Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Lúa thiêng hồi sinh trên vùng đất thấp
Ngày cập nhật 15/11/2018

Xây dựng các mô hình sinh kế bền vững dựa trên những sản phẩm mang tính truyền thống, gắn với cộng đồng là một phương thức hay giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) là địa phương đang áp dụng rất tốt phương thức này và một trong những mô hình như thế là: trồng lúa Ra Dư ở vùng đất thấp.

Một ngày đầu tháng 11, chúng tôi được theo chân cán bộ Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD) đến tham quan mô hình lúa Ra Dư trên đất trồng keo đã thu hoạch của hộ gia đình chị Hồ Thị Hỏi (ở thôn Chi Đu Nghĩa xã Hương Nguyên, huyện A Lưới). Đây là một trong những hộ được chọn tham gia mô hình trồng giống lúa mà người dân vẫn gọi là “lúa thiêng” ở vùng đất thấp. Mô hình thuộc dự án “Tăng cường năng lực bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học gắn với sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số ở Khu bảo tồn Sao La, tỉnh Thừa Thiên Huế do Quỹ Môi Trường Toàn Cầu tại Việt Nam tài trợ. Được biết, cả 6 hộ tham gia đều là người dân tộc Cơ Tu sống ở địa bàn xã Hương Nguyên.

“Trước đây, chúng tôi chủ yếu trồng lúa Ra Dư ở trên những nương, rẫy cao. Sau khi có dự án trồng lúa thiêng ở vùng đất thấp, đất màu được triển khai tại địa bàn xã Hương Nguyên, với mong muốn gìn giữ giống lúa quý của địa phương, tôi cùng các hộ gia đình khác đã đăng ký tham gia”, chị Hỏi cho biết. Theo chị Hỏi, khi tham gia dự án trồng lúa Ra Dư, người dân được hỗ trợ giống, được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa. Nhờ đó, lúa phát triển tốt và cho năng suất tương đối cao. Được biết, trong vụ vừa rồi, tại xã Hương Nguyên có 6 hộ tham gia trồng lúa Ra Dư ở vùng đất thấp, đất màu với tổng diện tích gieo trồng là 10 ha.

Theo TS. Trương Quang Hoàng – Giám đốc Trung tâm CRD, mô hình trồng lúa Ra Dư trên đất màu được xây dựng dựa trên việc xem xét nhiều ưu điểm so với các giống lúa truyền thống khác như khả năng chịu hạn, chịu thâm canh tốt, ít bị sâu bệnh hại, chất lượng gạo ngon, thơm, ngọt, dẻo, không bị khô khi cơm nguội. Gạo Ra Dư được nhiều người ưa chuộng nên giá bán trên thị trường cao, cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với các giống lúa khác. Mặt khác, việc đưa giống lúa vốn chỉ được trồng trên các nương rẫy cao, theo cách gieo trồng truyền thống của người dân bản địa là “phát, đốt, cốt, trỉa” (phát rừng mới rồi đốt, dọn dẹp thành nương rẫy, xong chọc lỗ gieo lúa;mùa màng được hay không tùy thuộc thiên nhiên) mang lại nhiều lợi ích, như: hạn chế việc phá rừng mới làm nương rẫy, giúp bảo tồn thiên nhiên, có thể áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăm sóc và thu hoạch lúa; đặc biệt, giúp người dân thay đổi tập quán canh tác sản xuất, ý thức hơn trong việc phát triển các mô hình sinh kế bền vững,… Bên cạnh đó, keo là một loại cây có khả năng tái tạo đất rất tốt. Do đó, sau khi thu hoạch keo và trong khoảng thời gian cho đất nghỉ ngơi (từ 5 – 6 tháng), việc tận dụng đất để trồng lúa là vô cùng hợp lý, tạo thêm thu nhập cho người dân.

Thu hoạch lúa Ra Dư

Già làng Nguyễn Văn Thờ (thôn Giồng, xã Hương Nguyên) cho biết: Ra Dư là một loại gạo đặc sản truyền thống từ xa xưa của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện miền núi A Lưới. Gạo này thường chỉ dành cho các chàng rể về thăm bố mẹ vợ, dành để cúng Yàng và thi thoảng mới đem thiết đãi khách quý của cộng đồng. Giống lúa quý này theo phương thức canh tác truyền thống thì chủ yếu được trồng trên vùng đất cạn, thường là lưng chừng núi. Trong quá trình trồng, trỉa, gom thóc người dân tổ chức 3 lần cúng. Để trồng lúa, ngay từ khi phát rẫy người dân đã phải báo cho chủ làng để cúng thần đất. Khi thu hoạch lúa xong, dân làng phải tổ chức lễ cơm mới để cám ơn trời đất, thần linh cầu mong mùa vụ tốt tươi. Việc khôi phục và mang lúa Ra Dư về trồng ở vùng đất thấp đã giúp bà con duy trì giống lúa đặc sản cũng như có thêm mô hình kinh tế hiệu quả mà không phải phát, đốt những diện tích rừng mới.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại xã Hương Nguyên còn có 2 mô hình sinh kế bền vững được triển khai đồng thời là: mô hình trồng cây thảo dược Thiên Nhiên Kiện dưới tán rừng cho các nhóm cộng đồng. Mô hình này có 2 nhóm cộng đồng với 33 hộ dân đều là người dân tộc Cơ Tu, tham gia; số diện tích đã trồng là hơn 1ha. Bên cạnh đó là mô hình nuôi bò bán thâm canh với 7 hộ tham gia.

Mô hình nuôi bò bán thâm canh của người dân tại thôn Giồng (xã Hương Nguyên)

Ông Hồ Văn Ngưm – Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, trong những năm qua, thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, địa phương đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân để xây dựng những mô hình sinh kế, mô hình lồng ghép, xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho người dân. Bên cạnh phát triển, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả, A Lưới đã và đang chủ trương phát huy các thế mạnh của mình, xây dựng nên những mô hình kinh tế dựa vào các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó có nhân rộng mô hình trồng lúa Ra Dư ở những vùng đất thấp, đất màu, ruộng cạn. Theo ông Ngưm, hiện nay toàn huyện A Lưới có khoảng 200ha đất trồng lúa Ra Dư, tạo ra một nguồn sản lượng nhất định để cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, A Lưới có khoảng trên 12.000ha đất trồng keo công nghiệp, nếu tận dụng tối đa số diện tích đất “nhàn dỗi” hàng năm và nếu có những mô hình sinh kế phù hợp thì sẽ giúp người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

(Theo www.baodansinh.vn)

T.T
Các tin khác
Xem tin theo ngày