Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website
Lễ hội A Pier (Lễ hội Xuống giống) của người Pa Cô huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 16/07/2024

Thực hiện Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 09 tháng 4 năm 2024 của UBND huyện A Lưới về việc Triển khai thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện A Lưới năm 2024, ngày 13/7 tại Điểm du lịch sinh thái cộng đồng A Lin, thôn Ta Ay Ta xã Trung Sơn đã diễn ra Tái hiện trích đoạn Lễ hội A Pier (Lễ hội Xuống giống) của người Pa Cô A Lưới, Thừa  Thiên Huế, với sự tham dự đồng chí Nguyễn Tân – UVTVHU, Phó Chủ tịch HĐND huyện và các đồng chí lãnh đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện, lãnh đạo xã Trung Sơn và bà con nhân dân đến cổ vũ, trải nghiệm.

Lễ hội A Pier (Lễ hội Xuống giống) của người Pa Cô A Lưới, Thừa  Thiên Huế đã có từ lâu đời, có ý nghĩa Xuống giống cây trồng, xuống giống thể hiện mùa màng bắt đầu vào vụ mới, các loại giống cây trồng được trồng xuống đất bắt đầu sinh sôi nảy nở phát triển tươi tốt. Khi Lễ hội APier diễn ra bà con thường làm các nghi thức mang tính tín ngưỡng dân gian cầu mong cây cối xanh tươi, cây lúa chắc hạt, cho cây kê trĩu cành….cầu cho mùa mang bội thu, nuôi sống bà con làng bản.

Theo phong tục tập quán của người đồng bào Pa Cô trước đây, Lễ hội A Pier được thực hiện dưới dạng 5 nghi thức truyền thống. (Bước 1. Họp bàn; Bước 2. Khai rẫy thiêng; Bước 3. Trỉa lúa chính thức; Bước 4. Đánh thức giống lúa; Bước 5. Làm rào chắn; Bước 6. Rửa Ca ria), cụ thể

Bước 1: Họp bàn

Khi nương rẫy của các gia đình, dòng họ đã chuẩn bị các bước, già làng tập hợp các trưởng dòng họ, tổ chức họp bàn về việc chuẩn bị tổ chức lễ hội A Pier, thống nhất chọn ngày tổ chức vào các ngày Klang, Tâm Prang và cúng các lễ vật gà, heo.

Sau đó già làng chia ra: Một phần dâng cúng ở làng, nơi linh thiêng. Phần còn lại cúng ở đám rẫy, nơi chọn để xuống giống cây trồng.

Bước 2: Khai rẫy thiêng

Đúng ngày, giờ đẹp theo dương lịch Klang, Tâm prang, từ sáng sớm già làng cùng đại diện các dòng họ tập trung tại sân làng, họ chọn khoảng đất rộng độ 20 mét vuông làm tấm rẫy thiêng, tại một góc sân chung của làng để cúng. Lễ vật bao gồm: 01 con gà trống, 01 con heo, xôi, hương ci cul…

Già làng đại diện các gia đình, dòng họ sàng giống lúa bằng thanh la và khấn “Cầu mong cho hạt giống lúa chắc vỏ bền hạt như thanh la, sau này đẻ ra nhiều con nhánh khỏe mạnh, cho nặng bông chắc hạt, không bị lép, không bị thâm đen mà phải vàng óng tựa như đồng thanh la này”. Sau đó, già làng tiếp tục đại diện chọc lỗ vào tấm rẫy thiêng, các trưởng họ bỏ giống vào lỗ vào tấm rẫy thiêng.

Bước 3: Trỉa lúa chính thức

Sau khi Già làng đã cúng xong, mỗi người phụ nữ trong 1gia đình chuẩn bị sẵn lúa giống, hạt chắc tròn nhất cho nương rẫy chính thức của mình, phân chia đều cho các chị em tham gia trỉa lúa. Khi người đàn ông chọc lỗ A Pật đầu tiên và phụ nữ vừa thả hạt giống đầu tiên đó vào lỗ A Pật vừa hát thể loại dân ca Ta lăm, như giai điệu hát ru vậy : “Hạt giống mẹ lúa ơi, cầu mong mỗi hạt lúa giống được trỉa xuống đất nương, sẽ mọc lên và đẻ nhánh khỏe mạnh tươi tốt. Màu xanh của cây lúa sẽ phủ kín nương rẫy, lớn nhanh và trổ bông dài hạt chắc, cho mùa màng bội thu, cho gia đình làng bản được no ấm”.

Bước 4: Đánh thức giống lúa

Sau khi đã trỉa lúa xong, mỗi chủ gia đình lên nương và mang theo đoạn tre, nứa dùng để làm pháo nổ. Khi vào rẫy, chủ nhà đập thật mạnh đoạn tre, nứa vào hòn đá hay khúc gỗ, đập làm sao cho tre, nứa nổ thật to và hát: “Tiếng nổ lớn để cho giống lúa giật mình, trỗi dậy nhanh và mọc đều, khỏe mạnh, đẻ nhánh nhiều, xanh tốt, bông dài, hạt chắc đều”.

Bước 5: Làm rào chắn

Sáng sớm hôm sau, các già làng, trưởng họ cùng toàn thể đàn ông, đàn bà, già, trẻ, gái, trai rào chắn rẩy lúa của mình nhằm ngăn chặn các loài động vật vào phá hoại cây trồng.

Bước 6: Rửa Ca ria

Khi nương rẫy đã trỉa xong, các mẹ các chị về tề tựu tại bến sông suối hay bến nước của làng thực hiện nghi thức cuối cùng, đó là nghi thức Rửa Ca ria. Họ vừa rửa vừa khẽ hát “Rửa Ca ria cầu mong cho đất rẫy luôn luôn có nước mát, để cây lúa mọc nhanh, tươi tốt, cho rễ lúa được sạch sẽ mát mẻ, khỏe mạnh, cắm sâu vào lớp đất, hút lấy chất dinh dưỡng của đất, để cây lúa được khỏe mạnh vững chãi trước gió bão, mưa sa”.

Sau khi Rửa Ca ria xong, các cô gái, chàng trai cùng nhau tắm suối, vui đùa mừng thành công Lễ hội. Lễ hội A Pier được người Pa Cô duy trì, nhất là đối với các làng, xã còn làm nương rẫy, đã trở thành nét văn hoá truyền thống đặc sắc của người Pa Cô.

Lễ hội A Pier kết thúc, Giàng đã ăn uống no nê và trên đường trở về nơi ngự trị của mình, để trông coi, bảo vệ bản làng, bảo vệ đất đai, mùa màng, bảo vệ người dân tộc Pa Cô. Lúc này, già làng, trưởng bản cùng với bà con quây quần bên nhau, cùng nhau ăn uống, cùng nhau nhảy múa với hy vọng một mùa lúa mới bội thu, làm cho dân bản được ấm no, hạnh phúc, ngày càng giàu có hơn. Lòng họ vui mừng, hò reo phấn khởi. Họ cùng nhảy múa theo các vũ điệu, theo tiếng trống, tiếng khèn truyền thống của người Pa Cô để mừng lễ hội, mừng xuống giống mùa vụ mới đã thành công mỹ mãn.

Hiện nay, tất cả các lễ hội nói chung và lễ hội A Pier nói riêng đã trở thành sản phẩm dịch vụ du lịch phục vụ du khách theo yêu cầu. Đây là hoạt động có ý nghĩa trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc gắn với phát triển du lịch của huyện A Lưới./.  

Hình ảnh tại lễ hội 

 

 

Phạm Tuyết
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.480.669
Truy câp hiện tại 3.398