Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Từ sự đồng lòng
Ngày cập nhật 30/10/2014

(TTH) - Nhờ "dân vận khéo", đồng bào các dân tộc vùng cao A Lưới thấm sâu hơn ý nghĩa và tự nguyện đóng góp tiền của, công sức xây dựng nhà truyền thống, giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc.

Sáng. Nắng rạng rỡ trên những mái nhà đơn sơ thôn A Năm. Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt những đàn ông, phụ nữ chậm rãi bước lên từng bậc thang nhà Durg Tà Đah. Một người đàn ông lấy chiếc khèn treo trên vách xuống, say sưa thổi điệu nhạc ngút ngàn gió rừng, da diết lời tỏ tình của các chàng trai, cô gái. Những người khác ngồi vòng quanh trên sàn nhà...

Dấu chân qua từng ngõ, từng nhà

Ông Hồ Quỳnh Quyền, Bí thư chi bộ thôn A Năm là người sau cùng leo lên cầu thang vào nhà Durg Tà Đah. Những ngày vận động bà con xây dựng nhà Durg Tà Đah sống động qua câu chuyện của ông. “Nghe dựng nhà truyền thống để giữ gìn nét văn hóa, bản sắc dân tộc, bà con ai cũng đồng tình. Nhưng mình phải nói cho bà con hiểu, việc này phải tự nhân dân làm, không được trông chờ vào Nhà nước. Nhà nào có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. Ai cũng đóng góp là sẽ làm được.” Ông đưa mắt nhìn quanh ngôi nhà Durg Tà Đah “hoành tráng” làm hoàn toàn bằng gỗ, mây, nứa, lá… tổng trị giá gần 1 tỷ đồng, như khẳng định đó là minh chứng. Bà Ka Vây góp chuyện: “Bà con mình khó khăn nhưng nghe cán bộ giải thích, đến lúc hiểu được làm cái nhà truyền thống của dân tộc mình là còn để cho con cháu, thế hệ sau này biết, không thì mai một, quên mất, thế là mình tự nguyện đóng góp thôi. Bây giờ, bàn bạc gì về các lễ hội của dân tộc Pa Cô, dân trong thôn lại tập trung về đây. Cái bụng vui lắm”.

Làm được điều đó không phải trong ngày một ngày hai. Suốt thời gian dài, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, ngoài tuyên truyền, vận động trong các cuộc họp tại cụm dân cư, dấu chân ông và những thành viên trong Ban vận động “dân vận khéo” in qua nhiều ngõ, nhiều nhà. Có nhà đến một lần, cũng có nhà họ phải đến dăm ba lần, tỉ tê rỉ rả, tới lúc nào bà con mới thôi.

Góp sức chung lòng

Đứng giữa cụm nhà mới dựng (gồm nhà làng để bà con đến họp, nhà một gian dành cho những người mồ côi, góa bụa, nhà hai gian dành cho các cặp vợ chồng, nhà ba gian hay nhà năm gian dành cho nhiều dòng họ hoặc một dòng họ nhưng nhiều thế hệ cùng sinh sống) mô phỏng ngôi làng của người Tà Ôi xưa, ông Lê Phước Dửng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã A Ngo bồi hồi nhớ lại, khi vận động nhân dân toàn xã, bước đầu cũng gặp không ít trục trặc. Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên bà con người này lo lắng, người kia do dự. Cả xã có 10 cụm dân cư, cán bộ xã lặn lội đi đến từng cụm, thậm chí đi nhiều lượt kết hợp với cán bộ thôn để tuyên truyền vận động. Không chỉ gặp gỡ bà con tại nhà cộng đồng, họ còn về tận gia đình tâm tư thêm. “Cốt làm sao bà con hiểu ý nghĩa rồi tự nguyện làm” - ông Dửng nhấn mạnh. Đó cũng là “gan ruột” của ông Lê Văn Rốc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hồng Vân với việc tuyên truyền vận động bà con. Và khi người dân đã “thấm” ý nghĩa việc lưu giữ, giữ gìn nhà truyền thống của dân tộc mình, đã “thông” chủ trương của Nhà nước, họ trải lòng, chung sức. Nhà Durg Tà Đah trị giá 1 tỉ đồng chính là kỳ tích của 198 hộ dân thôn A Năm cùng đóng góp.

Để có được ngôi nhà truyền thống hoàn toàn bằng gỗ, mây, nứa, lá vững chắc trên diện tích hơn 1.000m2, bà con thôn A Năm phải mất 2 năm ròng tìm vật liệu và 1 năm liền thi công. Bàn chân bao nhiêu trai tráng đã tứa máu, đã chai sạn khi lội suối xa, len lỏi rừng sâu. Bao nhiêu tấm áo đã đẫm mồ hôi gái trai, già trẻ… Và quan trọng hơn cả là biết bao tấm lòng quý giá, đáng trân trọng. Như ông Hồ Quỳnh Lá, người hiến hơn 1.000m2 đất để dựng nhà Durg Tà Đah trải lòng: “ Đất là mẹ, là cuộc sống. Mất đất tiếc lắm chứ. Nhưng vì trách nhiệm với xã hội, để dựng lại nhà truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc, mình với vợ con bàn bạc rồi thống nhất thôi”.

Người dân thôn A Năm tự hào về ngôi nhà truyền thống trị giá 1 tỷ đồng do người dân đóng góp xây dựng. Ảnh: Hoàng Yến

Theo bà Hồ Thị Lan Hương, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy huyện A Lưới, để mô hình "dân vận khéo" đạt hiệu quả tốt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh nói chung và việc xây dựng nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc nói riêng, thời gian qua cả hệ thống chính trị ráo riết vào cuộc, triển khai từ huyện đến xã, thôn. Hiện 133 thôn trong toàn huyện có 133 Ban vận động "dân vận khéo". Thời gian tới mô hình "dân vận khéo" để xây dựng nhà truyền thống sẽ tiếp tục được nhân rộng.

Theo http://baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày