Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thực hiện quy chế dân chủ gắn với cải cách hành chính, xây dựng đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 19/08/2019

Việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) gắn với công tác cải cách hành chính (CCHC) có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất chính trị, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới.

Làm tốt công tác CCHC cũng như đẩy mạnh việc thực hiện QCDC sẽ tác động mạnh mẽ đến việc củng cố và nâng cao vị thế của bộ máy nhà nước, đảm bảo hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị; đồng thời, từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; tích cực phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

Hướng đến mục tiêu phục vụ nhân dân một cách tốt nhất

Thực hiện QCDC ở cơ sở và CCHC đều hướng tới một mục tiêu chung, đó là: xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và thực sự là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Yêu cầu trước tiên trong việc thực hiện QCDC và CCHC là công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của cơ quan nhà nước; tập hợp được sức mạnh, trí tuệ của tập thể cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân để xây dựng hệ thống chính quyền các cấp ngày càng vững mạnh; mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước đều hướng tới phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Do đó, thực hiện CCHC không thể tách rời thực hiện QCDC ở cơ sở mà phải thực hiện đồng thời và có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Thực tế cho thấy, ở đâu thực hiện tốt QCDC cơ sở thì ở đó thực hiện tốt công tác CCHC và ngược lại.

Tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc - Nam, trục hành lang Đông - Tây nối Thái Lan - Lào - Việt Nam theo đường 9. Thừa Thiên Huế ở vào vị trí trung độ của cả nước; có 503.320,5 ha diện tích tự nhiên với 09 đơn vị hành chính cấp huyện và 152 đơn vị hành chính cấp xã. Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Có được những kết quả nêu trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, việc thực hiện QCDC gắn với công tác CCHC đã phát huy tác dụng và huy động được các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của địa phương.

Có thể nói, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện QCDC ở cơ sở ra đời đã thể hiện ý Đảng hợp lòng dân, đáp ứng được yêu cầu phát huy dân chủ trong quá trình đổi mới, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; cùng với sự nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện của các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng và thực hiện QCDC đã đạt được những kết quả tích cực, đem lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực về nhiều mặt, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

Thông qua việc thực hiện QCDC và đẩy mạnh CCHC, hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp đã có nhiều đổi mới. Công tác tiếp xúc cử tri được cải tiến, thiết thực, hiệu quả hơn; các điểm tiếp xúc cử tri được bố trí về tận thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, đến với từng đối tượng. Đại biểu HĐND đã thực hiện tốt việc tiếp xúc cử tri để trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Nhờ đó, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được đối thoại, giải thích trực tiếp và xem xét giải quyết. Chất lượng các kỳ họp của HĐND các cấp ngày càng được nâng lên; các kỳ họp của HĐND tỉnh, huyện, thị xã và thành phố đã được truyền thanh, truyền hình trực tiếp, tạo điều kiện cho nhân dân theo dõi các hoạt động của HĐND tại kỳ họp được nhân dân thực sự quan tâm.

Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp chú trọng chỉ đạo thực hiện QCDC ở trong các loại hình cơ sở, gắn việc xây dựng và thực hiện QCDC với việc củng cố xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công tác CCHC ở các ngành, các địa phương; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa, tạo điều kiện để người dân thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mình. UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành đã tích cực hướng dẫn, phối hợp kiểm tra việc xây dựng và thực hiện QCDC.

UBND các xã, phường, thị trấn đã thực hiện nề nếp chế độ công khai thông qua các hình thức như: họp dân, tiếp xúc cử tri, sinh hoạt các đoàn thể, qua hệ thống truyền thanh của xã, hợp tác xã, niêm yết văn bản tại trụ sở, bảng tin nơi công cộng về những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND các cấp; quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương; các chính sách về thuế; chủ trương xóa đói, giảm nghèo; các khoản trợ cấp, cứu đói; các chủ trương hỗ trợ bão, lụt, dịch bệnh, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề; các loại thuế, phí, lệ phí, đền bù giải phóng mặt bằng; kế hoạch xây dựng giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm xá; các khoản nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; các thủ tục hành chính; công tác gọi thanh niên nhập ngũ hàng năm; thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.

   Thông qua các hình thức họp dân ở từng thôn, bản, tổ dân phố, qua các cuộc tiếp xúc cử tri…, Đảng ủy, chính quyền cấp xã đã xây dựng kế hoạch hàng năm về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sử dụng đất đai; mức huy động đóng góp trong nhân dân để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng; phương án đền bù giải phóng mặt bằng; di dời và thiết lập khu tái định cư; kiến thiết đô thị; bàn vấn đề mở rộng đường làng ngõ xóm; vấn đề đóng góp xây dựng chợ; xây dựng khu dân cư không có tội phạm; không có người sinh con thứ ba... 

Cùng với việc thực hiện QCDC, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được quan tâm chỉ đạo và triển khai quyết liệt. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch CCHC hàng năm để xác định các nội dung cần tập trung chỉ đạo thực hiện với các nhiệm vụ cụ thể của tháng, quý gắn với trách nhiệm đối với từng cấp, từng ngành. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, điều hành về CCHC; tập trung rà soát 06 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm trong lĩnh vực quản lý nhà nước, gồm: đầu tư - xây dựng, tài nguyên - môi trường, văn hóa, thể thao và du lịch, nội vụ, tư pháp, lao động việc làm nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đều đưa công tác CCHC vào Chương trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ vậy, công tác CCHC của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực và luôn được đánh giá cao. Việc cung cấp dịch vụ hành chính công giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn, đảm bảo công khai, minh bạch. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các Trung tâm Hành chính công cấp huyện đi vào hoạt động ổn định, nhiều Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã khai trương đi vào hoạt động, tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp, tạo môi trường làm việc thuận tiện, văn minh, hiện đại, mang lại sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân.

Thực hiện tốt Đề án “Cải thiện và nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa công dân - cơ quan chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế hướng tới xây dựng chính quyền phục vụ, thân thiện, hiện đại, hiệu quả”. Tiếp tục duy trì việc đánh giá, xếp loại công tác CCHC của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; triển khai đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của các sở, UBND cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh. Việc đánh giá các nội dung trên được điểm số hóa, theo tiêu chí, sử dụng phương pháp đánh giá đa chiều, lồng ghép các tiêu chí đang thực hiện, đánh giá công khai, minh bạch, công bằng, thường xuyên, liên tục. Kết quả xếp loại, đánh giá là căn cứ để bình xét thi đua, khen thưởng trong các cụm, khối thi đua và đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm đối với người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đây là một trong những giải pháp và cách làm mới của tỉnh Thừa Thiên Huế. Điều này chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, cũng như của đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Nhìn chung, quá trình thực hiện QCDC gắn với CCHC ở các đơn vị, địa phương trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả rất đáng trân trọng. Về cơ bản, đã giải quyết được các vấn đề bức xúc ở địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hạn chế những khiếu nại, tố cáo vượt cấp; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. 

Thực hiện QCDC góp phần nâng cao đạo đức công vụ, cải tiến lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, ngày càng trọng dân, gần dân, sâu sát với nhân dân, hạn chế tình trạng quan liêu, qua đó tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt công tác CCHC. Mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ngày càng gắn bó. Nhân dân thẳng thắn góp ý cán bộ, đảng viên, phát hiện những cán bộ, đảng viên vi phạm để báo cáo tổ chức xem xét, góp phần làm trong sạch tổ chức Đảng và chính quyền các cấp; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân. 

Những tồn tại, hạn chế cần khắc phục

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện QCDC và CCHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến xây dựng và thực hiện QCDC, CCHC của một số cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu, nhất là ở cơ sở. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có nơi còn chậm; công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng, thực hiện QCDC ở một số địa phương, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp chưa thường xuyên, hiệu quả. Công tác CCHC tuy đã được quan tâm nhưng kết quả đạt được chưa thực sự như mong đợi, tình trạng gây phiền hà cho nhân dân vẫn còn diễn ra. Phong cách, lề lối làm việc của một số cán bộ, công chức còn nặng về hành chính, coi nhẹ công tác giải trình, minh bạch để vận động, thuyết phục, đối thoại giải thích cho nhân dân...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế vừa nêu, nhưng tập trung chủ yếu ở các nguyên nhân sau:

- Nhận thức của một số địa phương, cơ quan về thực hiện QCDC và CCHC chưa đầy đủ, sâu sắc; công tác chỉ đạo thực hiện chỉ thị, nghị quyết của các cấp chưa được quan tâm đúng mức và thường xuyên; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện còn thiếu đồng bộ.

- Năng lực, trình độ chuyên môn, nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; phương pháp tổ chức thực hiện chưa phù hợp, bên cạnh đó, việc tổ chức họp dân ở một số nơi rất khó khăn (nhất là những thôn có quy mô trên 500 hộ), nhân dân ít tham gia sinh hoạt nên việc triển khai thực hiện QCDC chưa đạt hiệu quả cao. 

Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng cường thực hiện QCDC gắn với công tác CCHC, coi đây là giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đã đề ra. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hoá và công khai hoá, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm các mục tiêu phát triển, đáp ứng kịp thời lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Trong đó, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC và CCHC, đặc biệt là Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn, QCDC ở cơ sở trong các loại hình và Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. Phát huy hơn nữa dân chủ trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đẩy mạnh CCHC gắn với phân cấp quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. 

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên trong thực hiện QCDC và CCHC. Cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để đưa việc xây dựng, thực hiện QCDC và CCHC trở thành nề nếp. Chỉ đạo thực hiện dân chủ gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.

Thứ ba, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị, địa phương về chủ trương, chính sách, pháp luật; về chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; các khoản thu, chi ngân sách và các nguồn kinh phí, các quỹ, các khoản đóng góp của nhân dân; nội dung quy định và quy chế làm việc của cơ quan nhà nước, thủ tục hành chính và quy trình giải quyết thủ tục hành chính; về phân công và chế độ trách nhiệm, chế độ khen thưởng và xử lý vi phạm... để nhân dân biết và thực hiện quyền giám sát đối với các hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ tư, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, bảo đảm cho chính quyền các cấp thực sự là chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tích cực sửa đổi lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, minh bạch, công khai hóa, chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác, nhất là trong việc nắm chắc chủ trương, chính sách, pháp luật để giải thích cho dân rõ, gương mẫu chấp hành cho dân theo; tiếp xúc, tổ chức đối thoại, tiếp thu ý kiến phê bình của nhân dân; xây dựng và thực hành phong cách công tác “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh CCHC, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân. Thực hiện đúng phương châm: “Thân thiện - Đơn giản - Đúng hẹn” trong giải quyết thủ tục hành chính theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ. Duy trì thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại công tác CCHC của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, hướng tới hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại công tác CCHC của UBND cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khách quan; làm cơ sở để đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Với sự quyết tâm cao và sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian tới, việc thực hiện QCDC và công tác CCHC của địa phương tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công mới, tạo nên sức mạnh bứt phá để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm cho quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp và phát triển bền vững./.

Theo "Tạp chí Tổ chức Nhà nước"
Các tin khác
Xem tin theo ngày