1. Về xử lý trường hợp biên bản vi phạm hành chính (BBVPHC) lập sai thẩm quyền
Trường hợp BBVPHC được lập bởi người không có thẩm quyền lập biên bản theo quy định của pháp luật thì không được coi là BBVPHC. Do vậy, người có thẩm quyền lập BBVPHC theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC), Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nhà nước có thể tiếp tục lập BBVPHC đối với hành vi vi phạm hành chính mà không vi phạm nguyên tắc "một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập một biên bản và ra quyết định xử phạt một lần" quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
2. Về áp dụng mức phạt tiền trong trường hợp có 01 tình tiết tăng nặng hoặc 01 tình tiết giảm nhẹ
Khoản 4 Điều 23 Luật XLVPHC quy định "Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt".
Hiện nay, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP chỉ quy định cụ thể việc xác định mức phạt tiền trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Vì vậy, trong trường hợp hành vi vi phạm có 01 tình tiết tăng nặng/01 tình tiết giảm nhẹ hoặc sau khi giảm trừ còn 01 tình tiết tăng nặng/01 tình tiết giảm nhẹ, người có thẩm quyền xử phạt cần căn cứ tình tiết của vụ việc để xem xét, quyết định áp dụng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính theo nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật XLVPHC, cụ thể:
- Trường hợp hành vi vi phạm có một tình tiết tăng nặng hoặc sau khi thực hiện giảm trừ còn 01 tình tiết tăng nặng: có thể áp dụng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong khoảng từ trên mức trung bình đến dưới mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi.
- Trường hợp hành vi vi phạm có một tình tiết giảm nhẹ hoặc sau khi thực hiện giảm trừ còn 01 tình tiết giảm nhẹ: có thể áp dụng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong khoảng từ trên mức tối thiểu đến dưới mức trung bình khung tiền phạt đối với hành vi.
3. Về việc gửi BBVPHC, quyết định xử phạt vi phạm hành chính (quyết định XPVPHC) để thi hành
Điều 70 Luật XLVPHC quy định : "Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao".
Tại mẫu BBVPHC (Mẫu biên bản số 01) và Mẫu quyết định XPVPHC (Mẫu quyết định số 01 và Mẫu quyết định số 02) tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP yêu cầu ghi thông tin về "nơi ở hiện tại".
Khoản 10 Điều 2 Luật Cư trú quy định: "Nơi ở hiện tại là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú mà công dân đang thường xuyên sinh sống; trường hợp không có nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi ở hiện tại là nơi công dân đang thực tế sinh sống".
Điều 11 Luật Cư trú quy định: "Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú", "trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này".
Từ các quy định pháp luật nêu trên, cơ quan, người có thẩm quyền có thể căn cứ thông tin do tổ chức/cá nhân vi phạm cung cấp hoặc bằng các biện pháp nghiệp vụ thực tế (thông tin từ gia đình, người thân, chính quyền địa phương...) để xác định chính xác và ghi thông tin về "nơi ở hiện tại" cho phù hợp. Trường hợp phải gửi BBVPHC và quyết định xử phạt vi phạm hành chính qua bưu điện thì cơ quan, người có thẩm quyền có thể theo địa chỉ "nơi ở hiện tại" được ghi nhận trong BBVPHC hoặc quyết định XPVPHC. Trường hợp phải niêm yết tại "nơi cư trú" của cá nhân thì cơ quan, người có thẩm quyền xác định "nơi cư trú " theo quy định tại Điều 11 Luật Cư trú.
4. Về việc lập BBVPHC đối với hành vi vi phạm của người đã chết
Điểm b khoản 3 Điều 58 Luật XLVPHC, điểm c khoản 4 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định BBVPHC phải có "thông tin về cá nhân, tổ chức vi phạm".
Khoản 4 Điều 58 Luật XLVPHC quy định: "Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản".
Điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định: "Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì phải ghi rõ lý do vào biên bản".
Theo hướng dẫn tại Mẫu quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (Mẫu quyết định số 14) và Mẫu quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (Mẫu quyết định số 15) ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì BBVPHC là một trong những tài liệu, căn cứ để ban hành các quyết định đối với trường hợp tại khoản 2 Điều 65 Luật XLVPHC .
Qua rà soát, Cục QLXLVPHC&TDTTHL nhận thấy, Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành không có hướng dẫn cụ thể về việc lập BBVPHC đối với riêng trường hợp cá nhân vi phạm hành chính chết. Tuy nhiên, cơ quan, người có thẩm quyền có thể căn cứ các quy định tại điểm b khoản 3, khoản 4 Luật XLVPHC và điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP và Mẫu BBVPHC (Mẫu biên bản số 01) ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP để thực hiện việc lập BBVPHC, trong BBVPHC thể hiện rõ lý do người vi phạm không ký vào BBVPHC là "đã chết".