phân bổ với số tiền 22 tỷ đồng, PGD đã phốp hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể cấp xã và Tổ TK&VV để triển khai cho vay. Đến nay, PGD đã giải quyết cho 436 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà ở trên địa bàn với tổng số tiền là 17,36 tỷ đồng tại 16 xã, thị trấn của huyện A Lưới. Được vay vốn hỗ trợ nhà ở, các hộ nghèo tự tin hơn để bước vào cuộc sống mưu sinh khi có căn nhà mới khang trang và ổn định, đó là cứu cánh để người nghèo hộ đồng bào DTTS vững bước đi lên trên con được giảm nghèo bền vững của địa phương. Tuy vậy, đến nay PGD chỉ mới thực hiện cho vay để hỗ trợ nhà ở, các mục đích đầu tư khác như cho vay hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, chuyển đổi nghề đến nay PGD chưa thực hiện cho vay được, do chưa có quy định về định mức đất ở, đất sản xuất của cấp có thẩm quyền nên UBND cấp xã chưa xác định được đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Nghị định 28/2022/NĐ-CP để làm cơ sở cho vay.

 Từ thực tế triển khai, trong thời gian tới đề nghị Chính phủ, các Bộ, Ngành, UBND tỉnh sớm ban hành văn bản quy định cụ thể định mức thiếu đất sản xuất đối với các hộ chuyển đổi nghề theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP để cấp cơ sở thuận lợi trong việc xác nhận đối tượng thụ hưởng; đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để NHCSXH có điều kiện thực hiện nhanh chóng việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng cho bà con thuộc đối tượng vay vốn được tiếp tục hưởng thụ chương trình tín dụng chính sách về Hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ trên địa bàn huyện A Lưới, tạo điều kiện cho các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định hơn trong cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 giai đoạn 1 từ 2021-2025, sớm đưa huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo, góp phần xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trần Văn Thìn - NHCSXH TT Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày